[Đánh giá] Siêu thùng rác chơi game MSI Vortex G65 6QF, rất mạnh và giá cũng rất cao

Hôm nay chúng ta sẽ một lần nữa xem lại chi tiết hơn về chiếc "thùng rác" chơi game MSI Vortex G65. Lần này thì mình đã mượn được phiên bản 6QF có mức giá khoảng 100 triệu và sở hữu cấu hình tốt nhất với CPU Core i7 dòng K, hệ thống 2 card đồ họa GTX 980 phiên bản MXM chạy SLI và ổ cứng SSD tốc độ cao. Bên cạnh 6QF thì MSI Vortex G65 còn có bản 6QD với 2 card GTX 960. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sức mạnh của chiếc máy này qua bài đánh giá dưới đây:

Hôm nay chúng ta sẽ một lần nữa xem lại chi tiết hơn về chiếc "thùng rác" chơi game MSI Vortex G65 . Lần này thì mình đã mượn được phiên bản 6QF có mức giá khoảng 100 triệu và sở hữu cấu hình tốt nhất với CPU Core i7 dòng K, hệ thống 2 card đồ họa GTX 980 phiên bản MXM chạy SLI và ổ cứng SSD tốc độ cao. Bên cạnh 6QF thì MSI Vortex G65 còn có bản 6QD với 2 card GTX 960. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sức mạnh của chiếc máy này qua bài đánh giá dưới đây:

Thiết kế:

Vortex độc nhưng không lạ bởi thiết kế hình trụ đã từng xuất hiện trên chiếc "thùng rác cao cấp" Mac Pro của Apple. Tuy nhiên, thay vì làm hình trụ tròn trịa thì Vortex có nhiều góc cạnh hơn. Vỏ máy chủ yếu được chế tạo bằng chất liệu nhựa cứng, màu xám nòng súng và được xử lý dạng sần mịn, không bám dấu vân tay như vỏ bóng của Mac Pro.

Nhìn trực diện, Vortex có thiết kế đối xứng với 1 dải nhựa màu đen ở giữa tạo hình đồng hồ cát và cắt xéo các cạnh khá giống kim cương. 1 cạnh trong số đó được tích hợp một chiếc nút nguồn được làm bằng nhựa trong mờ, tích hợp đèn LED. Phía dưới là logo MSI hình tấm khiên với rồng xương đặc trưng.

Nói đến đèn LED thì Vortex có hệ thống đèn trang trí khá đẹp mắt, tạo điểm nhấn cho các đường nét thiết kế, bố trí không đối xứng. Hệ thống đèn có thể được tùy chỉnh bằng phần mềm MSI Dragon Center với 16,8 triệu màu và nhiều chế độ hiển thị khác nhau.

Đỉnh máy là hệ thống tản nhiệt với 3 tấm lưới bằng kim loại lớn. 3 tấm lưới này có thiết kế tương xứng với mặt cắt của máy và tại đây cũng có thêm một dải đèn LED tạo điểm nhấn.

Đáy máy cũng có thiết kế độc đáo với một phần đế bằng kim loại hình móng ngựa, tích hợp các miếng cao su dày tạo độ bám. Đế kim loại gắn với lưng máy và tạo một khoảng trống giữa đáy máy, giúp hệ thống tản nhiệt lấy khí. Ngoài ra, jack cắm nguồn cũng được tích hợp vào phần đáy này nên khi cắm điện, dây sẽ được giấu đi gọn gàng dưới đáy. Một yếu tố thiết kế nhỏ nhưng rất tiện lợi và hợp lý.

Lưng máy khá đẹp được thiết kế hầm hố với 3 phần khoét lõm. Phần trên cùng có biểu tượng rồng xương màu đỏ của MSI với lưới sắt bọc ngoài. Phần này chỉ mang yếu tố trang trí. Phần khoét chính giữa chứa rất nhiều cổng kết nối và được bố trí đối xứng, từ trên xuống dưới lần lượt là các cổng âm thanh SPDIF, jack tai nghe và mic 3,5 mm, 4 cổng USB 3.0, 2 cổng HDMI 1.4, 2 cổng LAN. Phần khoét lõm dưới cùng có thêm 4 cổng khác gồm 2 cổng USB-C 3.1 và 2 cổng mini DisplayPort.

