Đằng sau sự phát triển vũ bão của bóng đá Nhật là 3 con đường dẫn đến thành công

Nhật Bản đang là đội bóng số một châu Á. Nhưng tham vọng của họ không dừng ở đó. Xứ sở mặt trời mọc tự tin hướng đến chức vô địch World Cup vào năm 2050, dựa trên hệ sinh thái bóng đá đa dạng, tận dụng tối đa mọi nguồn lực và tạo nên dây chuyền sản xuất cầu thủ tài năng.

Người hâm mộ Việt Nam đang mơ về một kỳ tích tại Asian Cup 2023. Tuy nhiên, việc ĐT Việt Nam phải chạm trán Nhật Bản ngay trận ra quân đã khiến nhiều người nản lòng. Không chỉ là đội bóng số một châu Á, Các Samurai xanh còn tiệm cận đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Tại World Cup 2022, Nhật Bản tạo ra 2 chiến thắng gây chấn động trước Đức và Tây Ban Nha, cuối cùng, chỉ bị loại ở vòng 1/8 sau loạt luân lưu với Croatia. Trở về từ Qatar, họ tập hợp lại và tạo nên một phiên bản nâng cấp đáng sợ. 9 trận đã qua, đội quân của HLV Hajime Moriyasu toàn thắng, bao gồm màn hạ đẹp Đức 4-1.

Người Nhật đang đi theo đúng lộ trình đã vạch ra vào năm 2005. Vào năm đó, LĐBĐ Nhật (JFA) đã giới thiệu “Tuyên bố JFA 2005” với mục tiêu trong 50 năm sẽ biến Nhật Bản thành một cường quốc bóng đá, đồng thời trở thành nhà vô địch World Cup 2050. Mới đây, họ tiếp tục đưa ra dự án “Con đường Nhật Bản” nhằm đẩy nhanh hơn tiến độ và hiện thực hóa giấc mơ tiếm ngôi vị số một thế giới.

Nhật Bản đã đánh bại cả Đức và Tây Ban Nha tại World Cup 2022.

Điều độc đáo là khi xây dựng kế hoạch, JFA đưa ra quy tắc sắt đá: không được sao chép nước ngoài. Họ phát triển dựa trên văn hóa và nền tảng sẵn có, kết hợp kinh nghiệm từ các nền bóng đá tiên tiến. Kết quả là bây giờ, Nhật Bản trở thành quốc gia xuất khẩu cầu thủ hàng đầu châu Á.

Số liệu của TwentyFirst cho biết, vào năm 2023, có tới 117 cầu thủ Nhật đang chơi bóng ở châu Âu, nhiều hơn tổng kết hợp của ba quốc gia đứng sau gồm Australia 70, Hàn Quốc 24, Iran 22 (chỉ tính những người có ít nhất 1 lần ra sân). Tại Asian Cup 2023, chỉ có 5/26 tuyển thủ Nhật đang chơi bóng trong nước. Cách đây 13 năm, tại Asian Cup 2000, Nhật chỉ có duy nhất một cầu thủ thi đấu nước ngoài.

Nếu như ở phần lớn các quốc gia, con đường trở thành cầu thủ bắt buộc phải thông qua hệ thống Học viện, thì tại Nhật có tới ba lộ trình để phát triển. Đầu tiên là Học viện, với 60 CLB thi đấu tại 3 hạng đấu đều có Học viện riêng, bắt đầu từ lứa U16 và một số từ U12.

Trận chung kết Giải bóng đá trung học toàn Nhật Bản lần thứ 101 giữa Okama Gakugeikan và Higashiyama tại Sân vận động Quốc gia ngày 9/1/2023 tại Tokyo.

Các cầu thủ Okayama Gakugeikan ăn mừng chiến thắng trước hàng vạn khán giả.

Kế đến bóng đá trung học. Giải bóng đá trung học toàn Nhật là sự kiện thể thao nghiệp dư có quy mô lớn nhất, và lâu đời nhất ở Nhật Bản (bắt đầu từ năm 1917), được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc. Hơn 4.000 đội bóng trên khắp nước Nhật tham gia tranh tài để chọn ra hai đội vào chung kết, trận đấu được gọi là "Ngày trưởng thành", tranh chức vô địch dưới sự chứng kiến của hàng vạn khán giả.

