Đằng sau những cuốn sách đặc biệt được đóng thủ công

Các công đoạn cơ bản để ra đời cuốn sách đặc biệt bao gồm: đánh giá tác phẩm cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm), dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí.

Nghề đóng sách thủ công đã có từ những năm 1450 thời Trung Cổ. Khi đó, các thủ bản được thực hiện trong các thư viện hoàng gia, phục vụ cho tầng lớp quý tộc là chủ yếu. Các giấy đóng sách thủ công trước đó thường làm từ da bê. Các loại giấy này đều phải hội tụ đầy đủ 3 yếu tố là trắng, trong và mỏng. Màu sắc của giấy thời đó không đa dạng như bây giờ, chủ yếu là màu xanh từ đá quý được xay mịn ra hoặc màu vàng từ vàng cát, màu đỏ từ sâu sống trong rừng.

Các công đoạn cơ bản để ra đời cuốn sách đặc biệt bao gồm: Đánh giá cuốn sách cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm), dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí.

Hiện nay, nhiều cuốn sách được đóng từ thời Trung cổ vẫn được gìn giữ, tuy nhiên đã được phục chế bởi sách cổ hay bị mất gáy. Một trong những cuốn sách được đóng thủ công lâu đời nhất, nổi tiếng nhất là quyển Thánh kinh đầu tiên của Hà Lan.

Tại Việt Nam, đóng sách thủ công không phải nghề được coi là truyền thống mà bắt nguồn từ các nước châu Âu và Trung Đông, du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp. Trải qua chiến tranh và nhiều yếu tố khách quan khác, nghề này đang mai một dần. Hiện tại trong nước vẫn rất hiếm, thậm chí là không có người thợ nào đạt tới trình độ hoàn thiện theo yêu cầu khắt khe của kỹ thuật đóng sách thủ công truyền thống. Ngoài ra, nguồn tài liệu và đồ đạc dụng cụ về ngành nghề này cũng rất hạn chế.

Vậy một ngày làm việc của một bookbinder (thợ đóng sách) như thế nào và các công đoạn cơ bản khi hoàn thiện sản phẩm sẽ ra sao để có thể tạo ra cuốn sách độc bản với giá gấp nhiều lần sách thông thường?

Anh Trần Trung Hiếu - thợ đóng sách với 6 năm kinh nghiệm cho biết, hiện nay sách thủ công ở Việt Nam được thiết kế và sản xuất trên nhiều chất liệu, như bìa sách được làm từ vải đũi tơ tằm dệt thủ công và họa tiết thêu tay, từ vải thô bố cao cấp không sờn và ép nhiệt cao tần; từ giấy trúc chỉ - một nghệ thuật mới được sáng tạo; từ lụa thủy ấn và nhiều nhất là từ da.

Các công đoạn cho ra đời cuốn sách đặc biệt bao gồm: Đánh giá sách cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm), dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí. Trung bình, thợ mất khoảng 1 tuần làm việc để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản. Còn với sản phẩm phức tạp hơn trong trang trí và thiết kế phải vài tuần, có khi vài tháng mới xong. Đây là một “thử thách” không nhỏ với những bạn trẻ đang có hứng thú muốn học nghề đóng sách thủ công, bởi nếu không thực sự đam mê và kiên nhẫn sẽ rất khó theo đuổi.

Để theo đuổi nghề mang tính 'hàn lâm' như đóng sách thủ công này bắt buộc phải có lòng kiên trì, sẵn sàng hy sinh.

Anh Lê Đức Anh, thành viên xưởng Sao Bắc chuyên đóng sách thủ công, được nhiều đơn vị như Nhã Nam Books, Omega+ Books... đặt hàng làm sách độc bản, giới hạn cho biết: “Hiện có nhiều bạn trẻ đã tìm hiểu về làm sách thủ công và muốn thử, nhưng đa số phân vân về lựa chọn vật liệu. Thực tế, dễ tìm và dễ sử dụng nhất để mọi người có thể thực hành ngay việc làm một cuốn sách, cuốn sổ tay cho mình tại nhà mà chưa cần đi quá sâu vào tìm hiểu về nghề đóng sách thủ công là các loại vải canvas, vải bố, vải jean. Ở mức độ chuyên nghiệp hơn cần một số vật liệu chuyên dụng như các loại vải đã được bồi sẵn giấy, keo, các loại da”.

"Muốn theo đuổi nghề mang tính 'hàn lâm' như đóng sách thủ công thì bắt buộc phải có lòng kiên trì, sẵn sàng hy sinh. Thêm nữa là phải có đầu óc nhạy bén và khả năng học hỏi không ngừng", anh Lê Đức Anh cho hay.

Còn theo anh Trần Trung Hiếu, khó khăn lớn nhất khi tìm hiểu nghệ thuật đóng sách thủ công là thiếu nguồn tài liệu tiếng Việt, không có những người thầy giàu kinh nghiệm để truyền nghề và đa số dụng cụ chuyên nghiệp phải nhập khẩu.

“Các bạn trẻ, hoặc như tôi lúc mới vào nghề còn là sinh viên thì càng khó khăn hơn bởi dụng cụ chuyên dụng rất đắt tiền. May mắn là vốn liếng tiếng Anh của tôi khá tốt, đủ để tiếp cận tài liệu hướng dẫn về đóng sách của nước ngoài”, anh Trần Trung Hiếu nói thêm.

Tuy nhiên, chính những khó khăn ấy lại làm anh cảm thấy hứng thú hơn với nghề khi mỗi ngày học được thêm một điều mới, có thêm hiểu biết về nghệ thuật đóng sách mình theo đuổi.

"Điều thú vị với tôi khi đóng sách thủ công là không có cuốn nào làm giống nhau, và qua mỗi lần làm đều rút ra được những bài học mới mẻ. Đồng thời, bản thân tâm đắc với các cuốn sách tự thiết kế, mang bản sắc riêng", anh Hiếu bày tỏ.

Hiện tại, Trần Trung Hiếu làm việc tại xưởng đóng sách Sao Bắc. Bên cạnh việc làm những cuốn sách mang tính độc bản, anh còn hợp tác cùng Nhã Nam Books thực hiện những ấn bản sách đặc biệt số lượng lớn với mong muốn đưa những tác phẩm đóng thủ công tiếp cận nhiều hơn với độc giả, khơi gợi sự hứng thú của giới trẻ.

Họa sĩ Trần Đại Thắng chia sẻ: “Thị trường ô tô cũng có phiên bản phổ thông và phiên bản cao cấp. Có xe vài trăm triệu đồng nhưng cũng có loại tới hàng chục tỷ đồng. Vậy tại sao thị trường sách không có quyền đa dạng với những ấn bản đặc biệt cho khách hàng đam mê? Tôi tin rằng, nếu đủ năng lực đáp ứng nhu cầu các ấn bản đặc biệt sẽ góp phần nâng tầm sách Việt”.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dang-sau-nhung-cuon-sach-dac-biet-duoc-dong-thu-cong-2244908.html