Đàn bà, đẹp hay không đẹp cũng đi ăn quà

Ăn quà chắc chắn là phẩm chất đàn bà. Phần vì các bà ăn quà đã thành ca dao tục ngữ, phần nữa đàn ông mà lê la như thế hình như sẽ bị nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm. Tết với sự bận rộn của những trách nhiệm cũng khó làm các bà quên đi… bản năng gốc.

1.Tôi đã có những ngày thơ ấu đúng là “lê la” theo bà ngoại đi ăn quà mòn môi quanh khu chợ Đồng Xuân của Hà Nội. Không hiểu sao trong vô vàn thức quà, tôi lại nhớ nhất món mỳ vằn thắn của một hiệu Tàu trên phố Hàng Lược, cách nhà dăm bước chân. Tuổi ấu thơ tôi chưa biết đó là món ăn của người Quảng Đông, Trung Quốc, chỉ nhớ mình từng thích mê những viên trắng trắng gấp nếp dai dai mềm mềm, bọc nhân tôm giòn lịm. Có lẽ bởi đó là món ăn lạ, nhà không làm bao giờ. Lúc ấy cũng chưa biết, vào đến Sài Gòn thì món ăn này lại có tên là hoành thánh. Sau này, tôi nghe một người bạn am hiểu tiếng Hán nói rằng vằn thắn là cách đọc hai chữ Hán “vân thôn” theo tiếng Quảng Đông. Vân là mây. Thôn là nuốt. Vân thôn là nuốt mây vào bụng. Quả thật, bát mỳ vằn thắn trông đẹp như một đám mây. Có mây xanh là rau cải/lá hẹ, mây vàng là mỳ, mây tía là những lát thịt xá xíu, mây đỏ là những lát ớt… Dùng đôi đũa lùa cả đám mây vào miệng. Ừ nhỉ, cách so sánh làm miếng ăn nó như cũng thi vị hơn. Phố cổ Hà Nội có dăm quán mì vằn thắn có tiếng ở Đinh Liệt, Hàng Chiếu. Ngõ chợ Đồng Xuân cũng có hàng ngon… Cá nhân tôi ưng quán mì ở Đinh Liệt hơn. Bở lẽ, mì ở đây nước khi nào cũng nóng bỏng, ngọt thanh, vằn thắn luộc chín tới mềm và ngọt… Giá cũng mềm như nước dùng, ở thời điểm hiện tại vẫn là 35 nghìn đồng một bát đầy đặn. Giá đó được giữ nguyên nhiều năm và dĩ nhiên Tết cũng không thay đổi.

Phở - ở khu phố cổ có biết bao nhiêu là sự lựa chọn. Nửa đêm về sáng, bạn lên quán phở gánh ở đầu Hàng Chiếu, nói là gánh thì ai nấy hiểu là thực khách sẽ tự bê bát phở mà xì xụp nhưng giờ quán cũng có bàn ghế như thường. Quán phở gà Bình đen Nguyễn Siêu ngất nghểu hàng chục con gà luộc vàng óng căng mọng nhưng không nhanh thì 8 giờ sáng quán đã dừng phục vụ. Phở gà ngọt thanh, về dinh dưỡng thì lành hơn hẳn quân “thịt đỏ”. Ẩm thực có lẽ cũng giống như tình yêu, ai nói gì cũng có lý bởi đó là câu chuyện của gu. Nhưng phải thừa nhận là, mùi phở bò gây gây lan trong gió sớm hay gió đêm đều quyến rũ và có lẽ đọng lại trong nỗi nhớ vị giác át hẳn phở gà.

Nếu chỉ được chọn một hàng phở bò để mời bạn phương xa Tết này, tôi chắc chắn sẽ dẫn đến phở Thìn Bờ Hồ 61 Đinh Tiên Hoàng. Quán có lịch sử hàng chục năm và vẫn ở nguyên trong cái ngõ nhỏ này kể từ khi mở quán. Tôi đã từng nghe nhiều bạn bè thuộc lớp tuổi U60, U70 than thở giờ kiếm được hàng ăn ngon, đúng vị ngày xưa thật không hề dễ, nếu không nói là không còn nữa. Điều này không đúng với phở Thìn Bờ Hồ. Mặc dù đã qua ba đời kế tục nhưng phở Thìn vẫn giữ hương vị truyền thống. Đích thị đây là địa chỉ dành cho những người con xa xứ muốn tìm lại sự thân thuộc thuở nào.

