Đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Luật thuế XNK

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và hướng dẫn thủ tục quản lý thuế đối với các trường hợp miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu cải cách thể chế, đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, việc triển khai thực hiện các Nghị định quy định chi tiết Luật thuế XNK trong thời gian qua đã đạt được kết quả theo đúng yêu cầu đề ra khi ban hành Nghị định: Đảm bảo chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng được yêu cầu về bảo hộ có chọn lọc, có thời hạn, có điều kiện một cách hợp lý, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm lợi ích quốc gia…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các Nghị định hiện hành, một số nội dung theo đề nghị của cơ quan hải quan và doanh nghiệp cần được hướng dẫn rõ hơn các quy định của Luật thuế XNK như về người nộp thuế, miễn thuế, hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, thuế nhập khẩu để đảm bảo phù hợp với thực tế phát sinh trong thời gian gần đây.

Cụ thể, về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế: Cần bổ sung quy định để làm rõ hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ và thương nhân thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối hàng hóa thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.

Về miễn thuế cần có quy định cụ thể để đảm bảo tính minh bạch về trị giá tính thuế tối thiểu; danh mục miễn thuế, định mức miễn thuế, điều kiện miễn thuế đối với hàng hóa miễn thuế theo định mức và điều kiện; các trường hợp miễn thuế khác như hàng hóa miễn thuế theo điều ước quốc tế, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để gia công, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Đồng thời, quy định cụ thể về trách nhiệm hướng dẫn thi hành của các Bộ chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu miễn thuế.

Về hoàn thuế, cần bổ sung quy định chi tiết về điều kiện hoàn thuế để đảm bảo phù hợp với mục tiêu quản lý từng thời kỳ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và hướng dẫn thủ tục quản lý thuế đối với các trường hợp miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu cải cách thể chế; đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Luật thuế XNK, từ đó tạo thuận lợi hóa thương mại, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia.

Bộ Tài chính đề xuất dự thảo Nghị định gồm 3 chương, 43 điều. Trong đó, Bộ đề xuất các quy định cụ thể về miễn thuế với các trường hợp miễn thuế, quy định về bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế phải nộp, hồ sơ, thủ tục miễn thuế. Bên cạnh đó, Bộ đề xuất quy định cụ thể các trường hợp giảm thuế, hồ sơ giảm thuế, trình tự, thủ tục, thẩm quyền giảm thuế; các trường hợp hoàn thuế và điều kiện hoàn thuế, hồ sơ, thủ tục nộp, tiếp nhận và xử lý hồ sơ xét hoàn thuế…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/dam-bao-co-so-phap-ly-trien-khai-thuc-hien-luat-thue-xnk/253427.vgp