Đảm bảo lương hưu của lực lượng vũ trang

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm bắt buộc; có chính sách khuyến khích đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH; điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018; điều chỉnh cách tính lương hưu, trợ cấp một lần… là những nội dung được các đại biểu thảo luận ngày 23/10.

1. Đóng bảo hiểm bắt buộc với lao động hợp đồng từ 1-3 tháng

“Loại hợp đồng lao động dưới 3 tháng nếu xác lập bằng lời nói thật khó khả thi, mà phải hợp đồng bằng văn bản. Việc người lao động chưa nộp tiền bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người sử dụng lao động chứ không phải lỗi ở người lao động. Đề nghị xử lý trách nhiệm của những người sử dụng lao động loại này…”, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Ninh Thuận) nói về những kẽ hở mà người sử dụng lao động “lách luật” khi sử dụng lao động ngắn hạn.

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều đại biểu nhất trí người lao động có hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng đều phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc bổ sung đối tượng này vào nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc nhằm mở rộng diện an sinh xã hội. Có ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này do công tác quản lý đối tượng phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý lao động còn hạn chế. Cũng có ý kiến không đồng tình khi lao động hợp đồng từ 1-3 tháng phải đóng bảo hiểm bắt buộc, như vậy là không khả thi mà phải hợp đồng lao động trên 3 tháng. Nhiều cơ quan “lách luật”, cứ làm hợp đồng 3 tháng sau đó lại hợp đồng tiếp, như vậy là không được…

2. Bảo hiểm bắt buộc cho cán bộ không chuyên trách cấp xã

“Nên bổ sung người hoạt động cấp xã không chuyên trách, vì đội ngũ này không có thời gian hoạt động cố định mà theo công việc, có khi làm việc cả ngày, cả tối… Họ rất tích cực. Hiện nay nhiều cán bộ không chuyên trách làm việc lâu dài nhưng đến khi nghỉ thì không có lương hưu. Đóng bảo hiểm cho cán bộ không chuyên trách cấp xã phải hợp lý, có gì lợi cho người dân thì nên làm. Cán bộ không chuyên trách cấp xã tham gia bảo hiểm bắt buộc là cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị.

Nhiều đại biểu tán thành với quan điểm này, đề nghị quy định BHXH bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Các đại biểu cho rằng, cần quan tâm đến việc người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, hiện đang hưởng phụ cấp theo công việc được tham gia BHXH. Dự thảo luật đã quy định chính sách liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện sẽ tạo điều kiện để nhóm này có thể tham gia BHXH liên tục, đảm bảo an sinh khi không còn tuổi lao động (trừ những người đang hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng).

3. Không làm giảm lương hưu của lực lượng vũ trang

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng bảo hiểm là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động. Việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng (điều 56). Một số ý kiến cho rằng, điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam (theo lộ trình từ 2018 đến năm 2022). Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành để không làm giảm lương hưu của khu vực cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, tạo khoảng chênh lệch lớn về lương hưu giữa các thời kỳ. “Cần cân nhắc tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu cho công chức lực lượng vũ trang (điều 62). Cách tính 10 năm cuối của lực lượng vũ trang là sẽ giảm rất lớn. Giảm từ 22-23% (Vì 7 năm là hạ sĩ quan, học viên…) chỉ đủ tiêu vặt, nên khi tính lương hưu tiền lương của họ giảm, ảnh hưởng tới đời sống của công chức lực lượng vũ trang, ảnh hưởng tâm tư tình cảm cán bộ, chiến sĩ. Để đảm bảo mức tính bình quân, lương hưu của lực lượng vũ trang là tính 20 năm cuối”, đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) đề nghị

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/thoisu/2014/10/248097.cand