Đánh thức di sản công nghiệp đang bị lãng quên (Bài 1)

Thủ đô Hà Nội - 'nơi lắng hồn núi sông', kết quyện nhiều tinh hoa văn hóa của cả nước, được mệnh danh là 'Thủ đô di sản'. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa được kiểm kê. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế, Hà Nội còn nhiều di sản quý chưa được quan tâm bảo tồn, phát huy tương xứng, trong đó có các di sản công nghiệp.

“Bỏ quên” các di sản này một sự lãng phí lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững trong tương lai.

Tái thiết nhà máy cũ thành không gian văn hóa, sáng tạo

Tọa lạc tại quận Long Biên, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là công trình được người Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20. Sau khi được chính phủ Ba Lan tài trợ, đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thiết kế theo đặc thù của đường sắt, đáp ứng công suất tối đa là đóng mới gần 1.200 toa xe, sửa chữa hơn 120 đầu máy và 600 toa xe/năm, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành biểu tượng công nghiệp, niềm tự hào của cả nước một thời. Sau nhiều thăng trầm, đến nay, những tháng năm huy hoàng của công xưởng đồ sộ hàng đầu đất nước một thời chỉ còn trong ký ức của người dân Thủ đô.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hút khách dịp Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Những ngày cuối tháng 11/2023, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành điểm đến đặc biệt được quan tâm, sau khi Hà Nội quyết định biến di sản công nghiệp này thành điểm nhấn trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội – ông Đỗ Đình Hồng cho biết, Lễ hội là sự kiện đặc biệt của Thủ đô nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, hướng tới thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm như được thổi bừng sức sống mới. Các khu nhà sản xuất, nhà kho rộng lớn, thậm chí cả nơi từng là văn phòng, những chiếc đầu máy hơi nước cũng gần trăm năm tuổi đã rỉ sét đang “say ngủ”, qua sự sáng tạo của các nghệ sĩ, đã trở thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao, nơi diễn ra hàng chục hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm đặc sắc.

Công chúng nô nức tìm đến đây không chỉ để được thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật, thành quả sáng tạo độc đáo, vui chơi, giải trí, mà còn là tìm lại ký ức xưa. Khách trung niên, người lớn tuổi, trong đó có không ít người từng trực tiếp làm việc nhiều năm ở Nhà máy tìm về nơi đây để nhớ về một thời thanh xuân sôi nổi, những năm tháng huy hoàng và gian khó của thời bao cấp, hậu bao cấp. Những người trẻ rủ nhau tìm đến khu vực này để thỏa mãn trí tò mò về đại công xưởng nổi tiếng một thời của Việt Nam, hòa mình trong bầu không khí lao động sáng tạo, khám phá nghệ thuật đương đại và học hỏi từ thành quả sáng tác của những nghệ sĩ họ ngưỡng mộ.

Thống kê sơ bộ của Ban tổ chức cho thấy, có những buổi sáng cuối tuần, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã đón khoảng 11.000 lượt khách. Vì lượng khách cao vượt ngoài dự kiến, Ban tổ chức quyết định “nới” thêm thời gian tổ chức lễ hội 2 ngày so với kế hoạch ban đầu, nhưng cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân và du khách.

Bảo tồn, phát huy nhưng cần chọn lọc

Được biết, cách đây khoảng 3 năm, với mong muốn biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo, các thành viên trong mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cũng từng lên ý tưởng và thực hiện nhiều đợt khảo sát, thu thập tư liệu, đánh giá, phân tích những nhà máy thuộc diện phải di dời của Hà Nội.

Theo PGS.TS Trương Ngọc Lân, chuyên gia về lịch sử kiến trúc, trường Đại học Xây dựng, trong số 92 nhà máy thuộc diện di dời của Hà Nội, các thành viên trong mạng lưới đã xác định 10 nhà máy cần phải xem xét bảo tồn, phát huy như các di sản văn hóa công nghiệp. Ngoài Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, nhóm phát hiện nhiều nhà máy là những di sản đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử.

Các công trình này không chỉ đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam, mà còn là những công trình kiến trúc hiện đại nhất và đẹp nhất ở Hà Nội và miền Bắc trong thời điểm được xây dựng. Nhiều nhà máy trở thành những dấu ấn về ký ức và hình ảnh đô thị ở Hà Nội, trong đó có những nhà máy ở khu vực Thượng Đình, Thanh Xuân – nơi người dân vẫn quen gọi là khu “Cao - Xà - Lá”…

Soi chiếu vào các công trình này, chúng ta có thể nhận thấy, đi kèm theo với các nhà máy là cả một quá trình đô thị hóa rầm rộ, sự thay đổi lối sống, ra đời một loạt các hình thức sống như các khu tập thể cơ quan, các tiểu khu nhà ở, đã trở thành ký ức của rất nhiều thế hệ… Nhiều ý kiến đã đề xuất nên biến các nhà máy cũ này thành các không gian văn hóa sáng tạo nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy được những di sản công nghiệp giàu giá trị lịch sử, văn hóa, tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững của Thủ đô nói riêng, của đất nước nói chung.

Thực tế, đến nay, ý tưởng biến các di sản công nghiệp, trong đó có các nhà máy cũ thành các không gian văn hóa sáng tạo đang từng bước được hiện thực hóa. Trước Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, những người quan tâm đến các di sản công nghiệp ở Hà Nội đã từng triển khai một số dự án thành công, dù ở quy mô nhỏ hơn, trong đó có Không gian sáng tạo Complex 01 ở Tây Sơn, Hà Nội.

Nơi đây vốn là Nhà máy In công đoàn – một nhà máy hình thành cách đây gần nửa thế kỷ. Trước thời điểm cải tạo, công trình này bị bỏ hoang, xuống cấp. Sau cải tạo, đến nay, Complex 01 trở thành một không gian mới, lưu giữ ký ức và kết nối liên ngành, thúc đẩy trao đổi văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng qua nhiều sự kiện, từ mua sắm,ẩm thực đến các sinh hoạt thường kỳ của các nhóm cộng đồng về thủ công, âm nhạc, điện ảnh…

Tuy nhiên, theo nhiều nhà chuyên môn, việc tái thiết các di sản công nghiệp văn hóa để phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Hà Nội còn hạn chế. TS. Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến còn cho biết, khu vực nội thành Hà Nội có 185 công trình công nghiệp nhưng chỉ có 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình trong số đó đã bị phá hủy và chuyển đổi.

Theo bà Yến và nhiều chuyên gia khác, Hà Nội có rất nhiều công trình có giá trị về kiến trúc và lịch sử, có giá trị sâu sắc về tinh thần với người dân, đóng vai trò quan trọng trong quá khứ, gắn liền với tiềm thức, ký ức về cuộc sống một thời như Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm…

Các di sản công nghiệp có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử và thẩm mỹ, xã hội luôn có sức sống, ngay cả trong đời sống hiện đại. Tất nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản công nghiệp cũng như các di sản văn hóa vật thể khác là phải được chọn lọc và phải là những di sản tiêu biểu nhất. Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn cần thêm nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa để “đánh thức” các tiềm năng đang “ngủ yên” trong các di sản công nghiệp nói riêng, di sản văn hóa vật thể nói chung.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/danh-thuc-di-san-cong-nghiep-dang-bi-lang-quen-bai-1--i715569/