Đảm bảo việc học tập cho trẻ em Việt kiều từ Campuchia về Việt Nam

Ngày 4-10, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, vừa có văn bản giao Sở giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương liên quan thực hiện đảm bảo việc học tập cho trẻ em Việt kiều di cư từ Campuchia về Việt Nam.

Theo đó, yêu cầu thống kê số trẻ em trong độ tuổi đi học là con em của người di dân tự do từ Campuchia về nước, lập kế hoạch vận động và tiếp nhận hết số trẻ em này đến trường đi học.

Tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phổ cập giáo dục; khảo sát trình độ và xếp lớp cho các em phù hợp với trình độ; có giải pháp hỗ trợ về tiếng Việt cho các em chưa sử dụng thành thạo tiếng Việt.

Sắp xếp, bố trí cho trẻ em trên 15 tuổi và người lớn chưa biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ hoặc bổ túc văn hóa. Hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ để các em được sớm nhập học. Tổng hợp số liệu, báo cáo tình hình thực hiện các nội dung trên và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao các đơn vị cập nhật và nắm vững số lượng nhân khẩu, có giải pháp giải quyết vấn đề hộ khẩu, hộ tịch đối với bà con từ Campuchia trở về Việt Nam. Tổ chức vận động các gia đình tạo điều kiện để con em được đến trường.

Đảm bảo đủ phòng học, lớp học, bàn ghế và huy động, kết nối nguồn lực từ cá nhân, tổ chức hỗ trợ sách vở, quần áo, dụng cụ, chi phí học tập... để các em có điều kiện đến trường.

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các văn bản nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để bà con từ Campuchia trở về Việt Nam được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Trong phạm vi thẩm quyền và căn cứ nguồn kinh phí của địa phương, có chính sách hỗ trợ tạm thời về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh là con em của người di dân tự do từ Campuchia về nước tối thiểu theo các mức quy định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập năm học 2015-2016 đến năm 2020-2021, để gia đình các em yên tâm tạo điều kiện cho con em đi học, không phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn về kinh tế.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước cho biết,có 78 trẻ em Việt kiều di cư từ Campuchia về tỉnh được hỗ trợ đến trường trong năm học mới vừa qua.

Trong đó, có 16 em độ tuổi từ 6 đến 14, đã sinh sống nhiều năm tại khu vực xung quanh chân cầu Sài Gòn thuộc xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản lần đầu tiên đã được sắp xếp học tại Trường Tiểu học Minh Tâm và điểm trường định canh định cư (thuộc Trường Tiểu học Minh Tâm) để tiện đến lớp.

Ngoài ra, năm học 2016 – 2017 này, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục hỗ trợ toàn bộ chi phí cho 62 em học sinh là Việt kiều di cư từ Campuchia, trong đó 25 thuộc xã Đức Hạnh, 30 em thuộc xã Phước Minh (huyện Bù Gia Mập) và 7 em thuộc huyện Lộc Ninh đi học.

Thời gian qua, các em học sinh này đã được hỗ trợ học tại các lớp phổ cấp xóa mù chữ do các địa phương mở và tại các trường thuộc các xã biên giới của hai huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh.

Các trẻ em sinh sống khu vực xung quanh chân cầu Sài Gòn thuộc xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước nhiều năm qua lần đầu tiên được đến trường đầu năm học vừa qua - ảnh: Đức Trí

Liên quan đến vấn đề, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề Việt kiều từ Campuchia về nước, sống rải rác ở các huyện biên giới tỉnh Bình Phước tiếp giáp Campuchia. Các hộ Việt kiều đều là những người không có giấy tờ, không tài sản, đều có hoàn cảnh nghèo khó.

Đáng chú ý đa phần người lớn mù chữ, còn trẻ em chủ yếu được sinh ra tại Campuchia, sau đó theo cha mẹ về Việt Nam nên không có giấy khai sinh, không được đến trường đi học. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp phối hợp với địa phương để có giải pháp cụ thể hỗ trợ các hộ Việt kiều này, nhất là tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường.

Đức Trí

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/dam-bao-viec-hoc-tap-cho-tre-em-viet-kieu-tu-campuchia-ve-viet-nam-411062/