Đại biểu Quốc hội cười nghiêng ngả trước sự 'láu cá' của học trò

Nhiều đại biểu đã đăng ký tranh luận với Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 16/11 về vấn đề thi trắc nghiệm đang gây tranh cãi hiện nay.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Hải Dương, việc thi trắc nghiệm THPT là không cần thiết với các môn như Ngoại ngữ, Văn học.

“Bộ trưởng cho rằng, việc này là không thể gian lận, nhưng tôi lại cho thấy ngược lại. Học sinh từng trao đổi với chúng tôi là các em rất thích thi trắc nghiệm vì phòng thi chỉ cần chọn một bạn giỏi nhất và ra ký hiệu: ho một tiếng thì chọn phương án a, ho 2 tiếng thì chọn phương án b. Trong phòng thi việc này không phạm quy vì ho không bị cấm trong phòng. Vậy đó có phải là phương án ưu việt hay không?”

Các Đại biểu Quốc hội cười nghiêng ngả trước câu hỏi và câu trả lời về sự "láu cá" của học trò với hình thức thi trắc nghiệm.

Câu hỏi này khiến các Đại biểu Quốc hội nghiêng ngả và Chủ tọa điều hành phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, đây là một câu hỏi hay.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khi thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng và có kỹ thuật để chuẩn hóa các đề thi, chấm bằng máy.

“Tôi quan tâm tới tính minh bạch và khách quan của kỳ thi. Tôi quan sát, các cháu cũng làm tự giác, hào hứng, tôi chia sẻ ý kiến như vậy để mong các đại biểu, cử tri cùng thực hiện, ủng hộ đổi mới”- Bộ trưởng nói.

Trước đó, Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đắc Nông đặt vấn đề, liên quan kỳ thi quốc gia, thi trắc nghiệm có ảnh hưởng gì đến chất lượng kỳ thi 2017, việc dạy và học cấp phổ thông và biện pháp gì để tránh tiêu cực trong thi cử?

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thi là phương thức kiểm tra kiến thức, còn có thể sử dụng phương thức tự luận hay trắc nghiệm. Kiểm tra kiến thức cơ bản phổ thông nhằm đảm bảo tính toàn diện, minh bạch, khách quan. Đặc điểm kỳ thi là kỳ thi này rất đông, hàng triệu em, nên có nhiều hình thức thi. Phương thức nào cũng có cái hay và hạn chế, còn lựa chọn thì căn cứ theo điều kiện.

Việc thi trắc nghiệm đã được cân nhắc rất kỹ và phần lớn chuyên gia nhất trí vì đánh giá được số lớn hàng triệu em, kiểm tra được kiến thức toàn diện. Các nước cũng làm như vậy như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả các nước tiên tiến áp dụng công nghệ.

"Thi trắc nghiệm là phương thức tối ưu"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

“Đây là phương thức tối ưu. Hiện các trường, các nơi về cơ bản thấy đây là phương thức tốt” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Tranh luận về việc này, Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, Bộ trưởng nói nhiều về những ưu điểm của kỳ thi, nhưng tôi kiến nghị, Bộ trưởng có ý định chỉ đạo xây dựng đề án về đổi mới thi cử hay không?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, tất cả các đổi mới của ngành đều có lộ trình cho thầy và trò chuẩn bị. Mỗi năm đều có những thay đổi linh hoạt, không có cải tiến đường đột mà có tính toán.

“Trước kỳ thi từ sớm Bộ đã công bố, trước đó một năm, Bộ cũng có hướng dẫn thị trắc nghiệm, để dần chuyển phương pháp tổ chức học từ thụ động sang phát huy phẩm chất năng lực của các cháu. Với thi tốt nghiệp trong thời gian ngắn thì đây là kỳ thi kiểm tra kiến thức cơ bản, toàn diện chứ không phải là thi chuyên biệt. Tránh tình trạng kéo dài việc thi ứng thí”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Ông cũng giải thích thêm, thi trắc nghiệm không phải là cứng nhắc, không phải là đánh đố, mà đây là liên quan tới tư duy phản biện, tới hệ thống phát triển năng lực chứ không phải là máy móc. Việc đổi mới phương thức thi ảnh hưởng tới hàng triệu người nên không có một phương thức thi nào là tuyệt đối.

Nhưng đây là phương án phù hợp nhất với mục tiêu thi, đây là con đường đi giống các nước xung quanh. “Tôi hoàn toàn đồng ý với các đại biểu rằng, việc linh hoạt là cần thiết nhưng cần cân nhắc và chúng tôi cố gắng hạn chế nhất những bức xúc cho xã hội” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ../.

Song Đào – Quỳnh Anh, ảnh: Nam Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/dai-bieu-quoc-hoi-cuoi-nghieng-nga-truoc-su-lau-ca-cua-hoc-tro-219158.html