Như vậy tất cả các cổng kết nối của Vortex đều được đặt tại mặt sau của máy. Mặc dù nhiều cổng và các cổng đều theo chuẩn mới nhưng việc bố trí các cổng phía sau cũng gây trở ngại ít nhiều khi chúng ta muốn cắm những thiết bị ngoại vi, điển hình như USB hay ổ cứng.

Khả năng nâng cấp:

Nhìn khá liền mạch nhưng thực tế vỏ của Vortex có thể mở ra dễ dàng như anh em đã thấy trong video. Phần vỏ chính gồm 3 miếng nhựa, 1 miếng phía sau đóng vai trò kết nối 2 miếng 2 bên ôm lấy thân máy hình trụ. Tháo 6 con ốc trên miếng nhựa phía sau là có thể tháo 2 vỏ 2 bên ra dễ dàng để tiếp cận các phần cứng bên trong.

Toàn bộ phần cứng được gói gọn trong một khối trụ có thể tích khoảng 6,5 lít, tổng trọng lượng khoảng 4 kg. Thiết kế hình trụ khiến MSI không thể dùng một chiếc bo mạch chủ thông thường mà thay vào đó hãng dường như đã cắt bo mạch thành nhiều phần nhỏ hơn để có thể nhét vừa.

Tương tự như phần ngoại thất, nội thất của Vortex cũng được thiết kế đối xứng với 2 bên là 2 cụm tản nhiệt lớn gồm nhiều ống đồng và các lá nhôm tản nhiệt cho 2 card đồ họa rời Nvidia GeForce GTX 980 MXM. 2 chiếc card này kết nối với một bo mạch riêng, đặt thẳng đứng.

Nội thất của Vortex nhìn từ 2 bên, nổi bật 2 hệ thống tản nhiệt lớn dành cho 2 GPU đặt đối xứng. Phần trên cùng hình tròn chính là chiếc quạt cỡ lớn làm mát cho toàn hệ thống được MSI gọi là SilentStorm. Chiếc quạt này khá giống với chiếc quạt trên Mac Pro và cơ chế hoạt động cũng tương tự đó là hút khí từ dưới đáy lên và thổi ra qua các khe tản nhiệt phía trên.

Sau card đồ họa bên trái là hệ thống RAM với 4 khe SO-DIMM, trên máy có sẵn 2 thanh 8 GB DDR4, vẫn còn trống 2 khe, hỗ trợ tối đa 64 GB.

Sau card đồ họa bên phải là ổ cứng M.2 2280. Chiếc ổ gắn trên máy là ổ Samsung SM951 M.2 PCIe x4 NVMe tốc độ cao. Hệ thống này có 2 ổ M.2 chạy RAID 0.

Các card đồ họa, RAM, SSD đều được gắn trên các phần bo mạch riêng, được xếp dọc và gắt kết với một bo mạch trung tâm nhỏ hơn bên dưới thông qua các socket và cáp flex. Tất cả để được bố trí rất gọn gàng, nhìn rất thích mắt.

Chính giữa là bo mạch chủ lớn chứa CPU Core i7-6700K và hệ thống tản nhiệt riêng. Ngay trước bo mạch này là PSU công suất 450 W đạt chuẩn 80 Plus Gold Certified.

Sau cùng là khay gắn ổ cứng 2,5". Chiếc ổ có sẵn trên máy có dung lượng 1 TB.

Như vậy với cách bố trí trên thì những phần cứng chúng ta có thể thay nhanh được là RAM, ổ cứng M.2 và ổ 2,5". Mặc dù vậy, MSI cho biết tất cả các phần cứng trên Vortex đều có thể thay được, kể cả CPU và GPU bởi chúng được thiết kế dạng mô-đun. Tuy nhiên, để thay thế hay nâng cấp các phần cứng này thì bạn buộc phải đem lên trung tâm của MSI.

