Danh hiệu Á thần và Ngai vàng Hoa cúc của Nhật hoàng Akihito

Nhật hoàng Akihito thuộc dòng dõi hoàng tộc lâu đời ở Nhật Bản, những người được coi là hậu duệ của nữ thần Mặt Trời và thừa kế Ngai vàng Hoa cúc từ đời này sang đời khác.

Triều đại lâu đời

Hoàng gia Nhật Bản là chế độ quân chủ kéo dài lâu đời nhất trên thế giới. Akihito là hoàng đế thứ 125 trong dòng họ được khai sinh từ thời lập quốc vào năm 600 trước Công nguyên bởi Hoàng đế Jimmu, người được coi là hậu duệ của nữ thần Mặt Trời.

Dù câu chuyện về 25 hoàng đế đầu tiên vẫn còn nhiều bí ẩn, việc các thành viên của dòng họ nối ngôi không gián đoạn từ năm 500 sau Công nguyên cho đến nay được minh chứng bởi các cứ liệu lịch sử phong phú.

Ở thời hiện đại, sau khi Nhật hoàng qua đời, tên hiệu của họ sẽ được đổi để phản ánh thời đại mà họ cai trị. Nhật hoàng Akihito sẽ được đổi tên thành Heisei (Hòa bình muôn nơi), phản ánh triều đại của ông bắt đầu từ lễ đăng quang năm 1989.

Sau khi băng hà, phụ thân của ông, Hoàng đế Hirohito, người trị vì ở thời chiến, đã được gọi bằng tên Showa có nghĩa là "Nhật Bản rạng rỡ".

Thần quyền

Hoàng đế là người đứng đầu đất nước và có quyền lực tối cao trong Thần đạo (Shinto), tôn giáo bản địa của người dân Nhật Bản.

Nhật Bản là quốc gia hiện đại duy nhất vẫn coi người đứng đầu hoàng gia là hoàng đế. Trong tiếng Nhật, hoàng đế được gọi là tenno, có nghĩa là thiên hoàng. Điều này hàm ý rằng gia đình hoàng gia là hậu duệ của các vị thần.

Nhật hoàng Akihito phát biểu tại Thượng viện ở Tokyo, ngày 1/8/2016. Ảnh: AP.

Trong lịch sử, chế độ quân chủ luôn duy trì thần quyền để cai trị. Tuy nhiên, chỉ từ vài thế kỷ nay, các giáo phái xung quanh hoàng đế mới bắt đầu thần thánh hóa người cai trị, tôn họ lên thành á thần.

Ngay sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, như một phần trong thỏa thuận đầu hàng của Nhật Bản, Hirohito đã từ bỏ những gì mà ông gọi là "quan niệm sai lầm cho rằng hoàng đế là thần thánh".

Trong Hiến pháp sửa đổi sau chiến tranh vào năm 1947, hoàng đế trở thành "biểu tượng của quốc gia và sự hòa hợp dân tộc" và không có quyền lực chính trị.

Nhà khoa học nghiệp dư

Kể từ năm 1898, ngay sau khi Thiên hoàng Minh Trị khôi phục quyền lực của hoàng đế và bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Nhật Bản, hoàng đế thường tổ chức một loạt bài giảng khoa học vào mỗi dịp đầu năm mới.

Hirohito và con trai cả của ông, Akihito, chia sẻ niềm đam mê về sinh vật biển. Hirohito đã viết nhiều bài báo khoa học về hydrozoa, một lớp thủy tức có họ với loài sứa. Trong khi đó, Akihito được cho là một chuyên gia về cá bống.

Ông đã viết 38 bài báo khoa học về loài cá này. Ngoài ra, tên của ông cũng được dùng để đặt cho một loài cá mới được phát hiện.

Phụ nữ nắm quyền

Trong lịch sử, phụ nữ có thể lên ngôi và có quyền cai trị. Tuy nhiên, đến nay, Nhật Bản mới chỉ có 8 hoàng đế là nữ.

Trước thế kỷ 20, hoàng đế Nhật Bản thường có một phu nhân và một số cung phi, tất cả đều là thành viên của các gia đình quý tộc. Akihito là hoàng đế đầu tiên được phép kết hôn với thường dân và ông đã thực hiện điều này.

Năm 1956, ông kết hôn với bà Michiko Shoda sau khi gặp nhau trên sân quần vợt. Điều này làm bùng nổ phong trào quần vợt ở Nhật Bản.

Nhật hoàng Akihito, khi đó còn là thái tử, và bà Michiko Shoda ở Sân quần vợt Karuizawa, Nagano, Nhật Bản, năm 1959. Ảnh: Getty.

Con trai cả của Akihito, Hoàng thái tử Naruhito, cũng kết hôn với một thường dân. Vợ của thái tử, Công nương Masako Owada, một cựu nhân viên ngoại giao, được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm vào năm 2006 với nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ áp lực phải hạ sinh được thái tử.

Theo Luật Hoàng gia của Nhật Bản, người thừa kế ngai vàng phải là nam giới. Năm 2005, luật này đã được xem xét sửa đổi để cho phép phụ nữ trở thành hoàng đế. Kế hoạch này đã bị bỏ dở sau khi phu nhân của Hoàng tử Akishino, con trai thứ hai của Nhật hoàng, hạ sinh được hoàng tử.

Ngai vàng Hoa cúc

Nhật hoàng Akihito và gia đình sống ở Hoàng cung Tokyo, khu phức hợp rộng lớn giữa thủ đô Nhật Bản, nơi được cho là một trong những khu bất động sản đắt giá nhất thế giới.

Cung điện bao gồm dinh thự của gia đình hoàng gia, các văn phòng của Cơ quan Nội chính Hoàng gia và các bảo tàng.

Chế độ quân chủ ở Nhật thường được gọi ẩn dụ là Ngai vàng Hoa cúc. Biểu tượng quyền lực này là có thật. Đó là một chiếc ghế được chạm trổ công phu được gọi là takamikura. Nó được hoàng đế sử dụng trong lễ đăng quang.

Tuyết Mai (Theo New York Times)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/danh-hieu-a-than-va-ngai-vang-hoa-cuc-cua-nhat-hoang-akihito-post724021.html