Đại biểu Quốc hội: 'Đô thị du lịch' vẫn nằm... trên giấy

Thông tin được đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề cập khi thảo luận về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) tại Hội trường vào chiều nay 29/5.

Ông Phan Thanh Bình báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Bỏ vì không khả thi

Một trong những nội dung quan trọng được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận liên quan đến quy định về đô thị du lịch.

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết: Về nội dung đô thị du lịch, có ý kiến đề nghị giữ quy định như Luật hiện hành về đô thị du lịch vì trên thực tiễn đã hình thành đô thị du lịch. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định đô thị du lịch trong dự thảo Luật.

Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu hai phương án. Phương án 1, không quy định về nội dung đô thị du lịch vì Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 không quy định về loại hình đô thị du lịch. Việc quy định đô thị du lịch như một danh hiệu mà không kèm theo cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ thì không nên quy định trong văn bản luật. Hơn nữa, dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV cũng không quy định về đô thị du lịch. Phương án 2, quy định về đô thị du lịch theo hướng xây dựng cụ thể các điều kiện công nhận, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị du lịch tại Điều 29, Điều 30 dự thảo Luật.

Góp ý về nội dung trên, nhiều đại biểu đề nghị quy định theo phương án 1. Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) phân tích: Theo dự thảo, thu nhập từ du lịch chiếm tỉ trọng từ 30% trở lên trong tổng sản phẩm nội địa của đô thị, nhưng thực tế có lúc tỉ lệ này trên 30% sẽ được công nhận, nhưng dưới 30% lại không đủ điều kiện công nhận, như vậy sẽ làm mất thời gian thực hiện thủ tục, ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch của các địa phương.

Trong khi đó, theo quan điểm của đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam): Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn có trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch quốc gia nằm trong hệ thông quy hoạch quốc gia được quy định trong Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội thảo luận. Nếu quy định như dự thảo sẽ bị trùng với quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn do Bộ Xây dựng chủ trì và làm phân tán nguồn lực, gây lãng phí... Do đó, các địa phương tùy điều kiện tự nhiên và tiềm năng du lịch có thể quy hoạch về đô thị du lịch nằm trong quy hoạch tỉnh.

Mặt khác, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch là những luật chuyên ngành không quy định loại đô thị này, nên nếu quy định đô thị du lịch như dự thảo sẽ dẫn đến xung đột pháp luật và phải sửa cả hệ thống, đồng thời đô thị du lịch không khác so với quy định trong các luật chuyên ngành.

Đưa ra phân tích mạnh mẽ, mạnh lạc, rõ ràng và ngắn gọn, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) nhấn mạnh: Quy định về đô thị du lịch không mới, vì điều 31, 32, 33 luật Du lịch năm 2005 đều đã quy định rõ.

“Nhưng quy định này 12 năm nay không khả thi, chưa mang lại hiệu quả, lợi ích gì và vẫn đang ở trên giấy, vì vậy, tôi đồng ý không quy định về đô thị du lịch vì nó chỉ là một danh hiệu”- đại biểu Lê Xuân Thân nói.

Cần thiết lập Quỹ phát triển du lịch

Một nội dung đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nhận được nhiều sự tán đồng của đại biểu là thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Theo ông Phan Thanh Bình, một số ý kiến đồng ý với sự cần thiết thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên, có ý kiến không đồng ý với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, tránh tình trạng phát sinh nhiều loại quỹ.

Ủy ban Thường vụ Quốc cho rằng, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết để triển khai hoạt động du lịch một cách chủ động, chuyên nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, phù hợp với mục tiêu Đảng, Nhà nước đặt ra đối với ngành du lịch.

Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc lập Quỹ là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Cần Thơ đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần bổ sung rõ quy định, quyền hạn của cơ quan quản lý Quỹ.

Bên cạnh hai nội dung quan trọng nêu trên, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung về chính sách phát triển du lịch; cơ sở lưu trú du lịch ; xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài...

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dai-bieu-quoc-hoi-do-thi-du-lich-van-nam-tren-giay.aspx