Hiệu năng:

MSI Vortex có 2 tùy chọn cấu hình, phiên bản G65 6QF trong bài này có cấu hình như sau:
CPU: Intel Core i7-6700K (Skylake), 4 lõi 8 luồng, tốc độ 4 GHz (Turbo Boost 4,2 GHz), 8 MB Cache, TDP 91 W; Chipset: Intel Z170; GPU: 2 x Nvidia GeForce GTX 980 8 GB GDDR5 chạy SLI; RAM: 2 x SK Hynix DDR4-2133 MHz 8 GB chạy dual-channel; Ổ cứng: 2 x Samsung SM951 M.2 PCIe Gen3 x4 128 GB chạy RAID 0 + HGST 1 TB 7200 rpm; Kết nối không dây: Bluetooth 4.1, Killer Wireless-AC 1535 2x2 a/b/g/n/ac; Kết nối có dây: Dual Killer E2400 LAN; OS: Windows 10 Home Single Language 64-bit.
Là một chiếc máy bàn nên không ngạc nhiên khi MSI trang bị cho Vortex phiên bản Core i7-6700K. Đây là một con CPU Core I cao cấp với 4 lõi chạy ở xung nhịp 4 GHz và do thuộc dòng K nên xung nhịp CPU có thể được OC lên cao hơn.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất về cấu hình là 2 card đồ họa Nvidia GeForce GTX 980 phiên bản notebook hay còn gọi là MXM. Khác với GTX 980M, phiên bản dùng trên Vortex sở hữu sức mạnh tương đương phiên bản GTX 980 dùng cho máy tính desktop thông thường nhờ khai thác hoàn toàn chip đồ họa GM204, 2048 lõi CUDA, xung nhịp cơ bản 1126 MHz (Boost 1228 MHz) và mỗi card đồ họa có bộ nhớ 8 GB GDDR5.

Trang bị bộ nhớ của Vortex cũng rất phong phú với 4 khe RAM DDR4, nâng cấp tối đa 64 GB và hệ thống ổ cứng rất hợp lý với 2 ổ Samsung SM951 NVMe chạy theo thiết lập RAID 0 và 1 ổ HDD dung lượng cao để lưu trữ nội dung. Hiệu năng của hệ thống như thế nào thì mời anh em xem qua các điểm số benchmark và so sánh với các mẫu máy có cấu hình tương đương.

Hiện tại trên thị trường Việt Nam không nhiều những mẫu máy để bàn chuyên game, đối thủ ngang tầm nhất của MSI Vortex chính là chiếc ASUS RoG G20CB mà mình từng review trước đây . Mình sẽ sử dụng lại bảng so sánh lần trước và ngoài ASUS RoG G20CB thì những mẫu laptop còn lại trong danh sách cũng sở hữu cấu hình rất mạnh, tương đương hoặc cao hơn Vortex. Một nhân vật từng làm mưa làm gió một thời của MSI là GT80 Titan - chiếc laptop sở hữu phím cơ và GPU GTX 980M chạy SLI đầu tiên thế giới cũng được đưa vào bảng so sánh.

Đầu tiên là điểm số Cinebench R15, MSI Vortex G65 6QF với CPU Core i7-6700K đạt 169 điểm xử lý đơn lõi và 859 điểm xử lý đa lõi. Mặc dù cao hơn ASUS RoG G20CB và một số mẫu laptop nhưng so với chiếc laptop Eurocom Sky DLX7 với cùng CPU thì Vortex vẫn thua kém đôi chút.

Tiếp theo là PCMark 7 và PCMark 8 đánh giá hiệu năng tổng thể, Vortex đạt 7455 điểm PCMark 7, chỉ xếp sau chiếc ASUS GX700 với CPU Core i7-6820HK đã được OC lên 4 GHz. Một điều mình phát hiện ra sau các bài test là CPU Core i7-6700K trên Vortex chỉ có thể đạt xung nhịp tối đa 4 GHz mà không thể lên cao hơn. Phần mềm MSI Dragon Center có tính năng Shift cho phép chỉnh xung nhịp CPU, mình đã thử chỉnh và thực hiện lại các bài test nhưng kết quả trả về vẫn xác nhận xung CPU không vượt quá ngưỡng 4 GHz. Mặc dù vậy, dù chạy ở xung nhịp 4 GHz nhưng điểm số của Vortex vẫn tốt nhưng chưa phải tốt nhất.

