Danh sách nạn nhân của 'bẫy tín dụng... lừa' ngày một dài thêm

Sau khi NNVN có bài phản ánh về một kiểu “bẫy lừa” ở xã H'bông (huyện Chư Sê, Gia Lai) với hình thức cho vay tiền rồi lừa người dân làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Công an huyện Chư Sê nhập cuộc điều tra, danh sách các nạn nhân người dân tộc thiểu số dính “bẫy”...

Sau khi NNVN có bài phản ánh về một kiểu “bẫy lừa” ở xã H'bông (huyện Chư Sê, Gia Lai) với hình thức cho vay tiền rồi lừa người dân làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Công an huyện Chư Sê nhập cuộc điều tra, danh sách các nạn nhân người dân tộc thiểu số dính “bẫy” của bà Nguyễn Thị Thu (thôn Ia Sa, xã H'bông) đang ngày một dài thêm.

Mở rộng danh sách nạn nhân

Đại tá Đỗ Ngọc Viên - Trưởng Công an huyện Chư Sê, xác nhận: Công an đang tiến hành điều tra, xác minh các hộ dân đã trót vay tiền của bà Nguyễn Thị Thu (thôn Ia Sa, xã Hbông) để làm rõ.

Anh Rmah Đôn (làng Kte 2, xã H'bông), kể: Đầu tháng 10/2016, cần chút vốn đầu tư sản xuất, anh đã thế chấp giấy tờ hơn 1ha đất của mình cho bà Thu để vay 60 triệu đồng. Thời hạn vay là 6 năm, lãi suất 0,9%/tháng, hình thức trả lãi 6 tháng/lần.

Anh Đôn được ông Rmah Chua (làng Kueng, xã H'bông), đồng thời cũng là người dẫn mối gọi lên Văn phòng Công chứng Chư Sê (thị trấn Chư Sê) để làm thủ tục lăn tay vào giấy rồi mới cho nhận tiền.

“Họ bảo tôi lên Văn phòng Công chứng nhận tiền, mình vay thôi chứ không có bán đất, đâu biết họ lừa lấy đất của mình”, anh Đôn nói.

Tương tự, ông Rmah Thân (làng Kte 1) cũng khẳng định, đưa cho bà Thu giấy tờ hơn 3,2ha đất để vay 100 triệu đồng, nhưng bà này chỉ mới đưa trước cho ông 70 triệu đồng.

Ông Rmah Thân (làng Kte 1) ngồi chờ cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra

Khi làm thủ tục công chứng, ông Thân có nghe công chứng viên nói là mình đang ký bán đất, ông quay sang hỏi bà Thu: “Sao bà nói cho vay mà giờ người ta lại bảo là bán đất?”. Bà Thu nói: “Ừ cứ ký đi, ký mới có tiền. Đất anh vẫn làm, tôi chỉ giữ bìa đỏ thôi”. Nghe vậy ông Thân mới chịu ký.

Chỉ hơn 4 tháng năm 2016, nhiều người dân ở các làng Kte 1, Kte 2, làng Dek bị dính “bẫy lừa” theo kiểu này khiến mảnh đất của họ bỗng chốc thuộc quyền sở hữu của người khác. Cụ thể, đất của ông Ksor Huen đã chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thu.

Kế đến, đất của ông Rmah Ưih sang nhượng cho ông Nguyễn Văn Trung (làng Dek, xã Hbông) vào ngày 27/10; đất của ông Kpă Lah đã chuyển cho bà Trần Thị Duyên (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) vào ngày 26/10; đất của ông Rơ Chăm Suih (bố vợ của ông Rmah Dân) chuyển nhượng cho ông Trần Đình Kiên (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) tháng 9/2016.

