Danh thắng Quảng Ngãi

Quảng Ngãi có nhiều danh thắng đã đi vào các công trình biên khảo văn hóa qua các thời kỳ lịch sử dân tộc, trong đó có tập 'Văn hóa Nguyệt san' (Cơ quan Nghiên cứu và Phổ thông - Bộ Quốc gia Giáo dục) số 56/1960 của Tu Trai và cuốn 'Non nước xứ Quảng' của Phạm Trung Việt (in lần 1 năm 1962 và lần 2 năm 1965) ở miền Nam trước năm 1975.

Trong công trình biên khảo "Non nước xứ Quảng", Phạm Trung Việt đề cập đến nhiều phương diện của Quảng Ngãi như: Lịch sử, thắng cảnh, thi ca, bờ xe nước, nông - lâm sản, các nghề cố hữu, thú vui đồng quê, món ăn đặc biệt. Về danh thắng Quảng Ngãi, trong "Non nước xứ Quảng", Phạm Trung Việt giới thiệu 10 thắng cảnh: Thiên Ấn niêm hà; Thiên Bút phê vân; Long đầu hý thủy; La Hà thạch trận; Cổ Lũy cô thôn; Thạch Bích tà dương; Hà Nhai vãn độ; An Hải sa bàn; Liên Trì dục nguyệt; Văn phong túc võ. Các thắng cảnh này được tác giả miêu tả cụ thể nhưng không nêu xuất xứ nguồn tư liệu.

Núi Ấn - sông Trà. Ảnh: LÊ MINH THỂ

Khác với “Non nước xứ Quảng”, “Văn hóa Nguyệt san” khi giới thiệu về danh thắng Quảng Ngãi, bên cạnh việc miêu tả cụ thể, người viết còn chỉ rõ nguồn tư liệu, là dựa vào “Quảng Ngãi thập cảnh do cụ Tân Ninh Hầu Nguyễn Cư Trinh khi làm Tuần vũ Quảng Ngãi đề vịnh”. Từ góc nhìn địa văn hóa, các danh thắng được miêu tả khá rõ về phương diện địa lý, lịch sử, và giá trị văn hóa riêng.

Chẳng hạn, khi giới thiệu về: Thiên Ấn niêm hà, tác giả ghi: “Năm Minh mạng thứ 11 (1830) có chạm hình núi này vào Di đỉnh và Năm Tự Đức thứ 3 (1850), liệt vào hạng danh sơn, đăng trật vào tự điển (Lệ tế Sơn xuyên có tế thần núi này). Về Long Đầu hý thủy, trong sách có nhận định: “Tương truyền Cao Biền đời Đường cỡi diều giấy chém đứt long mạch tại mấy núi chỗ ấy. Nhưng xét đời Đường đất này còn thuộc Chiêm Thành, Cao Biền ắt chưa đến đây, truyền thuyết như vậy là chuyện vô căn cứ”.

Bên cạnh 10 danh thắng như đã nêu trong "Non nước xứ Quảng", tập "Văn hóa Nguyệt san” nói đến 2 danh thắng mà theo người viết: “Ngoài 10 cảnh nói trên, người sau lại có tục vịnh 12 cảnh nữa gọi là Quảng Ngãi thập nhị cảnh”. Đó là Thạch ky điếu tẩu: "Ở Sa kỳ, đông nam quận Bình Sơn (...) có gành đá thiên nhiên cao hơn mặt nước, trông như hình người ngồi câu cá vậy. Nên vịnh là Thạch ky điếu tẩu". Vu Sơn lộc trường: “Núi Vu Sơn nằm ở phía tây bắc quận Sơn Tịnh, cao ngút tầng mây, làm một tổ sơn trong quận, ở sau núi này cỏ cây sầm uất, nai hươu cả bầy, nên gọi là Vu Sơn lộc trường”.

Ngoài ra, trong “Văn hóa Nguyệt san”, Tu Trai còn giới thiệu một số danh thắng Quảng Ngãi mà trong “Non nước xứ Quảng”, Phạm Trung Việt không nói đến.