Nhiều khả năng MSI đã thiết lập mặc định xung nhịp 4 GHz cho CPU Core i7-6700K trên Vortex nhằm đảm bảo hệ thống tản nhiệt SilenStorm hoạt động đủ hiểu quả, bảo vệ cho CPU cũng như các phần cứng khác. Hoặc cũng có thể tính năng Shift trong phần mềm MSI Dragon Center vẫn chưa hoạt động tốt khi không thể thiết lập xung nhịp cao hơn cho CPU. Tham khảo từ một số trang đánh giá phần cứng uy tín khác thì họ cũng gặp phải tình trạng xung nhịp khóa ở 4 GHz, MSI cần phải làm gì đó để giải phóng hiệu năng cho Vortex.

Bù lại cho CPU, hệ thống ổ cứng của Vortex cho tốc độ truy xuất rất cao. Với 2 ổ Samsung SM951 PCIe Gen3 x4 NVMe chạy ở thiết lập RAID 0 thì tốc độ đọc liên tục lên đến 3181 MB/s, cao nhất trong số những mẫu máy so sánh và tốc độ ghi liên tục cũng khá tốt với 1375 MB/s.

Đánh giá hiệu năng xử lý của bộ đôi GTX 980 MXM, kết quả đều thể hiện sử vượt trội so với những mẫu máy dùng chỉ 1 card GTX 980 hay GTX 980 MXM. Đặc biệt là ở 3 nội dung Fire Strike, Vortex đều đạt điểm số rất cao, chẳng hạn như với Fire Strike Ultra nhằm xác định khả năng chơi game ở độ phân giải 4K, Vortex đạt đến trên 5000 điểm. Mặc dù điểm số cao nhưng kết quả này vẫn chưa đạt được kỳ vọng của mình.

Bằng AIDA64 và GPU-Z, mình phát hiện ra rằng 2 chiếc card đồ họa này đều chạy ở chế độ PCIe Gen2 x8 thay vì PCIe Gen3 x8. Ở chế độ này, băng thông cho mỗi GPU là 4 GB/s, chỉ bằng 1 nửa so với PCIe Gen3 x8. Do đó, nếu so với một chiếc máy desktop dùng 2 card GTX 980 chạy ở chế độ PCIe Gen3 x8 theo thiết lập SLI thông thường thì hiệu năng đồ họa sẽ cao hơn đáng kể.

Việc 2 card chạy ở chế độ PCIe Gen2 x8 có thể lý giải rằng: chispet Intel Z170 hỗ trợ tổng cộng 20 lane PCIe Gen3 trong đó 8 lane đã được dành cho 2 chiếc ổ M.2 2280 PCIe Gen3 x4 NVMe chạy RAID 0. Với 12 lane còn lại, nếu như 2 GPU chạy ở chế độ Gen2 x8 2.0 thì nó tương đương với Gen3 x4 và 2 card sẽ chiếm thêm 8 lane nữa, như vậy 4 lane còn lại rất có thể dành cho 2 cổng Thunderbold 3 (với phiên bản DP của Thunderbolt 3 thì nó sử dụng một giao tiếp PCIe Gen3 x4 cho 2 cổng Thunderbolt 3).

Thử nghiệm chơi game thực tế:

GTA V:

Thiết lập đồ họa cao nhất, MSAA x8, AF x16, Ambient Occlusion High, Tessellation Very High > trung bình 96 fps Metro Last Light:

Thiết lập đồ họa cao nhất, SSAA x4, AF x16, Tessellation Very High > trung bình 52 fps Far Cry 4:

Thiết lập đồ họa cao nhất, TXAA x4, Ambietn Occlusion HBAO+ > trung bình 66 fps CoD Advanced Warfare:

Thiết lập đồ họa cao nhất, SMAA T2x, Ambient Occlusion HBAO+, Super Sampling x16, AF High > trung bình 45 fps Rainbow Six: Siege

Thiết lập đồ họa cao nhất, Anisotropic 16x > trung bình 64 fps The Witcher 3: Wild Hunt

Thiết lập đồ họa Ultra, Ambient Occlusion HBAO+ > trung bình 45 fps Như vậy với những tựa game phổ biến kể trên thì MSI Vortex G65 6QF có thể chơi mượt ở thiết lập cấu hình tối đa.

