Đặc sản gạo tẻ râu hữu cơ bản Bướt

Vùng đất xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ không chỉ có cảnh đẹp say lòng người, ẩm thực cũng rất phong phú với những đặc sản, đặc biệt là loại gạo tẻ râu bản Bướt trồng hữu cơ nức tiếng dẻo, thơm, ngon được nhiều người ưa chuộng.

Từ quốc lộ 6 khoảng chừng 2km, chúng tôi đến bản Bướt nằm nơi thung lũng yên bình, bên cánh rừng già xanh thắm. Cánh đồng lúa đang vào mùa gặt thoang thoảng mùi hương lúa chín. Không khí ngày mùa rộn ràng, tươi vui. Bản Bướt có độ cao từ 800 – 1.000m so với mực nước biển, điều kiện khí hậu ôn hòa từ 20 – 23 độ C, có nguồn nước suối Bướt mát lành chảy từ rừng già cung cấp cho cánh đồng lúa. Chính vì vậy, cây lúa tẻ râu ở đây sinh trưởng và phát triển rất tốt, cho sản phẩm gạo chất lượng cao.

Lúa tẻ râu là giống lúa bản địa đã có từ lâu ở bản Bướt, diện tích rất ít, sản lượng hiếm. Trước đây, gạo tẻ râu chỉ được người dân sử dụng trong các dịp quan trọng như ngày lễ, tết.Lúa tẻ râu có hạt to, hơi bầu, dài hơn hạt gạo thường, cây chỉ thấp bằng ½ cây lúa thường và đặc biệt các hạt ở đầu bông lúa đều có râu. Gạo có hương thơm và độ dẻo đặc trưng, khác hẳn so với các loại gạo tẻ khác.

Nông dân bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ thu hoạch lúa tẻ râu

HTX Đồng Rừng bản Bướt liên kết với12 thành viên sản xuất 3 ha gạo tẻ râu thống nhất quy trình sản xuất hữu cơ và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Anh Hà Văn Nguy, Giám đốc, cho biết: Trước đây, chúng tôi trồng theo phương thức truyền thống nên năng suất thấp. Từ năm 2020, được Dự án Great hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi trồng hoàn toàn theo phương thức hữu cơ. Lúa sau khi thu hoạch, rơm sẽ được gom lại ủ với phân chuồng ngay tại ruộng, đến vụ sẽ san ra để bừa cùng đất làm phân bón. Đối với phòng trừ sâu bệnh, chúng tôi dùng ớt, xả, gừng và các loại cây kỵ sâu bệnh tạo thành hỗn hợp để phun phòng bệnh cho lúa mà không dùng thuốc hóa học. Năng suất lúa tẻ râu đạt 4 -5 tấn/ha. Lưu ý khi được thu hoạch, loại gạo tẻ râu có độ giòn cao nên cần phơi vừa tầm nắng để hạt không bị vỡ vụn.

Gạo tẻ râu được đóng gói 5kg hoặc đóng hộp bên ngoài có ghi đầy đủ các thông tin về sản phẩm, thông tin kiểm nghiệm chất lượng, cảm quan về màu sắc, các chỉ số về hàm lượng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Gạo được doanh nghiệp dưới Hà Nội thu mua tiêu thụ, do lượng đường thấp nên gạo tẻ râu được nhiều người ưa chuộng, nhất là những khách hàng bị tiểu đường và để chế biến các loại bánh kẹo “healthy” an toàn và lành mạnh cho người dùng. Với lợi thế bản Bướt phát triển du lịch, gạo tẻ râu có hương vị thơm, dẻo, ngon được các thực khách ưu thích, lựa chọn mua về làm quà khi đến du lịch ở mảnh đất ở Chiềng Yên.

Các thành viên HTX Đồng Rừng trao đổi về chất lượng lúa tẻ râu

Chị Ngần Thị Oanh, bản Bướt, xã Chiềng Yên, chia sẻ: Nhà tôi trồng 1.000m2 lúa tẻ râu. Giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh cao, trồng theo hướng hữu cơ nên bán được giá cao. Loại lúa này không cần mua giống, chúng tôi lấy thóc từ vụ này để làm giống cho vụ sau. Mỗi vụ nhà tôi thu hoạch được khoảng 5 tạ thóc, bán với giá 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu về 18 triệu đồng. Lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, lúa sau khi cấy 75 ngày đã có thể thu hoạch, mỗi năm chúng tôi làm 2 vụ từ tháng 2 đến tháng 10.

Ông Hà Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên, cho biết: Lúa tẻ râu là giống lúa đặc sản của địa phương, có giá trị cao. Gạo tẻ râu ở bản Bướt được các khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thị trường rộng mở. Những năm gần đây, xã vận động nhân dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với mong muốn xây dựng thành sản phẩm OCOP cho sản phẩm đặc sản địa phương.

Sản phẩm gạo tẻ râu bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ được đóng gói

Lúa tẻ râu bản Bướt với nhiều ưu điểm đang được mọi người ưa chuộng, hứa hẹn trong thời gian tới sẽ phát triển cả về diện tích, sản lượng và xây dựng thượng hiệu sản phẩm, có đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Phạm Hoa (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/dac-san-gao-te-rau-huu-co-ban-buot-mQfbcq7Ig.html