2.Hà Nội, mà chỉ riêng khu phố cổ cho đến hôm nay vẫn còn hàng chục con phố mang tên những món ăn: Chả cá, Hàng Bún, Hàng Đậu, Hàng Khoai, Hàng Gà, Hàng Rươi, Hàng Đường, Hàng Muối, Hàng Mắm, Hàng Cá, Hàng Hành… Người biết thì hiểu là không phải tên gì - món ấy nhưng rõ ràng là có những hàng phố được nhớ tới bởi một món ăn ngon hoặc là một tụ điểm ẩm thực tưng bừng. Chẳng hạn, người sành ăn ai mà chả biết phố Hàng Khoai nhìn thì giống như một cái ngõ nhỏ nhưng luôn tấp nập thực khách vào ra. Bún ốc ở đây khá ngon, nấu theo kiểu truyền thống, với chai dấm bỗng đặt sẵn trên bàn, ai ăn chua hơn cứ việc tra tùy thích. Chả rươi là món đặc sản của con phố này. 25 nghìn đồng một miếng to bằng bàn tay con gái, được cô chủ cắt ra khi đang còn nóng, chấm tương ớt, ăn kèm với rau thơm. Cô chủ kể, có bà như “ăn dở”, đặt rán riêng một mẻ toàn rươi, nghĩa là không có trộn thịt, trứng… mà chỉ có vỏ quít thái nhỏ. Một miếng chả rươi như thế có giá gấp 5 lần một miếng chả bình thường. Thực đơn không phong phú như ngõ chợ Đồng Xuân- nổi tiếng hơn trên bản đồ ẩm thực- nhưng ngồi ăn ở phố Hàng Khoai cảm giác thoáng đãng, dễ chịu hơn nhiều. Tôi đặc biệt thích không khí Kẻ Chợ ở những con phố nhỏ loanh quanh như thể bàn cờ này, lúc nào cũng nhộn nhịp tinh thần của một Hà Nội không hề thong thả nhưng cũng chả quá gấp gáp, kể cả là áp Tết. Còn nếu quành đến ngõ chợ Đồng Xuân, có mấy địa chỉ bạn nên ghé đó là bánh tôm vàng rộm ngay đầu ngõ, phở tíu chua chua ngọt ngọt lạ miệng ở giữa ngõ, sâu hơn chút nữa là hàng bún ốc huyền thoại- được đánh giá ngon nhất Hà Nội chỉ duy nhất điểm trừ là luôn vòng trong vòng ngoài những người chờ được ăn.

Loanh quanh phố cổ, bạn đã từng ăn bún cá 35 Tạ Hiện chưa? Cô hàng chăng hẳn tấm biển đỏ: Bán hàng không nghỉ tết, nghe ngút ngàn tinh thần phục vụ. Cái đặc biệt của bát bún cá chính là một miếng giòn tan, sậm sựt khoái thần khẩu vô cùng. Nhẩn nha hỏi thì cũng biết đó là xương cá xay ra, pha với chút thịt nạc vai, thịt cá rô phi, xong rán giòn lên. Thứ bonus này biến bát bún cá vốn phổ biến khắp phố phường Hà Nội trở thành đặc sản ở đây. Sáng đầu năm, ngồi giữa lòng con phố vắng lặng mà xì xụp cùng bạn hiền bát bún cá với nước dùng chua chua dìu dịu, lại rất nhiều rau cần rau cải kèm theo chắc chắn là một gợi ý đổi món không tệ.

Hoặc giả, bún lưỡi phố Chân Cầm, khá đặc biệt mà lại bán xuyên Tết. Bún lưỡi Chân Cầm dĩ nhiên cũng là quán vỉa hè, nằm dưới tán cây đa to. Bún là loại bún thửa riêng, sợi to. Lưỡi làm tinh tươm, luộc chín tới, thái đủ độ không dày không mỏng. Nước dùng ngọt lịm mà thanh, thoảng vị chua của mẻ hay bỗng gì đó. Bát bún nhìn màu sắc như một bức tranh với những dải dọc mùng bóp muối kỹ, ướp nghệ vàng hươm, phụ họa với những lát cà chua còn nguyên miếng nhưng động vào là biết đã được om chín nhừ, mấy cọng hành trần sơ , trắng xanh ẩn hiện trong nước dùng óng ánh. Đây cũng là một món ngon, lạ miệng, tuy không được nhớ đến nhiều như bún riêu bún ốc trong mấy ngày Tết.

Thức quà “nhập cảnh” vào Hà Nội đầu thế kỷ trước nhưng giờ đã trở thành thương hiệu nhận diện của ẩm thực Hà Nội, là cà phê trứng. Trước Tết, các quán cà phê cũng chả vắng, trong Tết thì lại càng đông, bởi sự thong dong xem ra vô cùng phù hợp với không khí nhâm nhi nhấm nháp bên tách cà phê thơm lựng, ấm áp.

TRÀ THU

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-ba-dep-hay-khong-dep-cung-di-an-qua-5707862.html