Đâm chết tình địch có được giảm tội không?

Theo quan điểm của luật sư Hoàng, cần nên xem tình tiết vụ án để giảm tội danh cho những đối tượng gây án mạng vì mâu thuẫn tình ái.

Trong thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ án mạng thương tâm mà nguyên nhân chính xuất phát từ mâu thuẫn tình ái. Vụ án gần đây nhất là vụ án khiến 2 người thương vong xảy ra vào khoảng 21h ngày 20/10, tại gia đình chị Nông Thị L. (SN 1984, trú tại Thanh Triệu, Phú Cường, Ba Vì, Hà Nội).

Theo đó, vào thời điểm trên, Hà Xuân H. (SN 1975, chồng của L.) đang làm ăn bên Trung Quốc đã bất ngờ trở về nhà thăm vợ. Tuy nhiên, khi về đến nơi thì phát hiện chị H. cùng ông Đỗ Tất T. (SN 1970) đang nằm trên giường ngủ.

Do không kiềm chế được cơn ghen, người chồng đã dùng dao chém trọng thương ông T. ngay tại giường ngủ. Người vợ cũng bị chồng mình chém trúng vào tay nhưng đã chạy thoát ra khỏi hiện trường và chạy xuống UBND xã để kêu cứu. Còn kẻ thủ ác đã bỏ trốn khỏi địa bàn cùng hung khí.

Về mặt pháp lý, khi đã gây án hoặc thương tích thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, xét một góc độ khác có thể thấy họ là nạn nhân, người bị hại trong những cuộc tình, hôn nhân đổ vỡ.

Các đối tượng cũng có thể là nạn nhân của các cuộc tình đổ vỡ. (Ảnh minh họa)

Các đối tượng bị kết án hầu hết là do không kiềm chế được bản thân khi phát hiện vợ/chồng mình có mối quan hệ bất chính với người lạ. Việc giảm nhẹ tình tiết cho những đối tượng này là điều đang được quan tâm khi chính những người gây án cũng không muốn nhận những kết cục đáng buồn này.

Liên quan đến vấn đề này Luật sư Trần Sỹ Hoàng - Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý cũng nhận định cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi giết người, nhưng cũng cần xem các tình tiết trong vụ án để xét giảm tội cho bị cáo.

Trong trường hợp đối tượng bị kết án tù vì tội giết người (cụ thể là giết người gian díu với vợ/chồng đối tượng) thì sẽ bị kết án như thế nào?

Trong trường hợp Cơ quan điều tra chứng minh được nạn nhân có quan hệ bất chính với vợ hung thủ thì hung thủ sẽ bị khởi tố theo quy định tại khoản 2 điều 93 Bộ luật hình sự. Khoản 2 của Điều luật này có khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù.

Các tình tiết xét nào sẽ được ưu tiên giảm nhẹ tội danh?

Khi xét xử tội danh cho đối tượng, Tòa án có thể xem xét đến một số tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 và điều 51 Bộ luật hình sự 2015 như: Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra.

Ngoài ra, tòa án căn cứ vào tình hình thực tế để có thể áp dụng một trong các tình tiết giảm nhẹ sau: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng...

Khi người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trên đây thì tòa án có thể xét xử người phạm tội mức án dưới mức thấp nhất của khoản 2 Điều 93 (thấp hơn 7 năm tù).

Trong trường hợp đối hung thủ bị tấn công trước nhưng không may gây nên án mạng thì có được xem là tình tiết giảm nhẹ hay không?

Nếu hung thủ bị nạn nhân tấn công trước thì tùy từng trường hợp cụ thể thì nạn nhân có thể bị xử lý về một trong các tội danh: giết người; giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh... hoặc hung thủ không phạm tội gì trong trường hợp họ phòng vệ chính đáng.

Hải Đăng

Clip đang được xem nhiều:

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/tinh-huong-phap-luat/dam-chet-tinh-dich-co-duoc-giam-toi-khong-a167158.html