Danh sách này tiếp tục được mở rộng ra với các trường hợp như ông Kpă Diang (làng Kte 1, xã H'bông) cũng thế chấp bìa đỏ 3ha đang trồng bắp, mì để vay của bà Nguyễn Thị Hồng (tổ dân phố 5, thị trấn Chư Sê) - em ruột của bà Nguyễn Thị Thu - số tiền 40 triệu đồng; ông R'mah Thân, R'mah Đôn đã chuyển nhượng cho bà Hồ Thị Ngọc ngày 7/11; ông Kpă Diang chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Thoảng ngày 2/11; Kpă Khil, Kpă Yơng chuyển cho ông Nguyễn Ngọc Hoàng (chồng của bà Hồng); Siu H’Ne chuyển cho Nguyễn Văn Trung…

Trả lãi phần đất... đã bán

Theo ông Trịnh Xuân Đạt - Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Chư Sê: Gần đây, nhiều hộ người dân tộc thiểu số ở xã Hbông chuyển nhượng quyển sử dụng đất một phần hoặc toàn bộ diện tích đất một cách bất thường cho người khác, số lượng dày và liên tục.

Tổng hợp sơ bộ, chỉ trong tháng 10 đến tháng 11/2016 có đến 16 trường hợp, trong số này có 12 hộ dân đã thực hiện việc chuyển nhượng sang tên cho người khác. Khi vụ việc vỡ lở, Công an huyện Chư Sê nhanh chóng nhập cuộc điều tra. Các hộ dân vay tiền của bà Nguyễn Thị Thu đã được mời lên cho lời khai ban đầu.

Hầu hết, những người này vẫn chưa hết ngỡ ngàng, không tin rằng bà Thu lừa mình làm thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. Trái ngược với việc chuyển nhượng này, họ khẳng định chỉ vay tiền của bà Thu theo kiểu thế chấp bìa đỏ.

Theo ông R'mah Thân, với 3ha đất của ông hiện nay, bán với giá thấp nhất cũng được trên 600 triệu đồng thì không việc gì ông “bán” cho bà Thu với giá 100 triệu đồng. Tương tự, hơn 3ha đất của ông R'mah Ưih cũng chỉ “đổi” được 40 triệu đồng; 3ha đất của ông Kpă Diang cũng chỉ được trả 40 triệu đồng…

Hơn 3,2ha đất của ông R'mah Thân bị bà Thu lừa mua với giá 70 triệu đồng

Một số người dân địa phương cho biết, dù đất đã không còn thuộc quyền sở hữu của những người dân này nhưng họ vẫn phải… nai lưng ra trả lãi vay cho bà Thu theo mức lãi suất cam kết 0,9%/tháng.

Nếu vụ việc không sớm bị phát hiện, những người dân nói trên sẽ phải trả số lãi này đến 5-6 năm sau. Vụ việc sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu những hộ nói trên rơi vào trường hợp như ông K'sor Huen khi toàn bộ diện tích 20.746 m2 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T933255, thửa đất số 151, 07; tờ bản đồ số 25, 27) đất của ông này đã bị lừa sang nhượng cho bà Thu. Ngay sau đó, bà Thu liền chuyển nhượng lại cho bà Hà Thị Toan (tổ dân phố 12, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê). Hiện bà Toan đã đem bìa đỏ này đi vay ngân hàng.

Như vậy sau 5 năm, nếu ông Huen có đủ tiền trả cho bà Thu thì lúc đó, bà Toan phải trả tiền hết cho ngân hàng lấy bìa đỏ này ra sang nhượng trở lại cho ông Huen. Còn nếu bà Toan không trả hoặc không có khả năng chi trả hay có hành vi gian dối khác thì căn cứ trên giấy tờ, ngân hàng sẽ đến lấy đất của bà Toan (thực chất là đất của ông Ksor Huen). Trong khi người dân thì đinh ninh bà Thu đang giữ bìa đỏ của họ, ngân hàng thì chỉ biết đất này đang đứng tên của bà Toan.

Công an cần sớm xác định được hành vi vay mượn của bà Thu, có hay không dấu hiệu lừa đảo? Khi sự việc được làm sáng tỏ, quyền lợi của người dân mới được đảm bảo.

Ông Đoàn Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã H'bông: "Trong tháng 8/2016, UBND xã đã có thông báo gửi đến 12 thôn làng, tuyên truyền người dân không nghe lời bà Nguyễn Thị Thu để bị dính vào “bẫy lừa”. Chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo và ra công văn cụ thể để báo các ngành chức năng dừng việc giao dịch đất đai giữa bà Thu với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn".

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/danh-sach-nan-nhan-cua-bay-tin-dung-lua-ngay-mot-dai-them-post182166.html