Đắm mình vào trang sách

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ thì ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm về với sách giấy như một cách khám phá thế giới nội tâm, khai phóng tư duy, phát triển bản thân theo chiều sâu

Đổng Phước Tài Khoa (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM) rất hay đọc sách giấy. Nhờ vậy, anh giữ cân bằng tốt và giảm sự kiểm soát của hàng tá thiết bị điện tử, mạng xã hội hằng ngày.

Đọc để hiểu mình

Với Tài Khoa, đọc sách giấy trong những khung giờ nhất định cũng là một cách tập cho mình thêm kỷ luật trong cuộc sống, rèn luyện sự tập trung. "Từ Đà Lạt lên thành phố học tập, không gian ban công của căn trọ nhỏ đã trở thành nơi đọc sách lý tưởng mỗi ngày của tôi. Hoàng hôn là thời điểm tôi được nuôi dưỡng cảm xúc, lắng đọng với những dòng chữ, nhìn ra bầu trời và mường tượng bao điều thú vị" - Khoa kể.

Khoa quen dành sự ưu tiên cho sách giấy hơn sách điện tử, kề bên anh luôn có bút dạ, bút chì, bút mực và giấy. Hiện nay, nhiều cuốn sách còn có thiết kế hữu dụng với các trang trống, tạo thuận lợi cho người đọc dễ ghi chú, tóm tắt ý chính, chia sẻ suy nghĩ về ấn phẩm.

Trần Hằng vẫn hào hứng với các ứng dụng công nghệ, với thế giới số nhưng chúng không thể thay được hoàn toàn thế giới trong trang sách

Nguyễn Hoàng Bích Hà (21 tuổi, quê Đồng Nai) hình thành đam mê sách từ thời tiểu học khi được anh trai tặng một thùng sách để đọc dịp hè. Bích Hà đã duy trì việc đọc rất thường xuyên cho đến nay.

Những năm gần đây, các sự kiện hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các hội chợ sách, phiên chợ sách… được tổ chức hết sức sôi nổi, thu hút nhiều bạn trẻ và Bích Hà cũng không ngoại lệ. Hà không ngại dành ra 500.000-600.000 đồng mỗi lần mua sách với quan niệm đó cũng là một hình thức đầu tư cho bản thân: làm giàu trí tuệ và tâm hồn. Từng có giai đoạn cô bị "nghiện" điện thoại di động nhưng rồi Hà đã cố gắng điều chỉnh.

Với cô thì những nội dung, video ngắn mang tính trào lưu trên mạng có thể mang đến thông tin nhanh chóng, đủ mọi đề tài nhưng khó có thể cung cấp kiến thức nền tảng, kích thích sự phát triển não bộ và khả năng phân tích, suy luận vấn đề một cách thấu đáo. Vì vậy, sách giấy vẫn giữ được vị trí "chân ái" trong lòng cô. Đôi khi vì bận rộn nên tần suất đọc hằng tuần có giảm đi nhưng Hà quyết tâm không đánh mất sở thích từ bé với trang sách.

Đọc để kết nối

Đáng chú ý, chính xu hướng truyền thông trên mạng xã hội của giới trẻ góp phần đáng kể thúc đẩy họ hạn chế thiết bị điện tử, các hình thức giải trí kỹ thuật số và tìm đến sách in truyền thống. Hasgtag #BookTok trên TikTok rất phổ biến và ai nấy dễ dàng tìm kiếm được hàng triệu nội dung chia sẻ về sách, cách độc giả thưởng thức, hấp thu ấn phẩm yêu thích.

Tài Khoa (trái) và Bích Hà nhận thấy việc đọc sách giấy hỗ trợ họ nâng cao khả năng ghi nhớ, tăng tính tập trung và hiệu suất đọc

Trần Hằng (24 tuổi, quê ở Gia Lai) được truyền cảm hứng cho việc sáng tạo nội dung trên kênh Instagram bắt nguồn một phần từ chuyện chăm đọc sách. Hằng thích thú với hành trình phiêu lưu trong đời sống tinh thần của riêng mình thông qua những thời gian chất lượng dành để đọc.

Theo thống kê năm 2023 của Cục Xuất bản thì sức đọc của người Việt đã tăng lên được 6 cuốn/người/năm. Con số này còn khiêm tốn so với nhiều quốc gia trong khu vực... Song nó phản ảnh sự chuyển biến tích cực - sức đọc tăng dần so với 10 năm trước chưa tới 1 cuốn/người/năm.

Đó là thành quả của một quá trình dài, kiên trì từ nhiều thành phần: chủ trương đúng đắn Nhà nước; sự năng động sáng tạo của các tổ chức, đoàn thể, đơn vị xuất bản; các hoạt động khuyến đọc bền bỉ của nhiều cá nhân mà giới trẻ là lực lượng quan trọng.

Cô bộc bạch: "Tôi yêu cảm giác cầm cuốn sách có hương thơm giấy mới thoang thoảng, những trang giấy trắng ngà dịu mắt. Bên cạnh việc mang lại hiểu biết thì sách còn làm cho cuộc sống thêm phong phú ý nghĩa".

Theo Hằng, mỗi người đến với trang sách theo cách khác nhau: như thói quen đầy tính kỷ luật hay một giải pháp chữa lành tâm hồn, nhẹ nhàng, thư giãn. Hằng có nhiều chiêm nghiệm ấn tượng và cũng chăm chút, trân trọng chia sẻ cho những bạn trẻ khác trên mạng như cách giúp họ chăm sóc tâm hồn, truyền năng lượng tích cực cho nhau. Với Bích Hà, nhờ hăng hái thảo luận, tham gia các câu lạc bộ sách mà bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ, kết nối, mở rộng mối quan hệ xã hội. Hà hay tìm đọc sách chủ đề về ngành y.

Tài Khoa thì cho rằng nên đọc nhiều nhận biết những điều đúng đắn, giữ chính kiến, biết đối chiếu với thực tế khách quan để phát triển tư duy phản biện chứ không chỉ đọc máy móc, thiên kiến, đọc cho có. "Cùng một chủ đề, mỗi tác giả có trải nghiệm và góc nhìn khác nhau, người trẻ hãy giữ tâm thế cởi mở, để tiếp cận cuộc sống và mọi vấn đề một cách đa chiều, tinh tế hơn".

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thùy Liên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dam-minh-vao-trang-sach-19624031620545898.htm