Đảng bộ Vũ Linh tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế

Qua hơn nửa nhiệm kỳ đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Vũ Linh, huyện Yên Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông Lê Văn Tuấn ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh cho thu nhập ổn định.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vũ Linh Địch Quang Phục khẳng định: "Với quan điểm coi nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cấp ủy, chính quyền xã đã đổi mới tư duy về lãnh đạo phát triển kinh tế. Đảng bộ xã thường xuyên quan tâm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào chế biến gỗ rừng trồng, phát triển du lịch, duy trì sản xuất nông nghiệp đưa các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, sau hơn hai năm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII vào cuộc sống, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế luôn đạt và vượt kế hoạch huyện giao hàng năm và Nghị quyết HĐND xã đề ra; kinh tế phát triển và bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi, khởi sắc, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên...”.

Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ chỉ đạo thực hiện đều vượt về diện tích và sản lượng theo kế hoạch; diện tích gieo cấy lúa năm 2023 đạt 310 ha, trong đó giống có năng suất, chất lượng cao chiếm trên 70% tổng diện tích; năng suất lúa bình quân hàng năm đạt 55 tạ/ha; sản lượng đạt 1.694,25 tấn.

Cùng với sản xuất cây lúa, nhân dân trong xã duy trì sản xuất cây ngô đông trên chân ruộng hai vụ lúa và thâm canh tăng vụ diện tích ngô soi bãi; diện tích trồng ngô hàng năm giao trồng đạt từ 85 ha trở lên, năng suất bình quân hàng năm đạt 32 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 của xã ước đạt 2.000 tấn, tăng 173,22 tấn so với đầu nhiệm kỳ.

Đối với ngành chăn nuôi, xã vận động nhân dân đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Năm 2023, tổng đàn gia súc chính đạt 6.750 con, tăng 1.036 con so với năm 2021. Trong đó, tổng đàn bò 580 con, tăng 34 con; tổng đàn trâu 792 con, tăng 142 con; đàn lợn 5.378 con, tăng 858 so với năm 2021.

Đặc biệt, chăn nuôi thủy sản được quan tâm, diện tích ao, đập được duy trì và mở rộng. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 của xã có 24,2 ha, trong đó diện tích ao, đập 24,2 ha với 30 lồng cá nuôi các loại; sản lượng khai thác thủy sản năm 2023 ước đạt 245 tấn, người dân trong xã có thu nhập từ ngành chăn nuôi hàng tỷ đồng.

Ông Lê Văn Tuấn ở thôn Ngòi Tu phấn khởi cho hay: "Gia đình tôi có 5 ha đất, đã trồng rừng kinh tế được 4,5 ha, trồng cây hàng năm 0,5 ha. Tận dụng diện tích đất sẵn có, năm 2015 và 2016, gia đình đầu tư trên 230 triệu đồng xây dựng chuồng nuôi bò, chuồng nuôi lợn, hầm bioga để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, gia đình có 6 con bò cái sinh sản, 10 con lợn nái, có 80 đến 100 con lợn thịt/lứa và 100 gà đẻ trứng, 200 con gà thương phẩm. Thu nhập của gia đình từ chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt 285 triệu đồng/năm, cộng với thu nhập từ trồng và các loại cây trồng khác được trên 90 triệu/năm. Đời sống của gia đình không chỉ được cải thiện nhiều so với trước mà còn tạo được công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 5 lao động trong gia đình...”.

Song song với phát triển nông nghiệp, xã khuyến khích các hộ gia đình khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương đầu tư sản xuất công nghiệp, du lịch cộng đồng. Hiện toàn xã có 2 công ty và 19 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, tăng 2 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2023 của xã ước đạt 210 tỷ đồng.

Hoạt động xây dựng phát triển khá, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 7 triệu đồng đến 9 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản xuất trong lĩnh vực xây dựng năm 2023 ước đạt 75 tỷ đồng. Toàn xã hiện có 16 cơ sở đăng ký hoạt động dịch vụ homestay kinh doanh dịch vụ thăm quan, lưu trú, ăn uống với các món ăn truyền thống mang đậm nét đặc trưng của dân tộc vùng hồ Thác Bà. Bình quân mỗi năm thu hút trên 5.000 lượt khách du lịch trong nước và khách quốc tế đến xã tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ dịch vụ du lịch bình quân đạt trên 5 tỷ đồng/năm. Kinh tế phát triển nhân dân tích cực tham gia vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Từ năm 2021 đến nay, xã đã bê tông hóa được 19,55 km đường bê tông, trong đó nhân dân đóng góp trên 7 tỷ đồng; làm mới 1 cầu thôn Ba Luồn trị giá 233 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 150 triệu đồng...

Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế nên đời sống nhân dân xã Vũ Linh được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã ước đạt 42 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,5% một năm. Qua đánh giá xếp loại hàng năm, Đảng bộ xã đều được Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình đánh giá, phân xếp loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Minh Hằng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/303839/dang-bo-vu-linh-tap-trung-lanh-dao-phat-trien-kinh-te.aspx