Đảm bảo an toàn tại các bến khách ngang sông

Hiện nay đang bước vào mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy là rất lớn, nhất là tại các bến khách ngang sông vốn đang còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý cũng như công tác đảm bảo TTATGT. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn tại các bến khách ngang sông là nhiệm vụ trọng tâm đang được các cơ quan chức năng quan tâm, triển khai thực hiện.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra điều kiện hoạt động tại Bến đò Càn Thượng (xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn).

Bến khách ngang sông và những tồn tại, bất cập

Thời gian qua, các cấp, ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, đặc biệt là hoạt động của các bến khách ngang sông cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại bằng đường thủy của nhân dân, cũng như giao lưu phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng, đảm bảo thông suốt, an toàn, không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng nào trên đường thủy. Tuy nhiên, hoạt động của các bến khách ngang sông hiện nay cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, cần được quan tâm.

Có mặt tại một số bến khách ngang sông trên địa bàn những ngày giữa tháng 7, chúng tôi nhận thấy, tình trạng một số bến khách ngang sông chở quá vạch mớn nước quy định; khách tham gia giao thông chưa chấp hành nghiêm quy định mặc áo phao; biển báo bến không đúng quy định; không có bảng nội quy, niêm yết giá vé, nhà chờ... vẫn diễn ra phổ biến.

Đặc biệt trên tuyến sông Đáy còn có 11 bến mặc dù đủ điều kiện về phương tiện và người lái để chở ô tô nhưng chưa đủ điều kiện về bến vẫn thường xuyên chở ô tô trái phép, như: bến Hào Phú; Đò Thông; Đò Xanh; Đào Khê; Bà Quăn; Tam Tòa; Đò Mười; Kim Hải; Quang Thiện; Đồng Hướng; Đò Bốn Thước.

Cá biệt, tại một số bến đò còn sử dụng động cơ điện tự chế để chạy đò như các bến đò trên sông Càn (xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn), tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn về điện cho người dân đi đò.

Bên cạnh đó, nhiều bến hoạt động có giấy phép nhưng đã hết hiệu lực từ lâu, như Bến đò Kim Hải (huyện Kim Sơn), giấy phép hoạt động bến hết hạn từ tháng 12/2018, đến nay chưa làm thủ tục cấp lại nhưng vẫn hoạt động trở khách. Các bến Càn Thượng, Càn Trung, Càn Hạ (xã Kim Mỹ) và còn một số bến khác cũng chung tình trạng tương tự.

Trao đổi vấn đề này, ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Kim Hải (Kim Sơn) cho biết: xã không biết việc các bến đã hết thời hạn cấp phép, vì không phải thẩm quyền kiểm tra của xã do vậy không có căn cứ để xử lý vi phạm.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết các bến đò trên địa bàn tỉnh đều có từ lâu đời. Hiện tại, chủ các bến chở khách ngang sông thực hiện bằng hình thức giao khoán thầu với UBND xã trong thời gian từ 1 - 5 năm và phải tự cải tạo, hoàn thiện các điều kiện về bến, phương tiện để hoạt động.

Quá trình hoạt động, các chủ bến không phải muốn chây ỳ không làm thủ tục xin cấp phép hoạt động bến, mà do gặp phải những khó khăn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, nhất là vấn đề liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phù hợp với quy hoạch về khai khác kinh doanh bến chở khách.

Ông Lương Huy Tưởng, chủ bến đò Kim Hải cho biết: ông đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan chức năng để được hướng dẫn làm thủ tục cấp phép hoạt động bến, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Về vấn đề này, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết: Việc cấp giấy phép mở bến trước đây do UBND cấp huyện cấp cho các chủ bến. Nhưng sau khi Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 thì thẩm quyền cấp Giấy phép mở bến do Sở Giao thông vận tải cấp.

Hiện nay, Sở GTVT mới cấp phép hoạt động tạm thời để chở khách và phương tiện mô tô cho 20/25 bến. Nguyên nhân các bến chưa đủ điều kiện hoạt động chủ yếu là do ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT đường thủy nội địa của các chủ bến chưa cao.

Bên cạnh đó, do hầu hết các bến khách nằm trong Quy hoạch điều chỉnh chi tiết phát triển hệ thống giao thông bến thủy nội địa của tỉnh, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1798/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 chưa có trong Quy hoạch đất đai của tỉnh, Kế hoạch sử dụng đất hàng năm, nên trong quá trình làm thủ tục xây dựng bến còn gặp các khó khăn như: chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai; nhiều bến nằm trong hành lang bảo vệ đê và các công trình trên đê nên chưa được các cơ quan quản lý chấp thuận.

