Đặc sắc Tết té nước của dân tộc Lào ở Điện Biên

Ngày 13 và 14-4, cộng đồng dân tộc Lào sinh sống tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tưng bừng tổ chức Tết truyền thống Bun Huột Nặm (Tết té nước)

Đặc sắc Tết té nước của dân tộc Lào ở ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Văn Duẩn

Dân tộc Lào là một trong cộng đồng 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có Tết té nước. Theo tiếng Lào, "Bun" có nghĩa là lễ hội hoặc tết hay còn có nghĩa là phúc, "Huột" là té, "Nặm" là nước. "Bun Huột Nặm" được hiểu là lễ hội té nước hoặc Tết té nước của dân tộc Lào.

Cứ vào giữa tháng 4 dương lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Lào ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên lại nô nức tổ chức Tết té nước hay còn gọi là "Bun Huột Nặm" để chào đón năm mới.

Bun Huột Nặm là một nghi lễ trong dịp Tết truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Bà con dân tộc Lào ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vui trong lễ hội Tết té nước. video: Văn Duẩn

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Lào, bởi người dân quan niệm đó là dịp để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, phát triển.

Bun huột nặm cũng là dịp tẩy rửa những điều không tốt của năm cũ, để bước sang một năm mới nhiều may mắn cho các thành viên, các gia đình và cộng đồng. Bun huột nặm còn là dịp để người dân thể hiện sự sáng tạo của mình qua những trò chơi dân gian, những điệu múa truyền thống đặc trưng riêng của dân tộc Lào.

Từ lâu, người Lào đã định cư, lập nghiệp ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Quá trình phát triển, cùng với sự giao thoa văn hóa, nên nhiều phong tục của dân tộc Lào đã dần mai một. Năm 2015, Tết té nước được phục dựng và được người dân tộc Lào ở bản Na Sang I duy trì tổ chức vào đúng thời điểm diễn ra Tết truyền thống của người Lào (từ ngày 14 đến ngày 16-4 dương lịch), góp phần tái hiện lại những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lào.

Nghi thức xin nước từ những gia đình làm ăn phát đạt - Ảnh: Văn Duẩn

Với mong muốn năm mới người được té nước sẽ gặp may mắn và tốt lành, nên tại Lễ hội Bun huột nặm mọi người thoải mái té nước vào nhau để gột rửa những điều xui xẻo trong năm cũ.

Ngoài ý nghĩa đó thì Lễ hội té nước còn thể hiện sự mong muốn bước vào vụ mùa năm mới với mưa thuận gió hòa, cầu cho mưa về tắm mát ruộng đồng, làm mềm đất rẫy để người dân tra hạt.

Lễ hội Bun huột nặm gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ thường bắt đầu với các nghi lễ cúng bản, cúng tổ tiên. Trước khi diễn ra các hoạt động lễ hội sôi nổi, người Lào sẽ tổ chức cúng bản, cúng tổ tiên để tống tiễn mùa khô, tẩy rửa những điều xui xẻo trong năm cũ và cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, người dân trong bản được ấm no, hạnh phúc

Bà con người Lào đã thức dậy để chuẩn bị cho ngày Tết. Họ chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất để đi đến nơi diễn ra các nghi thức cúng tế thần linh. Tại khu vực làm lễ, thầy mo và những người cao tuổi trong bản sẽ thay mặt người dân làm lễ cầu may mắn, bình an cho tất cả mọi người

Cúng bản, cúng thần linh là một nghi lễ tâm linh sâu sắc của người Lào, thể hiện sự biết ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn. Sau khi lễ cúng kết thúc, thầy mo sẽ dùng một thứ nước thơm được chế từ cây cỏ, vảy lên người tất cả những ai có mặt ở buổi lễ để cầu may.

Những người già sẽ thực hiện nghi thức cầu may mắn gọi là "Phúk Khen" - lễ "buộc chỉ cổ tay" cho mọi người. Nghi lễ này cầu cho mọi người may mắn, mạnh khỏe, bình an. Sợi chỉ buộc cổ tay còn mang ý nghĩa nối liền sự gắn kết cộng đồng từ dòng họ này đến dòng họ kia, từ dân tộc này đến dân tộc khác, thể hiện sự thương yêu bền chặt, lâu dài

Kết thúc nghi thức cúng tế thần linh, chủ tế sẽ dẫn tất cả mọi người ra bờ suối Nậm Núa để làm lễ cầu mưa (só nặm phạ phốn).

Lễ cầu mưa được thực hiện bên bờ suối, chủ tế sẽ cảm ơn thần sông, thần suối và cầu cho dân bản được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Tất cả các lễ vật sau đó được chia đều cho mọi người ăn lấy may.

Nhiều du khách chụp ảnh lưu niệm tại Tết té nước của dân tộc Lào ở Điện Biên

Sau lễ cầu mưa, mọi người xuống suối té nước vào nhau để cầu chúc sức khỏe và đằm mình trong dòng suối mát nhằm làm thanh khiết bản thân.

Sau khi té nước vào người, người dân sẽ mang nước về té vào nhà cửa, đồ thờ cúng, vật nuôi và công cụ sản xuất vì tin rằng nước sẽ giúp gột rửa những điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ, mạnh khỏe...

Tết té nước của dân tộc Lào ở Điện Biên

Điệu múa Lăm Vông của dân tộc Lào

Phụ nữ các dân tộc trong trò chơi Hái dưa chín của bà con dân tộc Lào

Trò chơi Hái dưa chín của dân tộc Lào

Phần sôi nổi nhất là mọi người cùng té nước vào nhau để cầu may mắn

Các cô gái Lào rủ nhau đi té nước

Nhiều du khách cũng tham gia té nước cùng bà con dân tộc Lào

Bà con đi chơi lễ hội trong những bộ quần áo mới

Những bộ quần áo mới nhất sẽ được mặc để đi chơi tết truyền thống

Phóng sự ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/video-dac-sac-tet-te-nuoc-cua-dan-toc-lao-o-dien-bien-196240414132424909.htm