Dàn dựng trong sáng tác ảnh nghệ thuật

Nhà báo - Nhiếp ảnh gia tự do Nguyễn Kỳ Nam đã từng gắn bó với nhiếp ảnh từ 43 năm trước, bắt đầu viết báo từ năm 1993. 8 năm trở lại đây anh mới chuyên sâu chụp ảnh nghệ thuật. Hiều sâu về màu sắc, bố cục, ánh sáng, khoảnh khắc bấm máy bằng học hỏi từ các đàn anh đi trước trong nhiều năm kinh doanh ngành ảnh. Đi đến đâu anh cũng viết và ghi lại cảnh sắc tươi đẹp, thu vào ống kính những hình ảnh tươi đẹp của đất nước và con người, góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè khắp nơi. Quang Hồi mới nhận được bài viết của anh gửi, xin chia sẻ đến bạn đọc một góc nhìn mới để có những bức ảnh đẹp từ sự đột phá.

Phải thừa nhận những năm gần đây nhiếp ảnh Việt Nam nở rộ với việc ngày càng có nhiều người tham gia vào đội ngũ nhiếp ảnh, tác động thấy rõ từ sự phát triển kinh tế của đất nước, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu nâng cao chất lượng sống được chú trọng cùng với việc phát triển của côngnghệ số, của các mạng xã hội. Chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh trên tay người ta có thể ghi lại những hình ảnh sinh hoạt gia đình, những sự kiện xã hội, những chuyến du lịch…

Nhà báo - Nhiếp ảnh gia tự do Nguyễn Kỳ Nam

Trong sự phát triển chung đó, nhiều người bước vào cõi đam mê và trở thành những nhiếp ảnh gia (NAG) với diện mạo mới. Họ chụp cho bạn bè, người thân rồi bắt đầu đi học tại các trong tâm đào tạo nhiếp ảnh để có đủ kiến thức chụp ảnh nghệ thuật và khẳng định mình bằng việc đăng tải hình ảnh vào trang cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, tham gia các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế. Việt Nam được coi là một trong những cường quốc nhiếp ảnh nghệ thuật trên thế giới, khi mà hàng năm các nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đạt được hàng chục, thậm chí tới cả trăm giải thường ở các cuộc thi lớn nhỏ các loại trên trường quốc tế.

Những cảnh chụp được dàn dựng rất đẹp

Thế nhưng, nhìn vào thực tế nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là qua hoạt động sáng tác, các cuộc thi, triển lãm trong nước, có thể thấy có quá nhiều vấn đề cần khuyến cáo. Nhìn nhận từ các cuộc thi, triển lãm ảnh nhiều năm qua sẽ thấy rõ hình ảnh có nội dung, đề tài giống nhau, địa điểm, khung cảnh, bố cục giống nhau, thậm chí cái tên ảnh cũng na ná nhau. Cứ hễ thấy người trước chụp khung cảnh này đẹp là đua nhau tìm đến để chụp, dàn dựng sao cho giống người trước. Tại các cuộc thi nhiều ảnh dàn dựng được giải thưởng, có những ảnh được chấm chọn gây bất bình do sai lệch về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc, rồi gần đây nhiều ảnh bộ được đăng quang kéo theo nhiều NAG, NSNA tập trung chụp ảnh bộ hy vọng nhận được giải thưởng qua các cuộc thi.

Hai bé gái miền sơn cước

Để rồi các bức ảnh ra đời lặp đi lặp lại nhiều năm mà không có sự đột phá, sáng tạo, xa rời thực tế gây nhàm chán. Nhiếp ảnh Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên thế giới hay chỉ đang là tốp đầu của nhiếp ảnh phong trào. Những ngộ nhận từ danh hiệu, tước hiệu, những giải thưởng, những phong tặng của nước ngoài từ những tổ chức như: Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế FIAP, Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA)….Thực ra FIAP cũng chỉ là tổ chức “Nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên thế giới”, các cuộc thi do FIAP bảo trợ hướng về những vẻ đẹp chung chung, mang tính nhân văn nhưng không có tác động, ảnh hưởng nhiều đến xã hội...Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh mà tác giả Việt Nam dàn dựng công phu, đẹp về ánh sáng, bố cục, lạ mắt nhận được những giải thưởng lớn từ các cuộc thi quốc tế, có bức ảnh còn nhận được giải thưởng ở nhiều cuộc thi quốc tế khác nhau, vô tình định hướng sáng tác cho các nhà nhiếp ảnh Việt Nam từ đó việc chụp dàn dựng ngày càng nở rộ.

Chiều trên khúc sông quê

Dàn dựng (setup) không có những điều khoản cấm trong hoạt động nhiếp ảnh, để may mắn có được những khoảnh khắc thật của thiên nhiên, con người đúng như ý đồ sáng tác là hy hữu, việc đợi chờ để có tác phẩm của không gian và bối cảnh thật sẽ tốn nhiều chi phí và thời gian nên việc dàn dựng là không tránh khỏi đối với các NAG. Việc dàn dựng là điều không khuyến khích bởi những tiêu chí của nhiếp ảnh song vẫn được châm chước ở các cuộc thi trong nước và quốc tế.