Trước đây bóng đá trung học là phương án B khi một cầu thủ trẻ không được chọn, hoặc bị thải loại khỏi các Học viện. Nhưng hiện tại, nhiều người coi đây là môi trường để phát triển toàn diện, đồng thời vẫn có thể tiến lên cấp độ cao hơn. Huyền thoại Nhật Bản Keisuke Honda là nguồn cảm hứng lớn cho nhiều học sinh, khi phát triển các kỹ năng và gây dựng danh tiếng từ những năm theo học ở trường Seiryo tỉnh Ishikawa.

Kaoru Mitoma khi vô địch cùng đội bóng trường Đại học Tsukuba.

Cuối cùng là bóng đá Đại học. Tương tự hệ thống Đại học ở Mỹ, các cầu thủ phải hoàn thành chương trình giáo dục đại học trước khi chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Tại Nhật, tính tổ chức và mức độ cạnh tranh của bóng đá Đại học rất cao, gần như một giải bán chuyên. Ngoài ra, trình độ học vấn cao cũng giúp họ cải thiện tư duy và kỹ năng chơi bóng.

Kaoru Mitoma là một ví dụ. Anh vào Đại học vì cảm thấy bản thân chưa sẵn sàng để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Và trên ghế giảng đường, Mitoma đã viết một luận văn về xử lý thông tin của cầu thủ tấn công trong các tình huống một đối một. Ngôi sao đang khoác áo Brighton cũng đưa nghiên cứu vào thực tiễn khi trở thành một trong những cầu thủ rê bóng, sáng tạo hàng đầu ở Premier League.

Bóng đá học đường cũng giúp giải quyết một vấn đề trong văn hóa Nhật: tôn trọng người lớn tuổi. Các CLB Nhật không sẵn sàng trao cơ hội cho cầu thủ trẻ, và theo Terry Westley, Giám đốc kỹ thuật của J League, việc một cầu thủ 17 tuổi xuất hiện trong đội một khá “bất bình thường”. Không phải ngẫu nhiên khi J League có lượng lớn cầu thủ siêu già, với 1 cầu thủ trên 50 (Kazuyoshi Miura) và 11 cầu thủ khác từng ra sân khi đã hơn 40 tuổi.

Junya Ito, cầu thủ đi lên từ bóng đá trung học và Đại học, cùng Mitoma tại World Cup 2022.

Theo TwentyFirst, tuổi bình quân của cầu thủ Nhật khi ra mắt J League là 22,5, cao hơn rất nhiều so với 5 giải đấu hàng đầu châu Âu. Bóng đá trung học và Đại học mang tới cơ hội thi đấu nhiều cho các cầu thủ. Nếu so với các cầu thủ trẻ ở J-League, trình độ cầu thủ Đại học thậm chí cao hơn bởi kinh nghiệm thực chiến phong phú. Trong thời đại ngày nay, nhiều người coi Đại học là bước đệm cần thiết để tiến lên chuyên nghiệp.

Dựa trên thống kê của Japan Football Lab, có tới hơn 50% cầu thủ Nhật đang chơi tại J League đã phát triển từ bóng đá Đại học. Một con số khác cho biết, trong danh sách tham dự World Cup 2022 của Nhật, có 11 đi lên từ Học viện, 7 cầu thủ từ trường trung học và 8 từ trường Đại học. Ba thành phần này giúp tận dụng triệt để tài năng bóng đá Nhật, tạo nên hệ sinh thái bóng đá và dần dần, biến bóng đá trở thành môn thể thao được yêu thích hàng đầu ở xứ sở mặt trời mọc ngang với bóng chày.

Sự hâm mộ cũng tăng lên theo cấp số nhân dựa trên thành công của ĐT Nhật, đội đang hướng đến lần thứ 5 đăng quang Asian Cup và một ngày nào đó là chức vô địch World Cup.

Thanh Hải

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dang-sau-su-phat-trien-vu-bao-cua-bong-da-nhat-la-3-con-duong-dan-den-thanh-cong-post1602536.tpo