Đắk Lắk: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk hội tụ 47/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do vậy, nền văn hóa của các dân tộc nơi đây rất đa dạng, nhiều sắc màu. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Ê Đê, Ba Na, M’nông, Gia Rai, Xơ Đăng... còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa… đến từ các tỉnh vùng Tây Bắc, Trung bộ, Tây Nam bộ. Tỉnh Đắk Lắk nổi tiếng với lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; các nhạc cụ lâu đời như cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng…

Đắk Lắk nổi tiếng với lễ hội cồng chiêng

Với sự đặc sắc, đa dạng trong văn hóa như vậy, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ có ý nghĩa là giữ gìn nền tảng tinh thần của xã hội mà còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung.

Thưởng thức văn hóa truyền thống tại nhà dài Buôn Đôn

Truyền dạy nhạc cụ dân tộc

Đua voi - lễ hội văn hóa thu hút rất đông khách du lịch

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Năm 2016, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tỉnh đã cấp phát 151 bộ chiêng và 283 bộ trang phục truyền thống cho cộng đồng ở buôn làng và học sinh, sinh viên một số trường học trên địa bàn. Tổ chức truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; Dạy chỉnh chiêng cho các nghệ nhân trẻ. Vào tối thứ 7 của tuần thứ 2 và tuần cuối tháng trong năm, tổ chức biểu diễn cồng chiêng định kỳ phục vụ cộng đồng và du khách tại trung tâm văn hóa tỉnh.

Lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê

Bên cạnh đó, tỉnh cũng dành kinh phí cho việc sưu tầm, ghi chép, thống kê, lưu giữ các bài chiêng cổ, hệ thống nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc tại chỗ. Phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam mở các lớp truyền dạy sử thi và nghệ thuật hát kể sử thi cho con em đồng bào dân tộc. Tổ chức trình diễn và phục dựng một số nghi lễ, lễ hội truyền thống như: Lễ cúng bến nước, lễ cúng cầu mưa, lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê, lễ cúng lúa mới, lễ cúng ché của người M’nông; Tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, diễn tấu cồng chiêng gắn với nghi thức, nghi lễ của đồng bào các dân tộc. Hàng năm, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Krông Năng, Krông Pắc, Ea Kar... còn tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc cho đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông... di cư tới địa bàn tỉnh lập nghiệp.

Dệt thổ cẩm truyền thống, sản phẩm du lịch của Đắk Lắk

Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk đã lồng ghép việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Chủ trương này trở thành một hướng đi mới được tỉnh tập trung thực hiện. Các di tích như: nhà đày Buôn Ma Thuột, biệt điện Bảo Đại, đình Lạc Giao, đồn điền CADA được đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo và đưa vào phục vụ hoạt động thăm quan du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng, dịch vụ du lịch homestay bắt đầu được đầu tư, phát triển ở một số buôn làng tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Lắk và Buôn Đôn.

Nhiều câu lạc bộ, tổ dệt thổ cẩm của người Ê ê, M’nông ở các buôn Alê A, phường Ea Tam; buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi; buôn Tơng Bông, xã Ea Kao và buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột đã hợp tác với các công ty du lịch tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm du lịch mới là thăm quan làng nghề, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tạo động lực cho hộ gia đình giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch đang được Đắk Lắk chú trọng thực hiện

Tỉnh Đắc Lắk xác định mục tiêu là phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Bởi đây là những giá trị vật chất, tinh thần tinh túy nhất, cô đọng nhất, bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn, riêng biệt của mỗi dân tộc, là yếu tố để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, đồng thời còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương nói riêng và của toàn vùng Tây Nguyên nói chung.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-k-la-k-bao-ton-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-173099.html