Tản nhiệt:

Như đã nói ở phần thiết kế, Vortex được trang bị 1 chiếc quạt tròn thiết kế giống như quạt dùng trong những hệ thống turbine điện, đường kính quạt khoảng 140 mm. Nhiệt được giải phóng bị động thông qua các ống đồng và lưới tản nhiệt nhôm ra ngoài, chiếc quạt cỡ lớn sẽ tự động điều chỉnh vòng quay, hút khí từ đáy và đưa toàn bộ hơi nóng ra ngoài qua các khe tản nhiệt bên trên.
Khi tải nhẹ với các tác vụ bình thường, nhiệt độ của CPU chỉ vào khoảng 44 đến 47 độ C. Khi tải nặng hơn một chút với tác vụ như copy tập tin dung lượng lớn hay giải nén, nhiệt độ CPU giao động giữa 49 và 51 độ C. Khi chơi game nặng với thiết lập cấu hình tối đa, nhiệt độ CPU giao động từ 72 đến 80 độ C, nhiệt độ GPU từ 76 đến 78 độ C. Khi chơi game nặng với thiết lập độ phân giải 4K, nhiệt độ CPU không quá 81 độ trong khi nhiệt độ GPU cao nhất đo được là 84 độ C. Khi chơi game, quạt hoạt động hết công suất và tiếng ồn phát ra khá lớn, nếu trong phòng kín thì âm thanh quạt quay nghe rất rõ.

Kết luận:

MSI Vortex G65 là một chiếc máy tính chơi game để bàn rất thú vị và thật sự khiến chúng ta phải tò mò khi mới nhìn thấy lần đầu. Vortex có thiết kế nhỏ gọn nhưng cũng được trang bị cấu hình đủ mạnh để có thể chơi tốt hầu hết các tựa game nặng trên thị trường ở thiết lập cấu hình cao. Như vậy về khía cạnh về một chiếc máy đẹp, ngầu, chơi game thoải mái thì Vortex hoàn toàn đáp ứng được. Thêm vào đó, Vortex cũng cho phép chúng ta nâng cấp khá dễ dàng nhờ thiết kế dạng mở.

Tuy nhiên, không sản phẩm nào hoàn hảo và Vortex cũng vậy, mặc dù sở hữu những phần cứng có thể OC và phần mềm MSI Dragon Center chuyên dụng nhưng tiềm lực của CPU và GPU vẫn chưa thể phát huy hết bởi sự giới hạn ở hệ thống tản nhiệt. Thêm vào đó, khi mua Vortex thì bạn cũng chỉ có chiếc máy, MSI không tặng kèm theo bàn phím và chuột, đây là một điểm mình chưa hài lòng bởi mức giá của máy rất cao.

Giá cao có thể xem là nhược điểm của Vortex bởi chắc hẳn anh em sẽ có suy nghĩ với chừng này tiền thì chúng ta sẽ có cả một dàn máy tính chơi game tốt hơn nhiều với hàng loạt tùy chọn phần cứng, thùng máy và kể cả màn hình, gaming gear. Vậy theo anh em, mức giá của Vortex bao nhiêu là hợp lý với cấu hình trên?

Dưới đây là ưu nhược điểm của "siêu thùng rác" MSI Vortex G65 6QF:

Ưu điểm:
Thiết kế đẹp, gọn, nhẹ, dễ mở để vệ sinh và nâng cấp; Rất nhiều cổng kết nối cao cấp; Cấu hình mạnh, hợp lý, chơi game mượt với thiết lập đồ họa cao; Hệ thống tản nhiệt hoạt động hiệu quả; Có sẵn Windows bản quyền và phần mềm, chỉ cắm vào là dùng ngay.
Nhược điểm:
Chưa thể OC CPU và GPU để đạt hiệu năng cao nhất; Quạt hoạt động khá ồn; Không tặng kèm phụ kiện như chuột, phím; Giá cao.

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/danh-gia-sieu-thung-rac-choi-game-msi-vortex-g65-6qf-rat-manh-va-gia-cung-rat-cao.2590420/