Đặc sản trứng kiến vào mùa, cẩn thận kẻo ngộ độc

Đặc sản trứng kiến được không ít người săn tìm với quan niệm cho rằng bổ dưỡng và an toàn, nhưng thực tế đây là loại thực phẩm rất dễ gây dị ứng, thậm chí ngộ độc.

Trứng kiến dễ nhiễm khuẩn, có độc tố

Những ngày này, người dân miền núi thường vào rừng tìm trứng kiến để bán cho thương lái. Mùa lấy trứng kiến diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4 Âm lịch hàng năm. Anh Hà Văn Khơi, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa cho biết, từ khi còn nhỏ anh đã theo bố vào rừng lấy trứng kiến. Trước đây, người dân chỉ đi lấy trứng kiến về để xào măng chua hoặc nấu cơm xôi ăn trong gia đình. Khoảng 5 năm trở lại đây, trứng kiến trở thành món ăn đặc sản của người dân miền xuôi. Chính vì vậy, cứ vào mùa là thương lái lên gom trứng kiến nhập cho các nhà hàng.

Để săn trứng kiến, người thợ cần dùng dao rồi trèo lên các cành cây, chặt cả cành có tổ kiến xuống. Khi lấy trứng kiến phải làm thật nhanh, nếu không kiến sẽ vỡ tổ, bám đầy người. Để tách trứng kiến ra khỏi tổ, người thợ săn phải nhanh chóng đặt tổ kiến lên chiếc mâm, sau đó phá tổ, dùng cành cây xua đuổi kiến đi. Trứng kiến có thể chế biến thành các món ăn đa dạng như: rang sả, nấu cháo, cuốn lá lốt, xào, làm nhân bánh, đồ xôi,...

Thận trọng khi sử dụng thực phẩm từ trứng kiến.

Thận trọng khi sử dụng thực phẩm từ trứng kiến.

Tuy trứng kiến được coi là món ăn bổ dưỡng, tuy nhiên thực tế đã từng có những trường hợp phải nhập viện do sốc phản vệ, ngộ độc nặng khi ăn trứng kiến.

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam, người dân sử dụng kiến làm thực phẩm ở 2 dạng: Ăn và uống. Ăn trứng kiến và uống rượu ngâm trứng kiến.

Trứng kiến là cách gọi dân gian cho giai đoạn phát triển trước trưởng thành, chủ yếu ở giai đoạn ấu trùng và nhộng kiến được bọc trong một vỏ mỏng màu trắng. Còn trứng kiến thật khi được đẻ ra rất bé, có khi bằng mắt thường cũng khó nhận biết. Hiện nay, mỗi nơi người ta đi thu lượm trứng kiến về ăn, chưa có nhà côn trùng nào đi theo để xác định tên loài cụ thể.

Theo đánh giá của GS Hiển thì chủ yếu người dân hay thu "trứng kiến" của loài kiến cong bụng (Crematogaster spp). Người ta lấy cả tổ kiến về, rũ cho kiến trưởng thành đi hết khỏi tổ, rồi sàng thu lại trứng kiến, sau đó chế biến thành món ăn.

Những trưởng hợp ăn trứng kiến hay uống rượu kiến bị ngộ độc, nhẹ thì có thể do cơ địa không phù hợp, vì ở kiến trường thành có nọc độc chứa axit foocmic. Trường hợp nặng, thậm chí chết người thì phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân.

"Có trường hợp khi thu bắt kiến, để tránh kiến đốt có người phun thuốc trừ sâu vào tổ kiến, để kiến chết rồi mới thu bắt, cũng có thể trong khi chế biến lẫn kiến với các tạp chất gây ngộ độc hoặc một số các thể kiến đã bị thối rữa nhiễm khuẩn…", GS Hiển cho biết.

Dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại

Theo GS Bùi Công Hiển, đối với quan niệm coi trứng kiến là đặc sản, thực tế khoa học chưa chứng minh thành phần của loại thực phẩm này. Hơn nữa trứng lại có những thành phần lạ, tuy là protein tốt nhưng người dùng có thể bị dị ứng như arginin, prolin, histidin...

Ngoài ra, kiến là loài côn trùng sống ở nhiều môi trường khác nhau, trong đó có ở nơi ẩm thấp, rừng núi, nên có thể chứa rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn có hại. Sử dụng trứng kiến này, vô tình chúng ta tự đưa vào cơ thể mình nguồn vi khuẩn có hại. Do đó, tốt nhất là lựa chọn những thực phẩm bổ dưỡng khác, thân thuộc hơn, được khoa học chứng minh để cải thiện tình trạng sức khỏe, tránh rủi ro bị dị ứng, thậm chí là ngộ độc, tử vong vì trứng kiến

Trên lý thuyết thì đúng là côn trùng cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và protein cao so với thịt và cá. Côn trùng có thể được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung cho trẻ em suy dinh dưỡng. Bởi chúng có hàm lượng protein cao cũng như rất giàu các vi chất (đồng, sắt, magiê, mangan, photpho, selen và kẽm).

Thế nhưng đi kèm với nó lại là độc tố. Ví dụ như loài có nọc độc, bọ xít, ong vò vẽ… là những loài chứa nhiều độc tố. Khi sử dụng làm thực phẩm rất dễ gặp rủi ro ngộ độc. Dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, nên cần phải dùng những loại côn trùng theo khuyến cáo. Đặc biệt, không dùng côn trùng đã ôi, thiu vì không chỉ các chất trong cơ thể côn trùng đã biến tính, mà thường đã bị nhiễm nấm mốc rất độc hại.

Theo GS Bùi Công Hiển, không nên sử dụng côn trùng một cách bừa bãi. Trứng kiến an toàn phải được khai thác thủ công, không sử dụng hóa chất, dùng ngay sau khi khai thác…"Không nên ăn các thực phẩm, thức ăn lạ hoặc tiếp xúc với các chất lạ, nếu thấy mẩn ngứa, khó chịu cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng", GS Bùi Công Hiển.

Một điều đáng lưu ý mà GS Bùi Công Hiển cảnh báo là hiện nay, trào lưu uống rượu ngâm trứng kiến khá phổ biến. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc cho người sử dụng. Lý do là trứng kiến đem ngâm rượu thường rất lâu mới đem ra dùng. Khoảng thời gian đó, trứng kiến thường bị biến đổi hóa chất, thành những chất có độc tố cho cơ thể. Hơn nữa cho đến nay, chưa có bất cứ nghiên cứu nào về thành phần sinh hóa trong rượu ngâm kiến để khẳng định tác dụng của nó.

"Kể cả các loại quả như táo mèo, dâu, mơ… hay những loại côn trùng khác khi ngâm rượu, đều chưa ai dám chắc chắn thành phần sinh hóa cũng như tác dụng của nó. Trong khi đó thì dường như trào lưu đem ngâm rượu uống lại rất phổ biến. Đây là những thói quen tiềm ẩn nguy cơ rất có hại cho sức khỏe mà chúng ta nên cảnh giác. Đừng uống vì tò mò, vì chạy theo trào lưu để rồi rước họa vào thân", GS Bùi Công Hiển cho biết.

Tác Dụng Chữa Bệnh Của Cây Chanh | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dac-san-trung-kien-vao-mua-can-than-keo-ngo-doc-169230510100338632.htm