Đằng sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc, Nhật Bản tới Cuba

Hai chuyến thăm liên tiếp của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc tới Cuba cho thấy "hòn đảo tự do" đang ngày càng trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của các cường quốc.

Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm chính thức Cuba ngày 24/9/2016. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rời La Habana ngày 26/9, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc tới Cuba. Trước đó chỉ ít ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoàn thành chuyến đi tới đảo quốc Caribe này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Cuba trong hai ngày 22-23/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Cuba Rául Castro đã có cuộc hội đàm về các lĩnh vực tiềm năng để phát triển quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Thủ tướng Abe cam kết Nhật Bản sẽ đóng góp vào sự phát triển của Cuba trong cả lĩnh vực công và tư. Ông Abe hy vọng việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Cuba sẽ giúp thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản tại Cuba.

Sau buổi hội đàm, hai nguyên thủ đã chứng kiến lễ ký giữa đại diện Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba (Mincex) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về thỏa thuận viện trợ các máy móc và thiết bị y tế trị giá 1 tỷ yen (tương đương 9,8 triệu USD) của Nhật Bản cho các bệnh viện chủ chốt của Cuba nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và công tác chẩn đoán bệnh, nhất là bệnh ung thư.

Phó Chủ tịch JICA Irigaki Hidetoshi cho biết mục tiêu của dự án là nhằm cung cấp cho Cuba các trang thiết bị cần thiết để số hóa lĩnh vực chẩn đoán y tế cũng như các phương tiện hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Cuba, trong hai ngày 24-25/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã thực hiện chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Cuba để thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực và thắt chặt quan hệ giữa hai quốc gia.

Tại thủ đô La Habana, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt vòng hoa trước tượng đài José Martí tại Quảng trường Cách mạng và có cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Rául Castro về phương hướng phát triển quan hệ song phương, mà cả hai bên đều đánh giá là tốt đẹp, cũng như về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm.

Kết thúc hội đàm, hai nước đã ký 12 thỏa thuận hợp tác, trong đó có các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nghiên cứu y học, tin học, phát triển công nghiệp, an ninh hải quan và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, hai bên cũng đã ký thỏa thuận về việc Bắc Kinh xóa nợ cho La Habana và cung cấp bốn khoản tín dụng mới cho các dự án sẽ được triển khai tại La Habana.

Trung Quốc có quan hệ kinh tế gần gũi với Cuba và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba, một trong những đối tác mà Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Chao gọi là “tình hữu nghị truyền thống có nguồn gốc sâu xa” giữa hai nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Cuba hai lần, trong khi các nhà lãnh đạo Cuba như cựu Chủ tịch Fidel Castro và Chủ tịch Raul Castro cũng đã nhiều lần đến thăm Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản có vẻ tán thành chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi nước này “vừa bắt đầu nuôi dưỡng một mối quan hệ với Cuba”, theo Hiroka Maeda, chuyên viên nghiên cứu tại Viện PHK có trụ sở tại Tokyo thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược.

Sự gần gũi về mặt thời gian giữa hai chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe khiến người ta nhớ đến những cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Đông Nam Á và châu Phi.

Bắc Kinh và Tokyo đã cạnh tranh nhau trong việc xây dựng dự án đường sắt cao tốc ở Indonesia và Thái Lan; Hội nghị Quốc tế Tokyo về sự Phát triển của châu Phi được xem là nhắm đến Diễn đàn Trung Quốc về hợp tác Trung Quốc - châu Phi.

Giáo sư Su Hao ở Khoa Đối ngoại thuộc trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định, trong trường hợp của Cuba, không có vẻ gì là ông Abe cố tình thách thức lợi thế lâu dài của Trung Quốc, mặc dù ông Abe luôn coi Trung Quốc là một địch thủ theo nhiều cách. Giáo sư Su Hao đánh giá thêm: “Nó được dẫn dắt nhiều hơn bởi nhu cầu phát triển kinh tế nội địa của Nhật Bản để thâm nhập vào một thị trường mới và tìm kiếm cơ hội ở vùng đất chưa được khai phá này”.

Còn theo ông Fan Hesheng, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Đại học An Huy (Trung Quốc), chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Cuba có thể được xem là một nỗ lực để chống lại thế lực của Trung Quốc ở khu vực này, bởi rất nhiều quốc gia đang để mắt đến Cuba kể từ khi nước này khôi phục quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Ông Fan Hesheng cho hay: "Bên cạnh Nhật Bản, các nước châu Âu như Tây Ban Nha cũng có lợi ích trong việc mở rộng thị trường Mỹ Latinh, và Cuba là một khởi đầu tốt đối với họ… Giống như Nhật Bản, những nước này không thể đứng ngoài chờ đợi và theo dõi Mỹ và Trung Quốc phân chia lợi ích ở Mỹ Latinh, một khu vực từng là thuộc địa của các nước châu Âu”./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dang-sau-chuyen-tham-cua-thu-tuong-trung-quoc-nhat-ban-toi-cuba/24997.html