Đánh thuế nhà

Những người có nhà thứ hai trở lên sẽ bị đánh thuế- dự định này của Bộ Tài chính có nghĩa là đánh thuế tài sản mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Đây không phải việc mới, trên thực tế, sắc thuế này đã được đề xuất từ năm 2009, với tên gọi là thuế nhà ở, nằm trong Luật Thuế nhà đất. Song tại thời điểm đó đề xuất này không được Quốc hội thông qua. Và vấn đề đang được đặt ra một lần nữa lại tiếp tục gây tranh luận.

Nhà không ở cũng có khả năng bị đóng thuế.

Có cơ sở thực tiễn để đặt ra vấn đề đánh thuế lũy tiến đối với việc sở hữu nhà ở. Đó là hàng nghìn căn biệt thự và liền kề hiện đã hoàn thành xây thô vẫn đang được bỏ hoang. Nhiều căn hộ chung cư chưa cần đưa vào sử dụng… Đương nhiên, dễ hiểu đó là tài sản của những người thừa nhà ở và đó thuần là tài sản đầu cơ. Nhiều chuyên gia cho rằng đánh thuế lũy tiến nhà là biện pháp để tránh đầu cơ, lãng phí nhà ở, tránh bong bóng bất động sản. Trong số những ý kiến này, có thể chú ý tới quan điểm của GS Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo ông Võ, để chống đầu cơ, các nước cũng tiến hành đánh thuế lũy tiến vào các trường hợp có 2 nhà hay 3 nhà trở lên. Có nghĩa là nếu như đánh thuế lũy tiến vào trường hợp nhiều nhà thì nhất định chống được đầu cơ. Ông Võ cho rằng bằng cách này, người nhiều nhà không tích trữ nhà nữa còn dân đầu cơ thấy thuế phải nộp rất cao rồi thì sẽ hạn chế đầu cơ. Hơn nữa, theo vị chuyên gia này, việc đánh thuế này sẽ khiến tài sản được đăng ký công khai hơn. Nhiều người sẽ lộ các khối bất động sản ngầm giấu kín lâu nay.

Như vậy, có thể thấy với một việc đánh thuế nhà theo kiểu lũy tiến, càng sở hữu nhiều nhà ở càng phải đóng nhiều thuế có thể đạt một lúc nhiều mục tiêu, chống đầu cơ bất động sản, minh bạch tài sản cá nhân, tạo nguồn thu cho nhà nước, góp phần ổn định thị trường bất động sản, tăng thu ngân sách và tạo ra công bằng xã hội.

Đấy là mặt được dễ nhìn thấy. Cũng là biện pháp nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, không chỉ với nhà ở: Càng thu nhập cao, càng nhiều tài sản thì càng đóng góp nhiều thuế cho xã hội. Tuy nhiên, sở dĩ ở lần đưa ra năm 2009, vấn đề này chưa được Quốc hội thông qua là bởi chưa có được sự nhất trí cao trong xã hội. Và ngay cả với việc đưa ra lần này, cũng còn nhiều băn khoăn không nhỏ.

Ví dụ việc thực thi có hiệu quả hay không? Khi mà đã nhìn trước khả năng sẽ xảy ra việc tiêu cực để lách thuế. Ngay cả vấn đề kê khai tài sản đối với cán bộ công chức, vốn được coi là làm nghiêm với đối tượng là cán bộ có chức có quyền, thế mà cho đến giờ vẫn không thể nói là đã kê khai được hết số tài sản của cán bộ công chức nữa là việc kê khai nhà ở đối với toàn dân, chắc chắn không thể kiểm soát được nhà ở thứ 2, thứ 3… của một ai đó. Nhất là trong điều kiện chúng ta hoàn toàn chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý nhân khẩu. Nhiều người cho rằng việc lách luật không phải là khó, có rất nhiều cách để lách luật. Ví dụ như cho người thân đứng tên…

Chưa kể, sẽ nảy khá nhiều bất hợp lý trong việc định giá để đánh thuế lũy tiến nhà. Ví dụ một người sở hữu một cái nhà vài chục mét vuông, cũng được tính là một đơn vị nhà ở, họ có thêm 1 căn, 2 căn nữa, cũng bé tí, là đã bị tính nhà thứ 2, thứ 3 để đánh thuế. Trong khi có người sở hữu những căn biệt thự vài trăm mét vuông, hàng nghìn mét vuông, cũng chỉ tính là 1 căn nhà… Như vậy liệu có đảm bảo công bằng hay không?

Như vậy, có thể thấy về nguyên tắc, thuế trực thu đối với nhà ở là một giải pháp tốt. Đối với một xã hội ngày càng tiến tới công bằng xã hội, đánh thuế từ bất động sản thứ hai trở đi là hợp lý và đây là chính sách vừa đảm bảo tăng thu cho ngân sách nhà nước, vừa góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí nhà ở. Vấn đề ở đây là thời điểm thực hiện và giải pháp thực hiện. Thị trường bất động sản thời điểm này đã thích hợp để đánh thuế nhà ở mà không nảy sinh hệ lụy tiêu cực cho thị trường hay chưa? Nguồn lực thực hiện việc thu thuế đã đảm bảo hay chưa? Và nhất là, số tiền thuế thu được từ việc đánh thuế nhà ở để đảm bảo cho việc tăng thu ngân sách so với số tiền để bộ máy thực hiện thu thuế vận hành thế nào? Mức thu là cả một vấn đề. Nếu thu thấp, thì không đáng kể gì so với công sức và tiền bạc để vận hành bộ máy thu thuế nhà ở. Nếu thu quá cao, việc đánh thuế sẽ hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp cũng như sức chịu đựng của thị trường và cá nhân từng người dân.

Đó là những vấn đề cần được tính kỹ để khi đưa vào thực thi, sắc thuế này không rơi vào tình trạng chỉ khả thi trên giấy.

Ngọc Anh

Từ khóa

thuế nhà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/danh-thue-nha/131486