Trong khi đó, hiệu quả đầu tư xây dựng bến thấp, không ổn định lâu dài, nên tạo tâm lý không yên tâm cho chủ bến khi quyết định đầu tư. Công tác quản lý nhà nước chưa được phân công, phân cấp rõ ràng nên chính quyền cấp xã chưa quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, công tác kiểm tra xử lý vi phạm không được thường xuyên, xử lý chưa triệt để, thiếu sự phối hợp nên chưa đạt hiệu quả.

Bến đò Kim Hải (Kim Sơn) chưa được cấp phép nhưng vẫn chở ô tô.

Quan tâm, tháo gỡ "nút thắt" để các bến khách ngang sông hoạt động đúng luật

Trước những nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT tại các bến khách ngang sông, các cơ quan chức năng của tỉnh đã quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp khắc phục cũng như giúp tháo gỡ khó khăn cho các chủ bến đò.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 bến khách ngang sông với 28 phương tiện, trong đó, hoạt động vận chuyển khách ngang sông cơ bản tập trung trên tuyến sông Đáy giao thương với tỉnh Nam Định.

Qua rà soát và nắm bắt được những tồn tại, bất cập trong công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa tại bến khách ngang sông, thời gian qua các cấp, các ngành mà lực lượng nòng cốt là ngành Giao thông Vận tải và Công an đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 08/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2021.

Đồng thời, nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, nên ý thức chấp hành của các chủ bến, người lái phương tiện và hành khách được nâng lên.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra hoạt động của các bến được lực lượng liên ngành của tỉnh thường xuyên duy trì, nhất là vào mùa bão, lũ và các dịp lễ, Tết.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải phối hợp Cục cảnh sát Giao thông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở chủ bến và người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy; yêu cầu ký cam kết vận chuyển an toàn, đồng thời xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.

Cuối tháng 7 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã đi kiểm tra hoạt động của các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh, xử phạt hành chính 1 bến khách ngang sông vi phạm khai thác bến thủy nội địa quá thời hạn cho phép, phạt tiền 2,5 triệu đồng; nhắc nhở một số trường hợp lái đò chưa có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn và các bến vi phạm hoạt động khai thác.

Đồng thời, hướng dẫn và yêu cầu các chủ bến, chủ phương tiện khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hoạt động đúng luật.

Để các bến khách ngang sông đi vào hoạt động ổn định lâu dài, đảm bảo ATGT trên đường thủy và cũng để tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, Sở Giao thông Vận tải vừa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tăng cường hướng dẫn các chủ quản lý và sử dụng bến khách ngang sông trong việc lập dự án đầu tư xây dựng, thực hiện các quy định pháp luật chuyên ngành trong việc xây dựng, quản lý và vận hành bến khách ngang sông (giao đất, cho thuê đất, quy định bảo vệ môi trường, thỏa thuận vị trí xây dựng bến, cấp giấy phép thi công các công trình liên quan tới đê...). Trong đó, trước mắt tháo gỡ, tạo điều kiện để các bến có vị trí thuận lợi nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ đê lập dự án.

Bên cạnh đó, chủ động hướng dẫn UBND các huyện rà soát các bến khách ngang sông để đưa vào quy hoạch sử dụng đất đai làm cơ sở để thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành.

Phân cấp cho UBND cấp huyện có thẩm quyền thỏa thuận xây dựng bến khách ngang sông theo quy định tại khoản 2, điều 64, Nghị định 08/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết: Sở tiếp tục giao lực lượng chức năng trực thuộc phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các điều kiện đảm bảo an toàn của các bến khách, phương tiện, người lái, vận tải tại các bến khách ngang sông; đồng thời vận động và hướng dẫn các chủ bến đã có phương tiện được phép chở ô tô tiến hành xây dựng bến, quy trình vận hành khai thác bến sử dụng phà một lưỡi chở ô tô để được cấp phép hoạt động bến được phép chở ô tô theo quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BGTVT.

Hiện nay, do diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19, Sở đang phối hợp với lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch kiểm tra chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch tại các bến khách ngang sông, nhằm ngăn chặn tối đa các nguy cơ lây nhiễm vào địa bàn tỉnh.

Kiều Ân - Đức Lam

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-an-toan-tai-cac-ben-khach-ngang-song/d202108130853327.htm