Đảng viên 'quân hàm xanh' gieo mùa xuân biên giới - Bài cuối

BÀI CUỐI: DÂN ẤM NO - BIÊN CƯƠNG VỮNG MẠNH

“Nhân dân biên giới có đời sống ấm no thì biên cương mới ổn định vững bền” - Đại tá Đặng Hồng Quân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh chia sẻ. Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền xã nhiều mô hình, chương trình hoạt động giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng biên giới ổn định.

Nhiều mô hình sinh kế giúp người dân thoát nghèo

Dọc đường đến xã biên giới Thị Hoa (Hạ Lang), chúng tôi thấy màu áo xanh của BĐBP hối hả trên đồng ruộng cùng bà con tấp nập cày ải đất chuẩn bi trồng ngô vụ xuân. Thiếu tá Lý Văn Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng (ĐBP) Thị Hoa cho biết: BĐBP giúp nhân dân ngày mùa là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị. Những năm qua, đơn vi phân công 35 lượt đảng viên thường xuyên sinh hoạt tại các xóm, bản, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phối hợp với các cấp, ngành triển khai các chương trình, dự án giúp nhân dân phát triển mô hình sinh kế, sửa chữa nhà dột nát, dựng nhà văn hóa, làm đường nội đồng, chuồng gia súc...

Theo chị Hà Thị Bích Lãnh, xóm Pò Măn, xã Thị Hoa, trước năm 2022, gia đình tôi là hộ nghèo, ít đất sản xuất, không có nghề phụ, nuôi 2 con nhỏ… Lúc khó khăn nhất được đảng viên, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Thị Hoa đến hỗ trợ lợn giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, lợn thịt… Sau 1 năm, vợ chồng tôi đã có tấn lợn thịt, lợn giống xuất chuồng… Năm 2021 - 2022, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng gia đình tôi vẫn duy trì phát triển chăn nuôi ổn định. Nhờ có BĐBP cầm tay chỉ việc nên vợ chồng tôi mới biết làm ăn để thoát nghèo. Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình tôi được nhiều hộ nghèo trong xã đến học hỏi. Bên cạnh đó, ĐBP Thị Hoa huy động các nguồn lực khác hỗ trợ con giống cho bà con, hướng dẫn các hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và kỹ thuật phát triển chăn nuôi lợn.

Phó Chủ tịch UBND xã Thị Hoa Nông Văn Hòa cho biết: Những năm qua, ĐBP Thị Hoa huy động hàng tỷ đồng hỗ trợ xã phát triển mô hình chăn nuôi, trồng mía, xây dựng hạ tầng cơ sở, giúp dân lao động sản xuất ngày mùa, xóa nhà dột nát, làm đường nông thôn, nhà văn hóa, nhà vệ sinh…, góp phần cho xã cán đích xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Lãnh đạo Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng quà tết gia đình chính sách.

Tùy thuộc vào điều kiện từng hộ nghèo, cán bộ, chiến sĩ BĐBP lựa chọn nguồn lực hỗ trợ phù hợp. Anh Đàm Văn Tự, hộ nghèo xóm Sóc Giang, xã Sóc Hà (Hà Quảng) tâm sự: Gia đình ít đất sản xuất và neo người, năm 2022, ĐBP Cửa khẩu Sóc Giang hỗ trợ bò cái sinh sản. Vì nhà gần chân núi, có bãi chăn thả và thuận lợi cho trồng cỏ voi. Do đó, tôi có cỏ quanh năm để chăn bò chóng lớn, nhanh sinh bê con mà vẫn có thể tranh thủ chăn nuôi lợn. Năm 2023, tôi thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản.

Bà con xã biên giới các huyện: Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Trùng Khánh, Quảng Hòa… được Đảng ủy các ĐBP chỉ đạo, điều động đảng viên, cán bộ, chiến sĩ về xóm, bản nắm tình hình, tham mưu, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương xây dựng mô hình sinh kế phù hợp, tạo điều kiện cho bà con vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Không chỉ giúp người dân biên giới thoát nghèo, ổn định đời sống mà từ trẻ nhỏ mồ côi, người già neo đơn, gia đình chính sách… những hộ dân tộc Mông bị dụ dỗ tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (TCBHPDVM) cũng được Đảng ủy các ĐBP chỉ đạo đảng viên, cán bộ, chiến sĩ bám sát cơ sở, tham mưu xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ như người thân ruột thịt của mình.

Để hiểu những việc làm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP giúp dân “không để ai bỏ lại phía sau”, chúng tôi vượt những cung đường núi đá heo hút đến với đồng bào Mông xóm Lũng Chẩn, xã Lũng Nặm (Hà Quảng) trước đó có một số hộ bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM. Bí thư Đảng ủy xã Lũng Nặm Nông Văn Sống cho biết: Trước đây, đến xóm Lũng Chẩn phải đi cả ngày vì đường núi đá dốc cao hiểm trở. Hơn 20 hộ dân sống rải rác trên lưng núi đá cao biệt lập với bên ngoài, bởi vậy mà kẻ xấu đến dụ dỗ lôi kéo theo đạo trái phép. Nắm được tình hình, ĐBP Lũng Nặm giao nhiệm vụ cho Trung tá Dương Đại Lợi, dân tộc Mông và anh em cùng đơn vị đến nắm tình hình xóm Lũng Chẩn, bàn cách thức tuyên truyền phù hợp. Vào ngày mùa thu ngô, dân bản có việc, các anh đến giúp, thăm hỏi, tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo bằng tiếng Mông cho bà con. Những hộ hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ bò giống, hướng dẫn trồng cỏ voi, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, từ bỏ tập tục lạc hậu… BĐBP còn giúp dân làm đường bê tông xóm, xây bể chứa nước mưa…

