Đánh bài không ăn thua bằng tiền trong dịp Tết có vi phạm không?

Đánh bài chỉ để giải trí trong dịp Tết Nguyên đán, không ăn thua bằng tiền hay hiện vật thì có vi phạm pháp luật không?

Dịp Tết Nguyên đán tôi và gia đình có tổ chức đánh bài để vui chơi, không ăn thua bằng tiền vậy có vi phạm pháp luật không?

Bạn đọc Kim Thanh (TP.HCM)

Ảnh minh họa. Ảnh: HUỲNH THƠ

Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Căn cứ khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như: xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.

Đồng thời, tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) cũng có quy định về tội đánh bạc.

Theo đó, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này… mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm…

Như vậy, chỉ khi đánh bạc, đánh bài trong dịp Tết Nguyên đán có mục đích ăn thua bằng tiền, tài sản, hiện vật thì mới bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Trường hợp đánh bài chỉ để vui chơi, giải trí, không ăn thua bằng tiền hay hiện vật thì không vi phạm pháp luật và người chơi đánh bài trong trường hợp này sẽ không bị xử phạt.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/danh-bai-khong-an-thua-bang-tien-trong-dip-tet-co-vi-pham-khong-post775265.html