Danh nhân Lương Văn Chánh trong tâm thức người dân Phú Yên

Hơn 400 năm từ khi Phú Yên có danh xưng (1611-2022), Danh nhân Lương Văn Chánh luôn được người dân tỉnh nhà nhắc đến với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc. Ông là vị công thần mở đất, chiêu tập lưu dân, tổ chức khai hoang, phục hóa, sản xuất, xây dựng xóm làng, bảo vệ Nhân dân từ những thập niên cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Đây là cơ sở để Chúa Nguyễn lập ra Phủ Phú Yên vào năm 1611.

Hàng năm, vào ngày mùng 6/2 và ngày 9/9 (âm lịch), chính quyền địa phương cùng gia tộc họ Lương tổ chức ngày giỗ, lễ dâng hương tại Đền thờ Danh nhân Lương Văn Chánh với lòng thành kính và biết ơn tiền nhân, có sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Ảnh: MINH NGUYỆT

Công thần mở đất

Lương Văn Chánh là người Bắc Hà. Làng quê nơi ông được sinh ra cũng còn đang thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau. Một số tư liệu viết là làng Tào Sơn, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, một số viết là xã Phụng Lịch, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, thừa tuyên Thanh Hoa (Thanh Hóa). Ông làm quan thời nhà Lê trung hưng, giữ chức Đô Chỉ huy sứ trông coi Vệ Thiên vũ. Năm Mậu Dần (1578), Lương Văn Chánh được Chúa Nguyễn Hoàng cử vào ổn định vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả. Nhờ có công lớn, ông được thăng chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, sau làm Trấn Biên quan (ông quan vùng Trấn Biên). Sau khi hoàn thành sứ mệnh mở đất Phú Yên, ông đã chọn nơi đây để an vui tuổi già và yên giấc ngàn thu. Danh nhân Lương Văn Chánh mất ngày 19/9 năm Tân Hợi (1611). Nhân dân Phú Yên tôn vinh Lương Văn Chánh là Thành Hoàng, xây mộ và đền thờ ông tại Phụng Tường, nay là thôn Long Phụng (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa).

Đền thờ Lương Văn Chánh nằm ở địa hình thông thoáng, phía trước là sông Bến Lội, phía sau là Núi Cấm, Núi Ơn, Núi Ó, được xây dựng vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XVII (đời Nguyễn Phúc Vinh là quan Trấn thủ). Đến năm 1822, vua Minh Mạng phong Lương Văn Chánh là Thế phổ Cao Hoàng Di, thì mộ và đền thờ được trùng tu và xây dựng lớn, đồng thời cắt cử người trông coi, chăm sóc đền. Bao bọc xung quanh đền là bờ thành dài 100m, rộng 50m, cao 2m. Đền xây mặt theo hướng tây nam, có diện tích 6mx5m. Trước mặt đền là bình phong xây bằng gạch, vôi và mật, bốn mặt đều có hoa văn phù điêu tứ linh: Long, ly, quy, phụng. Phía trước đền có đôi câu đối bằng chữ Hán:

“Hồng Đức thiên biên tồn sự nghiệp,

Phụng Tường miếu mão đối sơn hà”.

Tạm dịch:

Biên giới vua Hồng Đức xưa còn giữ nước,

Miếu mạo ở làng Phụng Tường vẫn còn chiếu sáng núi sông.

Phía trong đền có hai câu đối:

“Lễ nhạc ưu ưu Đà Thủy Diễn,

Huân danh ngật ngật Cẩm Sơn cao”.

“Công tộc thủy nguyên lưu tự giáp,

Phụng Tường lân chỉ biệt thành tôn”.

Nhân dân đến dâng hương, tưởng nhớ Thành hoàng Lương Văn Chánh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Trải qua hơn 4 thế kỷ phơi mình cùng mưa nắng, lại bị các cuộc chiến tranh ác liệt tàn phá nên di tích chỉ còn lại bờ thành phía trước, gồm cả cổng chính và hai cổng phụ. Mái đền đã sập. Một cây bồ đề cổ thụ có bộ rễ rất lớn bao trùm lên 4 bức tường của đền tạo nên một cảnh trí lạ mắt và cổ kính. Năm 1964, họ tộc Lương xây dựng một ngôi nhà nhỏ cách đền cũ 200m về phía bắc để lập bàn thờ Lương Văn Chánh, đồng thời là nơi họ tộc về tụ họp nhân ngày giỗ của ông.

