Đẳng cấp của mũi nhọn

Hiếm có Kỳ họp nào, vấn đề phát triển ngành du lịch được đặt lên bàn Nghị sự sôi nổi như Kỳ họp này, đến mức có cả đại biểu đem ra chất vấn Thủ tướng. Du lịch bắt đầu thể hiện đẳng cấp của một ngành kinh tế mũi nhọn.

Ôn cố tri tân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “chắc chắn trong thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn”, khi đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) hỏi ông, “các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều coi du lịch một ngành kinh tế mũi nhọn. Vừa qua đích thân Thủ tướng đã chủ trì hội nghị quốc gia về xúc tiến du lịch, vậy trong thời gian sắp tới đây, Thủ tướng có chỉ đạo, có giải pháp đột phá gì để phát triển ngành công nghiệp không khói này?”

Đại biểu Thắng nhiều sốt ruột như vậy vì thấy “tiềm năng phát triển du lịch của đất nước rất lớn nhưng kết quả kinh tế từ du lịch lại rất thấp so với các nước trong khu vực, đúng như Slogan của du lịch Việt Nam là "Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn".

“Đúng là du lịch hiện nay là tiềm năng rất lớn của Việt Nam”, Thủ tướng nói, “trong các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đều nói du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta và nếu muốn là ngành kinh tế mũi nhọn thì đóng góp của du lịch phải từ 7-10% GDP”.

Ông cũng cho hay Chính phủ đã có những giải pháp đồng bộ, từ việc làm thế nào để xây dựng được cộng đồng văn minh làm du lịch đến việc xây dựng những tương hiệu du lịch lớn ở các vùng, thể chế ưu tiên trong phát triển du lịch…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết trong vòng hai thập kỷ qua, từ chỗ du lịch chỉ được coi là hoạt động phục vụ nghỉ dưỡng đơn thuần, đến nay đã được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (ảnh: Minh Khánh)

Ôn cố tri tân, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết trong vòng hai thập kỷ qua, từ chỗ du lịch chỉ được coi là hoạt động phục vụ nghỉ dưỡng đơn thuần, đến nay đã được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và được định hướng phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Hầu hết các tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch đều đã có Nghị quyết hoặc Chỉ thị định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng hoặc mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp du lịch được nâng cao. Hoạt động du lịch ngày càng sôi động ở khắp các vùng miền của đất nước, đã và đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Đã có nhiều nhà đầu tư lớn vào một số khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam như Quảng Ninh (Hạ Long), Đà Nẵng, Quảng Nam (Hội An), Kiên Giang (Phú Quốc), Khánh Hòa (Nha Trang) với các dự án với quy mô lớn, tạo ra động lực, đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả vùng, góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại.

“Muốn đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp mang yếu tố liên ngành và góp phần tăng cường quảng bá, giao lưu văn hóa thì phải có quy định mang tính đột phá về quản lý tài nguyên du lịch, nhân tố quyết định sự phát triển của ngành”

Đầu tư bài bản

Đến từ địa phương rất thành công trong phát triển ngành du lịch, đại biểu Phan Việt Cường (Quảng Nam) thấy rằng, “đất nước, con người Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới nhưng công cuộc phát triển ngành du lịch của chúng ta chưa bằng họ. Vì vậy, nhà nước cần đầu tư du lịch một cách bài bản”

Cũng tâm tư như vậy, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nói, “chúng ta xác định ngành du lịch là một ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, đầu tư cho du lịch thấy chưa được thỏa đáng, nhất là việc đầu tư cho quy hoạch, liên vùng, đầu tư cho quảng bá, đầu tư cho hạ tầng du lịch là chưa xứng đáng”

“Về nguyên tắc, muốn phát triển du lịch để góp phần thay đổi cơ cấu nền kinh tế, thì phải đầu tư thích đáng hơn cho lĩnh vực này”, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) khẳng định.

Theo vị đại biểu này, tài nguyên du lịch nước ta vốn dồi dào, phong phú. Đây có lẽ là điều không cần tranh luận thêm. Song rõ ràng, việc khai thác, phát triển đang còn là ẩn số.

Ông Quang đặt ra một loạt câu hỏi như, do chính sách không đầy đủ, hay do nguồn lực, đội ngũ cán bộ? Sản phẩm du lịch của nước ta đang ở đâu so với tiềm năng, thế mạnh? Việc tạo ra sản phẩm du lịch từ tư duy phát triển ngành ra sao? Chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi vì sao lượng du khách trở lại Việt Nam ít như thế? Vì sao được đánh giá là có thế mạnh, có tiềm năng, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch?

Ở một góc độ khác, đại biêủTrương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhận định, “khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thì phải tái cơ cấu về tư duy phát triển du lịch, thậm chí là tìm ra một triết lý mới cho du lịch Việt Nam”

“Muốn đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp mang yếu tố liên ngành và góp phần tăng cường quảng bá, giao lưu văn hóa thì phải có quy định mang tính đột phá về quản lý tài nguyên du lịch, nhân tố quyết định sự phát triển của ngành”, ý kiến đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng).

Việt Nam đang nắm trong tay những nguồn tài nguyên du lịch mà nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ, mơ ước.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), quan tâm đến loại tài nguyên du lịch do con người tạo ra, vốn đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, phát triển. Trong khi đó, thực tế cho thấy, do cách ứng xử chưa chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực làm du lịch cũng như cư dân sinh sống tại điểm, khu du lịch đã khiến không chỉ khách quốc tế mà cả khách trong nước cũng “một đi không trở lại”.

“Do vậy, muốn phát triển du lịch căn cơ và bền vững, phải quan tâm thích đáng đến công tác đào tạo nhân lực làm du lịch. Việc đào tạo này phải bao gồm cả nhân lực phục vụ và nhân lực từ cộng đồng - cư dân ở các điểm, khu du lịch. Như vậy mới có tâm thế cả cộng đồng làm du lịch và du lịch mới trở thành ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, xứng đáng đẳng cấp của mũi nhọn”, ông Thân nói.

Việt Nam đang nắm trong tay những nguồn tài nguyên du lịch mà nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ, mơ ước. Dẫu vậy, nguồn tài nguyên ấy không tồn tại mãi mãi, nếu không được tạo điều kiện để nhanh chóng trở thành mũi nhọn.

Châu Minh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-lich/dang-cap-cua-mui-nhon-219439.html