Đắk Lắk phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng

Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi và phù hợp, Đắk Lắk được mệnh danh là 'thủ phủ' cà-phê Việt Nam và là 'vựa' sầu riêng của cả nước. Với giá cả thời gian gần đây, cây sầu riêng đã mang lại thu nhập cao cho nhà nông nơi đây. Tuy nhiên, 'cơn sốt' sầu riêng, tình trạng nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, số lượng chưa đi đôi với chất lượng, đang đặt ra yêu cầu phải có giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, một trong những loại trái cây có giá trị lớn nhất hiện nay tại Đắk Lắk.

Khá giả nhờ sầu riêng

Những ngày trung tuần tháng 4, về các vùng trọng điểm trồng sầu riêng của Đắk Lắk, như các huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ… chúng tôi được chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của những vùng đất này.

Theo người dân địa phương, cuộc sống của họ thay đổi lớn trong vài năm gần đây là nhờ cây sầu riêng. “Gia đình mình có 2 ha đất, trước đây chỉ trồng cà-phê nên chỉ đủ ăn. Cách đây hơn 10 năm, mình trồng xen hơn 150 cây sầu riêng trong vườn cà-phê. Giờ vườn sầu riêng cho thu hoạch mỗi năm hàng chục tấn, mỗi tấn bán được 70 đến 80 triệu đồng. Nhờ sầu riêng mà gia đình mình xây được nhà mới, mua ô-tô và nhiều thứ khác phục vụ cuộc sống”, anh Y Siết Ayun, ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc cho biết.

Tại xã Ea Sin, huyện Krông Búk, gia đình ông Trần Văn Sơn trồng 12 ha sầu riêng. Những năm gần đây, mỗi năm thu được từ 140 đến 150 tấn quả, với giá như hiện nay đã mang lại thu nhập cao cho gia đình. Ông Sơn chia sẻ: “Làm nông ở đây đã nhiều năm, tôi chưa thấy loại cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng. Sầu riêng đã giúp nhiều gia đình khá giả, giàu có. Mong rằng, tỉnh sẽ có chương trình, kế hoạch phát triển bền vững ngành hàng này để giúp nhân dân nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có hơn 32.700 ha sầu riêng, trong đó có 9.556 ha trồng thuần và hơn 23.200 ha trồng xen, sản lượng hơn 281 nghìn tấn, đứng thứ hai cả nước, sau tỉnh Tiền Giang. Những năm qua, giá sầu riêng trên thị trường luôn ở mức cao, nhất là từ giữa năm 2022, khi quả sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã đẩy giá sầu riêng tăng cao. Như năm 2022, sản phẩm sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 11,7 triệu USD; năm 2023 tăng lên đến

160 triệu USD. Chi Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk Nguyễn Khắc Hiển cho biết: “Với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, những năm gần đây, các loại cây ăn quả, nhất là sầu riêng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng”.

Theo đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, trong vụ sầu riêng năm 2023, giá trị thu về của mỗi ha sầu riêng trên địa bàn tỉnh đạt từ 1-1,2 tỷ đồng; lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng/ha. Nhờ đó, đã giúp hàng nghìn hộ trồng sầu riêng, nhất là những hộ trồng từ 2-3 ha trở lên, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng, góp phần làm thay đổi cuộc sống nhân dân, tỷ lệ hộ giàu tăng nhanh và đổi mới diện mạo nông thôn trong tỉnh.

Cần giải pháp phát triển bền vững

Hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng tại Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên đã rõ. Tuy nhiên, với giá trị cây sầu riêng mang lại quá lớn khiến nông dân trên địa bàn tỉnh ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, khiến ngành hàng sầu riêng gặp khó khăn, như cung vượt cầu; một số vùng trồng không phù hợp, không chủ động nguồn nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, đồng thời phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng của địa phương…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đến cuối năm 2023, tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn hơn 32.000 ha, chiếm 50,27% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh; diện tích tăng 10.300 ha và sản lượng tăng hơn 93.300 tấn so với năm 2022. Điều đáng lo ngại là nhiều nông hộ đã phá bỏ vườn cà-phê, hồ tiêu, cao su… để chuyển sang trồng sầu riêng, với hy vọng có thu nhập cao hơn. Điều này đã và đang đe dọa phá vỡ cơ cấu cây trồng và quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp địa phương.

Để nâng cao chất lượng sầu riêng, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, thời gian qua, các cấp, ngành và các địa phương tại Đắk Lắk luôn quan tâm xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Đến nay, toàn tỉnh có 68 mã số vùng trồng, diện tích 2.521 ha và 23 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Đồng thời, toàn tỉnh còn có 147 mã số vùng trồng, diện tích 3.500 ha và 3 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đang chờ phía Trung Quốc kiểm tra phê duyệt.

Tại hội nghị tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, trong phát triển ngành hàng sầu riêng, tỉnh Đắk Lắk đang gặp phải những khó khăn, thách thức, như vùng sản xuất sầu riêng nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu rộng lớn; trình độ kỹ thuật của nông dân còn hạn chế, yếu về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu; việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thật sự công khai, minh bạch, rõ ràng, chưa bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói không duy trì chất lượng, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Thậm chí, tình trạng gian dối, đánh cắp mã số vùng trồng; tranh mua, tranh bán… khiến ngành hàng sầu riêng phát triển thiếu bền vững. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông cho rằng: “Khi đã chốt giá thì cả phía người trồng và doanh nghiệp phải giữ chữ tín; không vì giá lên, xuống mà “bẻ cọc”, ảnh hưởng đến hoạt động mua bán sầu riêng. Đồng thời, các doanh nghiệp thu mua cần có ưu đãi đối với những vùng trồng đã được cấp mã số, như vậy sẽ thu hút nhiều đơn vị, cá nhân tham gia vào chuỗi liên kết”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk Lê Anh Trung đề nghị, để khắc phục những bất cập trong vụ sầu riêng năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành tiêu chuẩn cụ thể cho ngành hàng sầu riêng. Trên cơ sở tiêu chuẩn chung, hiệp hội sẽ xây dựng tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đồng thời, để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, cần bảo đảm lợi ích của các bên trong chuỗi liên kết; xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng; kiểm tra mẫu trước khi thu hoạch, vùng trồng và năng lực của các cơ sở đóng gói để sàng lọc rủi ro, giảm gian lận trong sản xuất và kinh doanh sầu riêng.

Để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nhân dân canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO:22.000...; tích cực xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt đối tượng kiểm dịch thực vật.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho rằng, cùng với những giải pháp trên, cần tăng cường nâng cao năng lực cơ sở sơ chế, bảo quản đông lạnh, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại bảo đảm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện đúng các quy định tại Nghị định thư về quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc...

Đồng thời, ngăn chặn triệt để tình trạng bảo kê, “bỏ cọc” trong hoạt động thu mua và nạn gian lận, đánh tráo, vi phạm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu, không để ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng sầu riêng của tỉnh.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-lak-phat-trien-ben-vung-nganh-hang-sau-rieng-208885.html