Sự thành kính tri ân

Hiện nay, đền thờ Lương Văn Chánh được trùng tu, cắm biển di tích quốc gia và xây dựng một ngôi nhà khang trang làm nơi trưng bày sắc phong thần cho Lương Văn Chánh có 12 sắc phong thần Bảo Quốc Hộ Dân, Tráng du Cộng võ Linh ứng Hiển hựu Chiêu uy Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Trấn Biên Dinh Tham Tướng Lương Phù Quân Thượng đẳng thần, từ năm Chính Hòa thứ 10 (1689) đến năm Duy Tân thứ 3 (1909). Riêng mộ phần ông Lương Văn Chánh nằm ở phía đông bắc thôn Long Tường, nằm trên một gò cao, quay mặt về phía sông Bến Lội, hướng về núi Chóp Chài. Mộ được xây dựng với quy mô khá lớn: dài 4m, rộng 3m, có tường bao quanh cao 1,5m. Chất liệu xây bằng đá, gạch, hợp chất vôi, cát và mật rất chắc chắn. Nấm mộ đắp hình mai rùa có kích thước 3,2mx1,6m, phía trước mộ có hương án cao 1,5m, bình phong cao 1m, xung quanh có tường bao bọc.

Di tích Khu mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 27/9/1996. Hàng năm, vào ngày mùng 6/2 và ngày 9/9 (âm lịch), chính quyền địa phương cùng gia tộc họ Lương tổ chức ngày giỗ và lễ dâng hương tại đây với lòng thành kính, biết ơn tiền nhân có sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân địa phương và thu hút nhiều khách đến dâng hương tưởng niệm, tham quan tìm hiểu di tích, thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ Nhân dân.

Múa siêu tại lễ hội Đền thờ Danh nhân Lương Văn Chánh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Sự thành kính tri ân công thần mở đất Phú Yên của người dân đất Phú dành cho Danh nhân Lương Văn Chánh còn thể hiện ở việc lập bàn thờ ông tại nhiều gia đình, dòng họ; chọn tên danh nhân đặt tên đường, tên trường học. Tại trung tâm TP Tuy Hòa có tuyến đường mang tên Lương Văn Chánh. Xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa có trường học mang tên ông. Đặc biệt nhất là Trường trung học Lương Văn Chánh, được thành lập vào ngày 15/10/1946 tại Tuy Hòa. Tài liệu Lịch sử hình thành trường có ghi thầy Trần Sĩ, Hiệu trưởng đầu tiên từ 1946-1951 nói về tên trường: “Chúng tôi đã suy nghĩ tìm tên một nhân vật thích đáng để đặt tên cho trường và cuối cùng chúng tôi đề nghị lấy tên Lương Văn Chánh”. Từ khi thành lập đến nay, với niềm tự hào ngôi trường được mang tên Danh nhân Lương Văn Chánh, bằng sự quyết tâm cao, tập thể giáo viên nhà trường đã đào tạo được nhiều thế hệ học sinh ưu tú, kịp thời cung cấp cán bộ phục vụ cho cách mạng, nhiều người sau này đã trở thành tiến sĩ, giáo sư, viện trưởng, giữ những trọng trách của Nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Sự thành kính tri ân của người dân Phú Yên đối với công thần mở đất Lương Văn Chánh dùng ngôn ngữ bao nhiêu cũng khó có thể biểu đạt hết được. Lịch sử mãi ghi công về những đóng góp to lớn của Danh nhân Lương Văn Chánh, người đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Phú Yên, để từ đó Phú Yên đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam.

Danh xưng Phú Yên có cách ngày nay hơn 400 năm, các bậc tiền nhân khi lựa chọn danh xưng đặt cho một đơn vị hành chính mới đã gửi trọn vào đó tất cả niềm tin và khát vọng về một vùng đất giàu có, yên bình. Ý thức về sự thụ hưởng và trách nhiệm đối với bậc tiền nhân, người dân đất Phú thêm tự hào, cùng với tri ân các bậc tiền nhân, các thế hệ ông cha đã có công mở mang bờ cõi, xây đắp gìn giữ quê hương Phú Yên trong suốt chiều dài lịch sử trên 400 năm không ít thiên tai, địch họa, vượt qua bao gian lao, khổ ải để có được những thành quả như hôm nay. Cũng từ đây, mỗi người dân đất Phú luôn ý thức trách nhiệm, bổn phận công dân không ngừng nâng cao năng lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết, đoàn kết xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc, xứng đáng với lòng mong ước của bậc tiền nhân.

Di tích Khu mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 27/9/1996. Hàng năm, vào ngày mùng 6/2 và ngày 9/9 (âm lịch), chính quyền địa phương cùng gia tộc họ Lương tổ chức ngày giỗ và lễ dâng hương tại đây với lòng thành kính, biết ơn tiền nhân có sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân địa phương và thu hút nhiều khách đến dâng hương tưởng niệm, tham quan tìm hiểu di tích, thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ Nhân dân.

NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/281333/danh-nhan-luong-van-chanh-trong-tam-thuc-nguoi-dan-phu-yen.html