Đắk Nông phát huy thế mạnh cây ăn quả

Đắk Nông đang phát triển mạnh các loại cây ăn quả. Đây cũng là lĩnh vực giúp nhiều hộ nông dân có nguồn thu nhập ổn định.

Vườn nhãn Hương Chi gần 100 cây của gia đình ông Phạm Đắc Duy, ở xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa đang cho thu hoạch. Trên diện tích này, những năm trước, gia đình ông trồng cao su nhưng kém hiệu quả. Do đó, ông tìm tòi và chuyển đổi sang trồng nhãn Hương Chi.

Vườn nhãn Hương Chi của ông Phạm Đắc Duy, ở xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Duy đã tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc vườn nhãn. Do được chăm sóc tốt nên đến năm thứ 3, vườn nhãn bắt đầu cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 40kg/cây. Hiện ông bán nhãn tại vườn với giá 20.000 đồng/kg.

Theo ông Duy, qua thời gian trồng, chăm sóc cho thấy, nhãn Hương Chi phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại xã Đắk R'moan. Cây nhãn sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao. "Cây nhãn đang tạo nguồn thu nhập khá cao cho gia đình tôi. Hiệu quả kinh tế mà cây nhãn Hương Chi mang lại cao hơn các cây trồng khác tôi đã trồng trước đây khá nhiều", ông Duy cho biết.

Tương tự, năm 2016, ông Lê Văn Quang, thôn Tây Sơn, xã Long Sơn, huyện Đắk Mil, mua hơn 2,5 ha đất để sản xuất nông nghiệp. Trên diện tích này, ông trồng 500 cây bưởi da xanh; 600 cây xoài cát Hòa Lộc, Đài Loan; 100 cây na; 150 cây mít Thái; hơn 200 cây ổi… Đến nay, tất cả các loại cây trồng đã cho thu hoạch.

Ông Quang chia sẻ, thổ nhưỡng ở Đắk Nông phù hợp để trồng cây ăn quả. Chính vì thế, ông chọn đầu tư trồng cây ăn quả để tạo nguồn thu nhập cho gia đình. So với các cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu..., cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cây ăn quả cho thu hoạch nhiều tháng và nhiều đợt trong năm, nên gia đình khi nào cũng có nguồn thu.

Những năm gần đây, khi các cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều... thường xảy ra tình trạng mất mùa, mất giá, nhiều nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Nông dân đã tìm hiểu kỹ thuật canh tác, đầu tư bài bản, khiến cây ăn quả tăng dần về diện tích và tạo ra nguồn thu nhập cao.

Sầu riêng là một trong những cây ăn quả phát triển mạnh và cho giá trị cao ở Đắk Nông

Theo Sở NN-PTNT, đến năm 2023, Đắk Nông có khoảng 18.000 ha cây ăn quả, sản lượng 77.985 tấn/năm. Một số cây ăn quả phát triển nhanh thời gian qua như: sầu riêng, bơ, xoài...

Đắk Nông đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn. Trong đó, có các vùng trồng sầu riêng tập trung ở huyện Đắk Mil và TP. Gia Nghĩa; vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung ở huyện Đắk Glong, Đắk Song và TP. Gia Nghĩa; vùng trồng xoài tập trung ở huyện Đắk Mil; vùng trồng bơ tập trung ở Đắk R’lấp, Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk Song, Krông Nô và TP. Gia Nghĩa...

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết, những năm qua, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Nguyên nhân là do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, thị trường tiêu thụ tốt, nên người dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

Hội nông dân các cấp đang vận động nông dân sản xuất cây ăn quả theo quy trình an toàn, đạt các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch. Chính quyền, hội nông dân vận động các hộ sản xuất cây ăn quả liên kết với nhau tạo thành vùng nguyên liệu rộng lớn để kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư chế biến, kết nối tiêu thụ, nâng cao thu nhập.

Đắk Nông đang có khoảng 20 doanh nghiệp sơ chế, chế biến trái cây nguyên liệu, cấp đông, với sản lượng trái trên 23.000 tấn/năm, chiếm khoảng 30% sản lượng trái cây của tỉnh. Đắk Nông cũng có 26 kho lạnh, với tổng công suất trên 2.700 tấn trái cây/lần bảo quản.

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-phat-huy-the-manh-cay-an-qua-191419.html