Đại tá, nhà văn Lương Sĩ Cầm: 'Viết để cổ vũ những người lính đã và đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, nhân dân'

Bằng tài hoa, tâm huyết và tình yêu đối với những người lính luôn xông pha nơi hiểm yếu để bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, ở tuổi 93, Đại tá, nhà văn Lương Sĩ Cầm dành tặng văn đàn Việt Nam một bất ngờ. Đó là ông đã hoàn thành cuốn truyện ký dày 300 trang mới có nhan đề 'Chuyện kể ở giới tuyến', xuất sắc giành giải B giải thưởng văn học 'Vì bình yên cuộc sống' của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Chân dung Đại tá, nhà văn Lương Sĩ Cầm. Ảnh: Phạm Vân

Hơn 10 năm gắn bó với quân đội và 32 năm gắn bó với lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), những trang văn của ông luôn là những hình ảnh đẹp nhất, phẩm cách cao thượng nhất của người lính. Trong suy nghĩ của tôi, suốt một đời văn của mình, ông đã lặng lẽ trấn giữ biên cương theo một cách rất riêng mà không kém phần tài hoa, vạm vỡ.

Khi vừa tròn 15 tuổi, chàng trai của miền đất La Giang thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh Lương Sĩ Cầm đã gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc thuộc Mặt trận Việt Minh và tham gia cướp chính quyền ở địa phương. Khi toàn quốc kháng chiến năm 1946, chàng vệ quốc quân có vóc người tầm thước, gương mặt hồn hậu ấy đã có mặt trong đoàn quân Nam tiến và hoạt động tại mặt trận Đèo Cả. Lúc sinh thời, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung cho biết, ông và nhà văn Lương Sĩ Cầm có mặt trong tiểu đội xung kích đánh trận mở màn của đời chiến binh. Vốn được học hành từ nhỏ, lại giỏi tiếng Pháp, cả hai được coi là “lính trí thức” của Trung đoàn 803 và sau đó không lâu Lương Sĩ Cầm được rút hẳn về làm báo Xung phong của khu.

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, dù mới ngoài 20 tuổi ông còn được giao trọng trách Trại trưởng trại tù binh Âu Phi của Liên khu V đặt tại Quảng Ngãi và làm công tác địch vận. Hàng tuần, vị trại trưởng trẻ tuổi ấy còn phải nhờ nhà dân để tổ chức những buổi lên lớp cho tù binh về chính sách khoan hồng của Chính phủ Việt Nam. Khả năng nói tiếng Pháp nhuần nhuyễn và chất giọng miền trung ấm áp của ông đã có sức cảm hóa và thuyết phục lớn đối với các tù binh. Nhiều người sau này đã tình nguyện ở lại chiến đấu cùng quân dân Quảng Ngãi.

Đầu những năm 1954, mặt trận khu V cũng thực hiện chiến dịch Bắc Tây Nguyên giải phóng Kon Tum để ghìm chân địch không thể đưa quân chi viện cho Điện Biên Phủ. Khánh chiến chống Pháp thành công, Lương Sĩ Cầm theo đoàn quân chiến thắng tập kết ra Bắc, biên chế vào Sư đoàn 324. Đến tháng 3/1959, Lương Sĩ Cầm chuyển công tác sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Ông vẫn luôn tự hào khi nhắc đến cái tên “chiến sĩ giới tuyến” mà nhân dân cả nước đã trìu mến đặt cho ông cùng biết bao đồng đội. Để thực thi nhiệm vụ trên giới tuyến, Lương Sĩ Cầm cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được chọn đã chuyển quân ra bờ Bắc để thành lập “Đại đội công an giới tuyến”.

Không lâu sau, ông được điều ra Hà Nội làm báo Công an vũ trang, nay là báo Biên phòng và trở thành cây bút xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng của lực lượng. Ông có mặt ở những chiến trường gian khó nhất, những vùng biên cương xa xôi, lạc hậu nhất để viết nên nhiều tác phẩm báo chí có sức cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ cả nước và nhân dân biên giới như: “Quà tết kháng chiến của Bác”, “Công an vũ trang giới tuyến: gián điệp phải đầu hàng” và “Giữ vững ngọn cờ hòa bình trên giới tuyến” hay “Đồn Biên phòng 19 cất bước đi sau, tiến mau lên trước”…

Những ngày tháng sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó đoàn trưởng Đoàn điện ảnh Công an nhân dân vũ trang, Phó trưởng Phòng Tuyên huấn rồi Trưởng ban, Tổng biên tập bộ Ký sự Lịch sử “Chiến sĩ Biên phòng”. Trong thời gian công tác tại Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang, nhà văn Lương Sĩ Cầm còn viết hàng chục kịch bản phim tài liệu có giá trị và giành được giải thưởng tại liên hoan phim toàn quốc. Phim tài liệu “Ngọn cờ giới tuyến” là một bài ca bi tráng về ngọn cờ Hiền Lương, ngọn cờ đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất, kiên trung của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa trong những năm chống Mỹ.