Đó là núi Cao Môn “ở ngoài trường lũy phía tây quận Đức Phổ cao sững ngất trời làm trấn sơn cho các nơi khác... Ở đây có con đường nhỏ hẹp thông qua đỉnh núi, tương truyền Tả quân Lê Văn Duyệt đạo mở đường ấy”.

Đại Sơn: “Ở dưới trường lũy, phía tây quận Đức Phổ, thế núi quanh quẹo 70 dặm có 81 ngọn, khởi phục nhiều từng, trong đó có 36 cái khe chảy quanh quất theo núi”.

Trấn Công Sơn: “Núi này có nhiều dơi, lại có tên là Ngũ Phúc Sơn, trong núi có động nước thông ra sông Trà Khúc, có một con cá lớn bằng chiếc ghe nhỏ, mỗi khi cá nhảy có tiếng vang như sấm, khi trước gặp năm hạn nắng hay đến cầu mưa thường có linh ứng”.

Kỳ Lân Sơn: “Ở thôn Cổ Lũy phía đông bắc quận Tư Nghĩa có tên nữa là Cổ lũy sơn, có những tản đá lớn đứng nhọn như ngón tay, trên có những khoảnh bằng thẳng vuông vức như bàn cờ, tục truyền đó là nền cũ cung thành của vua Chiêm Thành, nay di tích gạch đá vẫn còn...”.

Trong "Văn hóa Nguyệt san" còn đề cập đến Lý Sơn đảo: “Ở giữa biển phía đông quận Bình Sơn, tục danh Cù Lao Ré, bốn mặt cao ở giữa trũng thấp, rộng vài mươi mẫu có dân cư hai phường Vĩnh An và An Hải...". Hoàng Sa đảo: “Ở phía đông Cù Lao Ré, từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền chạy ra thuận gió thì 3, 4 ngày đêm mới tới đảo ấy, trên đảo la liệt đến 139 chóp núi đứng cách nhau hoặc một ngày dường, hoặc đi vài canh, trong đảo có bãi Hoàng Sa dài dặt không biết là mấy ngàn dặm, tục danh là Vạn Lý trường sa; trên bãi có giếng nước ngọt, loại chim ở biển tụ tập nơi ấy không kể được số mục là bao nhiêu. Sinh nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc sò, ba ba. Những ghe thuyền chở hóa vật gặp phong nạn thường đến dự núp tụ hội nơi đây.

Khi đầu khai quốc (đời Nguyễn Chúa), có đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã Vĩnh An sung vào, mỗi năm tháng 3 thì đội ấy xuất dương ra đảo bắt lấy hải vật qua tháng 8 chạy vào cửa biển Tư Hiền đăng nạp. Lại đặt đội Bắc Hải khiến đội Hoàng Sa kiêm quản đến các đảo Bắc Hải và Côn Lôn tìm bắt hải vật... Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua khiến quan thuyền chở gạch đá ra dựng chùa, phía bên tả có dựng bia đá, thuở ấy binh phu ứng dịch tại đấy đào được đồng miếng và gang sắt trên 2000 cân”.

Những tư liệu về đảo Hoàng Sa không chỉ minh chứng chủ quyền biển, đảo nước ta, mà còn cho thấy trách nhiệm của nhân dân Quảng Ngãi trong việc bảo vệ đảo Hoàng Sa, xác lập chủ quyền của Tổ quốc.

Các danh thắng Quảng Ngãi đề cập trong sách xưa, nay vẫn còn đó. Thiết nghĩ, Sở VH-TT&DL cần nghiên cứu phục hồi, thiết kế các tour du lịch để tạo nên sự đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của du khách khi tìm hiểu về vùng đất Quảng Ngãi xưa và nay.

ANH HOÀI

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/quang-ngai-que-minh/202405/danh-thang-quang-ngai-9fa3ee8/