Đại gia Thành giúp bầu Đức, Cường đôla tặng kim cương?

Ông chủ tập đoàn FLC vượt hạng trên sàn chứng khoán, ông chủ Geleximco đang xin đầu tư vào đường sắt, HAGL lo lắng khối nợ từ cao su.

“Đổi ngôi” ngoạn mục sau một đêm

Theo cập nhật của Forbes thì tính đến thời điểm hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) đã sở hữu trong tay khối tài sản ròng lên đến 2,4 tỷ USD, đứng vị trí thứ 861 danh sách những người giàu nhất thế giới.

Vị thứ của ông Phạm Nhật Vượng cải thiện đáng kể bởi trước đó, xếp hạng trong danh sách người giàu thế giới năm 2015, ông chỉ đứng thứ 1118 và năm 2016 là 1011.

Thông tin đáng chú ý trong tuần này đó là sự "đổi ngôi" ở vị trí người giàu thứ 2 thị trường chứng khoán Việt. Theo đó, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã để vuột vị trí này vào tay ông Trịnh Văn Quyết - ông chủ Tập đoàn FLC.

Ông Trịnh Văn Quyết thăng hạng sau một đêm

Sau khi chi đậm hơn 2.344 tỷ đồng để mua vào gần 100 triệu cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã vượt 10.000 tỷ đồng.

Sau giao dịch này, ông Quyết đã nâng tỷ lệ nắm giữ tại Faros từ 179,7 triệu cổ phiếu lên 279,5 triệu cổ phiếu ROS, tương đương 65% vốn điều lệ công ty.

Mới đây, ông Trịnh Văn Quyết vừa công bố thông tin đăng ký mua thêm 30 triệu cổ phiếu FLC, do đó, dự kiến tài sản trên sàn chứng khoán của vị đại gia này sẽ còn tiếp tục tăng.

Người từng có thời gian dài khẳng định vị trí giàu thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam là ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thì nay đã "bật" khỏi Top 10 xuống vị trí thứ 11 của danh sách này.

Ngoài ra trong Top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam còn có những cái tên khác là bà Nguyễn Thị Hiền (HPG, vợ ông Trần Đình Long); chị em bà Phạm Thu Hương, bà Phạm Thúy Hằng (VIC); bà Trương Thị Lệ Khanh (VHC - Thủy sản Vĩnh Hoàn); ông Nguyễn Đức Tài và ông Trần Lê Quân (MWG - Thế giới di động).

Bầu Đức - nỗi đau từ cao su

Việc bầu Đức bị tụt hạng trên sàn chứng khoán, cũng bởi vì, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2016 đã soát xét, nợ ngắn hạn của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là 12.343 tỷ đồng, nợ dài hạn 14.340 tỷ đồng, tổng nợ 26.683 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ tập đoàn ở mức 7.900 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, bầu Đức cho biết, tập đoàn này sẽ bán 20.000 hecta cao su cho một số đối tác Trung Quốc lấy 8.000 tỷ đồng trả nợ.

Ông Đức cũng nhấn mạnh rằng, bán diện tích trên, tập đoàn vẫn còn khoảng 60.000 hecta nữa (kể cả ở Campuchia, Lào, Việt Nam).

Bầu Đức đang cố gắng xoay sở trả nợ

Tính đến 30/6/2016, chi phí phát triển vườn cây cao su và cọ dầu của HAGL đã là 12.969 tỷ đồng cho thấy HAGL đã đầu tư rất mạnh tay vào loại cây này và đến nay vẫn chưa hoàn được 50% vốn.

Để thấy, mảng cao su của HAGL trên thực tế không bị vướng những khó khăn về thủ tục hay hành chính, mà đơn giản chỉ vì giá cao su thế giới rơi xuống quá thấp.

Với lý do này thì việc Hoàng Anh Gia Lai có được “cứu” hay không thì tác động đối với mảng cao su cũng chỉ là 20.000ha không bị bán đi mà thôi. Bởi mảng này có lãi hay không phải phụ thuộc rất nhiều vào giá cao su thế giới, mà giá cao su bao giờ mới tăng thì chưa có câu trả lời. Đến nay vẫn chưa xác định được đáy giá của nguyên liệu này.

“Đại gia” Đặng Văn Thành mua ruộng mía của HAGL

Trong khi đó, đáng chú ý hơn, TTC Group, tập đoàn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực mía đường, năng lượng và bất động sản, đang lên kế hoạch niêm yết một công ty mía đường của tập đoàn là CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Sugar) lên sàn chứng khoán Singapore trong vòng 5 năm tới. Theo dự kiến, thương vụ sẽ thu về cho TTC Group 600 triệu USD.

Trước khi bán cổ phần, TTC Sugar sẽ tiến hành hợp nhất với một công ty mía đường khác. Công ty sau hợp nhất có giá khoảng 200 triệu USD, lớn nhất trong lĩnh vực tại Việt Nam.

TTC Group, hiện là nhà cung cấp đường cho Vinamilk và Kido Group, đang có những động thái nhằm gia tăng sản lượng.

Tập đoàn đang thương thảo mua lại một nhà máy đường có công suất thiết kế 70.000 tấn/năm và 6.000 ha ruộng mía từ Công ty Hoàng Anh Gia Lai với giá 100 triệu USD.

TTC Sugar là một trong 10 công ty kinh doanh mía đường của TTC, đóng góp 53% vào lợi nhuận trước thuế của tập đoàn trong năm ngoái.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/dai-gia-thanh-giup-bau-duc-cuong-dola-tang-kim-cuong-3319947/