Đakrông tập trung sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp

Đakrông là huyện miền núi có gần 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), địa bàn rộng, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn và có nhiều khu dân cư ở xa trung tâm xã, huyện. Để đảm bảo cho công tác dạy và học tốt hơn, thời gian qua, huyện tập trung quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp phù hợp với nhu cầu học tập và điều kiện tự nhiên, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương.

Sau sắp xếp trường, lớp học, chất lượng giáo dục đại trà ở huyện Đakrông có những chuyển biến tích cực - Ảnh: N.T

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã; thôn, bản, khu phố; cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, UBND huyện đã giao Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham mưu tổ chức lại bộ máy các đơn vị sau sáp nhập; điều động bổ nhiệm cán bộ quản lý, bố trí giáo viên và nhân viên dôi dư do sáp nhập.

Chủ trì, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan xây dựng, thẩm định đề án sáp nhập các trường theo kế hoạch đã đề ra và trình UBND huyện phê duyệt, ban hành quyết định thành lập trường. Xây dựng kế hoạch triển tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển GD&ĐT trên địa bàn huyện và các giải pháp điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi công tác quy hoạch.

Hằng năm, chỉ đạo các đơn vị giáo dục trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các điểm trường lẻ đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, vừa tạo điều kiện để huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, vừa tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục, nâng cao được chất lượng dạy và học. Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện bố trí đủ kinh phí theo quy định cho các đơn vị hoạt động.

Đến nay, việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn huyện được triển khai nghiêm túc và hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Chỉ đạo các đơn vị GD&ĐT thực hiện tốt công tác quy hoạch, sắp xếp lại điểm trường trung tâm, dồn ghép các điểm trường lẻ theo hướng khoa học, hợp lý.

Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 8 đơn vị quy hoạch, sắp xếp lại điểm trường trung tâm, 11 đơn vị sắp xếp, ghép các điểm trường lẻ, qua đó giảm được 14 điểm trường. Ngoài ra, có nhiều đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, vận động, chuyển học sinh về học tại điểm trường trung tâm, điểm trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Sau sáp nhập, hiện toàn huyện có 36 trường học (gồm 15 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 6 trường tiểu học và THCS, 3 trường THCS, 1 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS, 2 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú) với 124 điểm trường (gồm các điểm trường có 2 cấp học).

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Nguyễn Đăng Sơn cho biết: “Các trường sau sáp nhập bước đầu mang lại hiệu quả tích cực: bộ máy nhà trường đảm bảo tinh gọn; đội ngũ giáo viên được giảng dạy đúng chuyên ngành đào tạo, đảm bảo số tiết theo định mức; đội ngũ nhân viên được làm đúng vị trí việc làm, không còn kiêm nhiệm như trước.

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ kịp thời và mang lại kết quả cao hơn, đặc biệt đối với các nhiệm vụ đòi hỏi có sự phối hợp giữa các đơn vị như: công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, bàn giao chất lượng giữa cấp tiểu học và THCS. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định và có những chuyển biến tích cực, tạo phấn khởi trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, chính quyền và cha mẹ học sinh”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp và thu gọn điểm trường, lớp ở huyện còn gặp một số khó khăn như: trong quá trình thực hiện sau khi sáp nhập, hình thành trường có nhiều điểm trường, khoảng cách giữa các điểm trường khá xa, do đó việc tổ chức các hoạt động Đội, các hoạt động mang tính tập thể gặp nhiều khó khăn. Nhân viên thiết bị, thư viện cùng một lúc phải thực hiện tại nhiều điểm trường nên hiệu quả mang lại không cao.

Việc thực hiện chi trả chế độ phụ cấp đứng lớp cho giáo viên dạy cả hai cấp học gặp khó khăn, do quy định hiện nay còn có sự chênh lệch giữa phụ cấp đứng lớp đối với giáo viên tiểu học và giáo viên THCS. Định mức số lượng phó hiệu trưởng đối với trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp Tiểu học và cấp THCS) còn bất cập, tính theo cấp cao nhất (cấp THCS), gây thiệt thòi cho trường TH&THCS có trên 5 điểm trường lẻ...

Ông Nguyễn Đăng Sơn cho biết thêm: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp mạng lưới trường, lớp và thu gọn điểm trường, lớp từ nay đến năm 2025, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch rà soát mạng lưới trường, điểm trường phù hợp, khả thi, theo hướng tập trung, tinh gọn để có điều kiện bố trí đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ thực hiện các nhiệm vụ giáo dục theo yêu cầu mới, đồng thời, tránh gây xáo trộn lớn.

Điều tra quy mô lớp, học sinh, xu hướng phát triển số lượng trẻ đối chiếu với các quy định về số học sinh, số trẻ trên lớp; định mức giáo viên để tính toán phương án sắp xếp mạng lưới, chuyển đổi mô hình trường. Xác định, cân đối nguồn lực, lộ trình để thực hiện đầu tư tập trung tại các trường, điểm trường đã xác định. Tăng cường huy động xã hội hóa để xây dựng, mở rộng, đầu tư cơ sở vật chất các trường, điểm trường; cải thiện hạ tầng giao thông; giúp đỡ học sinh khó khăn, ở xa trường.

Bố trí đủ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục theo cơ cấu mô hình trường sau khi sắp xếp mạng lưới; đảm bảo đủ về cơ cấu, số lượng theo vị trí việc làm của từng loại hình trường theo quy định; từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ. Bố trí, quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục trong hệ thống trường, điểm trường sau khi sắp xếp để thu hút học sinh, phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/dakrong-tap-trung-sap-xep-quy-mo-mang-luoi-truong-lop/178992.htm