Anh Hoàng Văn Khào, dân tộc Mông xóm Lũng Chẩn trước đây bị dụ dỗ theo TCBHPDVM kể lại: Khi anh Dương Đại Lợi đến gặp dân bản nói việc gì cũng chỉ ra cái đúng. Anh Lợi hỏi những hộ tin theo TCBHPDVM có được lợi gì không? Nhà mình đói khổ, dột nát, người già ốm đau, trẻ em bỏ học vì đường núi xa trường… kẻ xấu có đến giúp không? Bà con ai cũng nhận thấy chỉ có cán bộ, chiến sĩ biên phòng mới hỗ trợ bò, lợn giống, hướng dẫn trồng cỏ voi nuôi bò vỗ béo, làm đường to rộng cho trẻ em đi học dễ dàng, người già, trẻ em khi ốm đau có thẻ bảo hiểm đi khám bệnh miễn phí, tết được tặng quà… Chỉ có cán bộ của Đảng, Nhà nước mới tổ chức đối thoại với dân bản để lắng nghe và giải đáp các kiến nghị, đề xuất của bà con… Mỗi việc làm, lời nói đúng và tinh thần sẵn sàng giúp đỡ dân bản của cán bộ, chiến sĩ ĐBP làm cho bà con hiểu rõ việc làm sai của mình nên năm 2022 từ bỏ TCBHPDVM, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Nếu không có BĐBP tuyên truyền cặn kẽ mọi việc phải - trái thì không biết đến bao giờ dân bản Lũng Chẩn mới tìm lại ánh sáng của Đảng - Bí thư Đảng ủy xã Lũng Nặm Nông Văn Sống nhận định.

Những trẻ em hoàn cảnh éo le, mồ côi không nơi nương tựa được đảng viên, cán bộ, chiến sĩ ĐBP sinh hoạt Đảng tại xóm, bản biên giới phát hiện báo cáo về ĐBP và làm thủ tục đón nhận về nuôi dạy và thụ hưởng Chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi ĐBP”. Cháu Sùng Mí Lừ, bố mẹ ly hôn, bỏ rơi Lừ khi còn nhỏ được chú đem về nuôi, học đến lớp 5 do điều kiện gia đình chú khó khăn nên cháu không còn điểm tựa. Vừ Mí Lầu mồ côi cả cha lẫn mẹ, người thân không đủ sức cưu mang, đứng trước nguy cơ thất học. Từ năm 2019, 2 cháu được ĐBP Cốc Pàng làm thủ tục đón về nuôi dạy. Từ đứa trẻ nhút nhát, sợ người lạ, chỉ ăn mèn mén, không ngủ màn nhưng với sự chăm sóc chu đáo, tình yêu thương hết mực của các chú BĐBP, 2 cháu sinh hoạt, học tập hằng ngày theo nề nếp đơn vị bộ đội chính quy. Cháu Lừ đã đi học cao đẳng nghề tại Thái Nguyên; cháu Lầu ngày càng khôn lớn và nuôi những ước mơ phấn đấu học tập. Cháu Lầu khoe với chúng tôi có bố Khánh (Thượng úy Hoàng Văn Khánh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng), bố Danh (Thượng tá, Chính trị viên ĐBP Cốc Pàng Lý Ngọc Danh) chăm sóc, động viên nên phấn đấu học tốt hơn, không phụ công ơn chăm sóc của các chú BĐBP.

Còn nhiều câu chuyện cảm động về cán bộ, chiến sĩ các ĐBP chăm sóc, phụng dưỡng người già neo đơn, gia đình thương binh, liệt sĩ... Càng đi, chúng tôi được biết thêm nhiều câu chuyện, tấm gương, việc làm nhân văn của đảng viên “quân hàm xanh” với dân bản biên giới. Mỗi một câu chuyện như một bài ca dâng Đảng, viết tiếp trang sử vẻ vang cho Tổ quốc: “Không có thành lũy nào kiên cố hơn tình quân dân gắn bó. Không có âm mưu nào xóa mờ niềm tin của Đảng từ anh BĐBP soi sáng lòng dân bản…”.

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP với Huyện ủy các huyện biên giới, từ năm 2006 đến nay, Đảng ủy BĐBP tỉnh huy động hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ các xã biên giới phát triển kinh tế - xã hội như: làm đường nông thôn, xây dựng công trình nước sạch, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn, tư vấn kỹ thuật, tặng cây, con giống, giúp ngày công lao động, di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, xóa nhà dột nát. Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”... đã hỗ trợ hàng nghìn hộ thoát nghèo; phụng dưỡng, giúp đỡ 65 thân nhân liệt sĩ; thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi ĐBP”, nhận nuôi 150 lượt trẻ mồ côi không nơi nương tựa, giúp đỡ 250 học sinh hoàn cảnh khó khăn…

BÀI 1: GẦN DÂN, HIỂU DÂN, GỠ KHÓ CHO DÂN

Trường Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dang-vien-quan-ham-xanh-gieo-mua-xuan-bien-gioi-bai-cuoi-3167909.html