Đằng sau sự phát triển

Đang diễn ra một nghịch lý, các địa phương đua nhau xây dựng KCN nhưng lại không tính được hiệu quả của các KCN ra sao. Đặc biệt, với các KCN nhỏ lẻ, nằm rải rác ở nhiều địa phương, thậm chí nằm lọt trong các khu dân cư đang là những mối hiểm họa về ô nhiễm môi trường. Nhiều địa phương lợi ích chưa thấy, song ô nhiễm môi trường đã đe dọa trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Ngay với diện tích đất của các KCN hiện thời, theo tính toán của các chuyên gia, phải mất 50 năm nữa mới lấp đầy. Vì thế, việc lấy đất phát triển các KCN cần phải được xem xét thấu đáo ở hiệu quả sử dụng trong một tầm nhìn chiến lược lâu dài. Nếu cứ phê duyệt theo cảm tính, theo nhu cầu của mỗi địa phương đưa lên mà không có những cơ sở kinh tế khoa học, hiệu quả sử dụng đất sẽ rất thấp. Không những thế, nó còn dẫn đến việc tùy tiện mở rộng KCN, quy hoạch treo, biến đất nông nghiệp thành đất hoang.

Chẳng hạn, tại khu vực Vùng duyên hải miền Trung (DHMT), mặc dù thời gian qua, các KCN, KKT có phát triển, tạo ra thế và lực để dẫn dắt các yếu tố kinh tế khác trong Vùng, nhưng vẫn chưa phát huy được tiềm năng đang có và còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Khu vực này đang có sự bất cập trong quy hoạch, phân bố KCN; hiệu quả đầu tư; cơ chế, chính sách đối với KCN… đặc biệt là thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương để khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng cũng như hỗ trợ nhau về các yếu tố, điều kiện trong sản xuất kinh doanh.

Do thiếu liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh nên các địa phương phải tự cố gắng tận dụng các nguồn tài nguyên hạn chế của mình để sản xuất tại chỗ với quy mô nhỏ, làm cho sản phẩm công nghiệp của Vùng DHMT sản xuất ra có năng suất, chất lượng thấp và giá thành cao, do đó năng lực cạnh tranh thấp.

Như vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển các KCN trong Vùng đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết: Số lượng các KCN đã đi vào vận hành chưa nhiều, quy mô vốn đầu tư và thu hút các dự án còn hạn chế; các ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN còn trùng lắp, chính sách thu hút không đồng bộ, thiếu gắn kết; hàm lượng khoa học, công nghệ trong các dự án còn thấp, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng như yêu cầu của các KCN; cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc cần tiếp tục hoàn thiện; đặc biệt là thiếu sự gắn kết, hợp tác lẫn nhau giữa các KCN, các DN trong KCN của Vùng.

Sản xuất công nghiệp đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng nếu công nghiệp (do con người tạo ra) lại làm suy giảm chất lượng sống của chính con người, buộc chúng ta phải bỏ rất nhiều tiền của khắc phục - thì sự tăng trưởng công nghiệp còn được mấy ý nghĩa?

Ngọc Lý

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/dang-sau-su-phat-trien.html