Năm 1979, theo chân đồng đội tham gia giải phóng Campuchia và bảo vệ biên giới nước bạn, ông đã có “Nụ cười Bay on” vạch trần tội ác của bọn diệt chủng, phản ánh niềm vui của người dân xứ sở Chùa Vàng trước sự hiện diện của những người lính tình nguyện Việt Nam, mang chính nghĩa và nòng súng thép để chiến đấu vì sự tồn vong của dân tộc Khmer. Ngoài ra, ông còn làm cố vấn cho bộ phim truyện “Trên vĩ tuyến 17” hết sức thành công của đạo diễn Hoàng Tích Chỉ. Đặc biệt, bộ phim tài liệu “Trạm gác chân đèo” do ông viết kịch bản còn nhận được giải thưởng tại Liên hoan Phim quốc tế Lép-xích (Cộng hòa Dân chủ Đức) năm 1971. Bộ phim đã giới thiệu những hình ảnh chân thực nhất về cuộc chiến đấu bảo vệ đường Hồ Chí Minh lịch sử, khiến thế giới phải thán phục khi những người lính đã bám chốt trên tuyến lửa, cùng sống chết để bảo vệ con đường…

Là nhà văn cựu trào của cả hai lực lượng công an và quân đội, nhưng nhà văn Lương Sĩ Cầm luôn tự nhận mình là cây viết không chuyên. Năm 1959, truyện ngắn “Một chuyến tuần tiễu cuối năm” đã được Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải 3 cuộc thi: “Viết về đời sống bộ đội trong hòa bình”. Truyện ngắn ca ngợi những người công an dù trong thời bình hay thời chiến thì vẫn là đội quân thường trực sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ và sự bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân. Năm 1962, ông in tập truyện ngắn đầu tiên mang tên “Ánh lửa” gồm 8 truyện ngắn và được tham dự lớp viết văn trẻ Quảng Bá khóa đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cùng nhà văn Lê Tri Kỉ là hai nhà văn đầu tiên của lực lượng công an được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Đại tá, nhà văn Lương Sĩ Cầm miệt mài hoàn thiện cuốn tiểu thuyết "Đèn kéo quân" dày 600 trang. Ảnh: Phạm Vân

Là người làm báo, bước chân nhà văn Lương Sĩ Cầm đã in dấu trên hầu khắp dải biên cương. Thậm chí, ông cũng đã khoác ba lô theo đoàn quân của các chiến sĩ Công an vũ trang chiến đấu tại mặt trận K5 trên đất bạn Lào và trên chiến trường Campuchia khốc liệt. Theo những bước chân ấy, lần lượt các tác phẩm mang hơi thở đời sống của người lính Biên phòng đã ra mắt bạn đọc như: Đất rừng lau (truyện ngắn, 1963); Từ núi rừng Ba Tơ (ký, 1964); Lê Đình Chinh (truyện ký,1980); Rừng biên giới (truyện, 1984); Người thợ săn (truyện, 1984); Trận đầu (tiểu thuyết, 1986); Sắc rừng A Bai (tiểu thuyết, 1986-1987, hai tập); Em vẫn chờ ngày cưới (tiểu thuyết, 1991)... Nhà văn Lương Sĩ Cầm đồng thời cũng là đồng tác giả của hàng trăm trang ký sự trong tập ký sự Chiến sĩ biên phòng giai đoạn 1959-1975.

Sáng tác hơn 20 tác phẩm văn học có giá trị về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, một đời binh nghiệp - văn nghiệp sắt son với màu áo lính biên phòng và nhân dân biên giới, không một nẻo đường biên cương nào trên dải đất hình chữ S mến yêu này chưa in dấu chân ông. Ông luôn tâm đắc “Vấn đề quan trọng của nhà văn là làm sao viết thành truyện chứ không đơn giản chỉ kể một câu chuyện có đầu có cuối, kể cho xong một câu chuyện như bà kể chuyện cổ tích cho cháu nghe.” Điều đó thật chí lý và luôn đúng với mỗi người viết văn. Suy cho cùng đẳng cấp của một nhà văn chính là cách dựng chuyện. Cũng giống như một người kiến trúc sư, trước một số lượng vật liệu như nhau nhưng người giỏi là người xây được những công trình đẹp và tiện ích cho đời.

Là hội viên cao tuổi nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, song sức đi, sức viết của nhà văn lão thành này luôn khiến cho anh em nể phục bởi ông đã trải qua nhiều cơn bạo bệnh tưởng như không thể tiếp tục cầm bút. Vậy mà “gừng càng già càng cay”, là một người cầm bút có lương tri, có trách nhiệm như tất cả các nhà văn công an khác, Đại tá, nhà văn Lương Sĩ Cầm đã viết với ý thức vững vàng là sáng tác vì lý tưởng thẩm mỹ của con người, vì cái đẹp, để cái thiện thắng cái ác, để chính nghĩa thắng bạo tàn. Viết để cổ vũ những chiến sĩ và nhân dân đang hàng ngày hàng giờ chiến đấu không ngại hy sinh gian khổ vì bình yên của Tổ quốc, của nhân dân.

Ở tuổi 96, nhà văn lão thành ấy đã ra đi thanh thản, để lại cho đời những tác phẩm văn học, điện ảnh giá trị mà ông đã rút kiệt tâm sức, trí tuệ và tài hoa của mình để viết.

Phạm Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dai-ta-nha-van-luong-si-cam-viet-de-co-vu-nhung-nguoi-linh-da-va-dang-ngay-dem-bao-ve-to-quoc-nhan-dan-post465556.html