Đánh thuế nhà thứ 2: Khó biết ai đầu cơ, ai sử dụng?

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) hoan nghênh định hướng của Bộ Tài chính về việc đánh thuế BĐS vì cho rằng chủ trương này sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững… Thế nhưng, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, dự thảo này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

HoREA cho rằng, việc đánh thuế sẽ giúp thị trường bất động sản đi lên

Nhiều nước đã đánh thuế BĐS

Ngay sau khi Bộ Tài chính cho biết định hướng sẽ nghiên cứu đánh thuế vào thị trường bất động sản, chiều ngày (1.11), HoREA đã có văn bản trình Bộ Tài chính và các cơ quan ban ngành. Hiệp hội này hoan nghênh với định hướng của Bộ Tài chính đưa ra. Đặc biệt ủng hộ việc đánh thuế đối với người có từ nhà thứ 2 trở đi.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM dẫn chứng, theo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 01.01.2012 đã quy định các loại đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở tại đô thị là đối tượng chịu thuế, áp dụng thuế suất 0,03% trên bảng giá đất.

Tuy nhiên, đây là loại thuế trực thu mà người sử dụng đất ở phải nộp hàng năm. Ở nước ta cho đến nay, chỉ mới đánh thuế sử dụng đất ở chưa đánh thuế tài sản nhà ở.

Theo HoREA, sắc thuế này khi được thông qua sẽ góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững, phòng chống đầu cơ, tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở. Đồng thời, việc thu thế bất động sản sẽ góp phần làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, sắc thuế này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay

Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng, hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều nước đánh thuế vào thị trường này. Cụ thể, như các nước Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Việc đánh thuế tùy thuộc vào giá trị bất động sản hay quy định ở mỗi quốc gia mà đưa ra mức thuế khác nhau.

Nhiều khả năng thị trường sẽ đóng băng?

Đồng ý kiến với HoREA, chuyên gia kinh tế cấp cao Tiến sĩ Lê Bá Chi Nhân cho rằng, thị trường BĐS sẽ minh bạch hơn khi dự thảo được thông qua, định hướng này đưa ra hạn chế đầu tư và đầu cơ, kìm hãm sở hữu cá nhân, sỡ hữu nhiều bất động sản chờ thời để bán. Đồng thời, giúp nhiều người dân có nhu cầu mua nhà có cơ hội tiếp cận thị trường mà không cần thông qua các khâu trung gian, giúp quỹ nhà ở nới rộng, nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, tiến sĩ Nhân cho rằng, khi nghiên cứu về dự thảo sắp đưa ra, Bộ Tài chính nên lưu ý một số vấn đề.

Trong luật bất động sản quy định, sở hữu 1 căn thì không cần phải đóng thuế, căn thứ hai thì nhất định nộp thuế. Thế nhưng, rất khó để phân biệt, đâu là người mua để đầu cơ, và đâu là người mua để sử dụng.

“Rất khó kiểm soát trong trường hợp kêu người khác đứng tên. Đối với người lớn hơn 18 tuổi thì được quyền đứng tên. Nhưng đối với con 16 tuổi thì người thân có quyền sở hữu tạm thời. Ví dụ, thị trường BĐS đang giá thấp, tôi có con 16 tuổi, cần mua để dự phòng đến khi con 18 tuổi cho ra ở riêng. Vậy có nghĩa là tôi mua để ở. Và không có lý do gì bắt tôi phải đóng thuế trong việc này. Nhưng hiện tại tôi lại đang sở hữu hai giá trị bất động sản”, Tiến sĩ Nhân dẫn chứng.

Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng cần lưu ý, là định hướng này có thể ảnh hưởng rất lớn đến phân khúc thị trường. Theo số liệu thống kê, thì tình hình bất động sản hiện tại đang chững lại, sức mua quý 3 đã giảm từ 20 – 25% so với cùng kì năm ngoái, nhà đầu tư thứ cấp mua nhà để bán lại chiếm từ 50 – 70%. Thế nên, nếu được thông qua, e rằng dự thảo mới sẽ làm thị trường nguội dần. Thậm chí, thị trường có thể đóng băng thời gian dài, ông Nhân cảnh báo,

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/danh-thue-nha-thu-2-kho-biet-ai-dau-co-ai-su-dung-720096.html