Vấn đề cần bàn luận ở đây là dàn dựng sao cho đúng với văn hóa địa phương, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, quy trình sản xuất...Dẫu biết rằng mặc trang phục dân tộc đi gặt lúa sẽ đẹp hơn, xếp những đám hoa súng thành hình bông hoa hay hình bản đồ Việt Nam sẽ bắt mắt người xem, hay thả nón đăng trên dòng Hương Giang nơi cố đô Huế …và nhiều bức ảnh được lan tỏa trên các trang mạng xã hội khiến người xem đặt câu hỏi về tính chân thực, tính văn hóa và trách nhiệm của những người đang hoạt động văn hóa.

Sắc màu

Trong một sự kiện mới đây xảy ra tại Ba Chẽ, Quảng Ninh, một số anh chị em trong làng ảnh đến chụp tại đây, do không hiểu biết về văn hóa dân tộc đã vô tình dàn dựng một nghi lễ với mẫu mặc trang phục người Dao Thanh Y, làm lễ trước ban thờ của dân tộc Dao Thanh Phán, đồng thời sai phạm nghiêm trọng các quy định về tín ngưỡng khiến bà con dân tộc tại đây rất bất bình, hơn thế nữa bức ảnh lại được BGK “Liên hoan Ảnh Nghệ thuật đồng bằng Sông Hồng” chọn triển lãm. Nhiều tác phẩm ảnh đoạt giải thưởng, triển lãm những năm gần đây cho thấy các tác phẩm chụp được dàn dựng sai trang phục, bối cảnh, phong tục tập quán của đời sống thường ngày vẫn được tôn vinh, vô tình tạo hiệu ứng khích lệ sáng tác dàn dựng, dễ gây cho người xem hiểu sai lệch về bản sắc văn hóa dân tộc.

Liên quan đến nhiếp ảnh trong bài viết của Etienne, nhiếp ảnh gia Du lịch và Thương mại sống tại Hội An, miền Trung Việt Nam từ năm 2007. Anh là người sáng lập Hội An Photo Tour & Workshop cũng như Pics of Asia, một trong những công ty tổ chức tour chụp ảnh hàng đầu ở Châu Á. Với tựa đề bài viết trên trang: Petapixel.com “Dàn dựng hay không nên dàn dựng trong chụp ảnh du lịch” cuối bài viết ông kết luận: “Cuối cùng, bạn có thể dàn dựng các bức ảnh nếu muốn – nhưng hãy thành thật về điều đó. Nếu mục tiêu của bạn là giành chiến thắng trong các cuộc thi ảnh, hãy lưu ý rằng rất nhiều cuộc thi ngày nay không đáng tin cậy và sẽ chẳng đưa bạn đến đâu cả. (Tôi biết nhiều người đã giành chiến thắng trong các cuộc thi ảnh lớn và cuộc sống của họ vẫn không thay đổi nhờ điều đó!)

Khát vọng tuổi thơ

Một điều cuối cùng: Điều quan trọng là các nhiếp ảnh gia không rơi vào bẫy cạnh tranh ảnh/truyền thông xã hội. Tức là chụp ảnh những gì bạn mong đợi mọi người sẽ thích để giúp bạn được nhiều người biết đến hơn. Đây là sự kết thúc của nghệ thuật và sự khởi đầu của tiếp thị. Chụp để nổi tiếng chứ không phải chụp cho chính mình sẽ khiến bạn trở thành một nhiếp ảnh gia dễ đoán – chụp đi chụp lại những thứ giống nhau. Không còn chỗ để bày tỏ tiếng nói và ý kiến của bạn. Không có phong cách và độc đáo. Bạn có thể thắng một cuộc thi nhiếp ảnh một lần, nhưng bạn sẽ làm gì tiếp theo? Chụp điều tương tự? Dàn dựng hay không dàn dựng? Để chụp cho người khác hay cho chính mình? Đó là những câu hỏi lớn, gây ra rất nhiều tranh luận.”

Niềm vui cùng đồng nghiệp

Với tiêu chí: “Tuyên truyền, quảng bá, trao đổi các tác phẩm có giá trị đến với công chúng; Mở rộng giao lưu văn hóa ảnh, từng bước hội nhập với nghệ thuật nhiếp ảnh khu vực và thế giới, góp phần xây dựng và phát triển nền nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.”. Việc dàn dựng trong quá trình sáng tác ảnh nghệ thuật cần tuân thủ các nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật, đảm bảo tính chân thực trong nội dung, thẩm mỹ trong hình ảnh và bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc. Ban tổ chức các cuộc thi cần lựa chọn Ban giám khảo có đủ trình độ chuyên môn, có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm được chấmchọn cần thẩm định kỹ bằng các biện pháp nghiệp vụ, tránh xảy ra nhữngđiều tiếng sau mỗi cuộc thi và triển lãm ảnh.

Nguyễn Kỳ Nam

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dan-dung-trong-sang-tac-anh-nghe-thuat-a21899.html