Đặc sắc Tết rừng Nà Hẩu

Sáng 9/3, tức ngày 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn, tại những cánh rừng thiêng thuộc xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên đã đồng loạt diễn ra 'Lễ cúng rừng', hay còn gọi là 'Tết rừng'. Đây là một nghi lễ truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với đồng bào Mông Nà Hẩu.

Tới dự động viên và chia vui cùng bà con người Mông xã Nà Hẩu có các đồng chí; Chu Đình Ngữ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện Văn Yên cùng đông đảo du khách gần, xa.

Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn lượt du khách và đồng bao dân tộc Mông xã Nà Hầu đã có mặt tại những khu rừng thiêng của các thôn Bản Tát, Ba Khuy, Trung Tâm để được chứng kiến các nghi lễ cúng rừng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây và hòa mình cùng những cảnh sắc núi rừng tự nhiên, tận hưởng không khí trong lành của những cánh rừng nguyên sinh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.

Lễ cúng rừng chứa đựng trong đó tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở tất cả các thôn bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm - rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng với những quy định "bất khả xâm phạm”.

Theo quan niệm của người Mông, những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm. Cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng Âm lịch hàng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu "rừng cấm, rừng thiêng” của thôn để cùng tổ chức "lễ cúng Thần rừng”.

Lễ Cúng rừng là nghi lễ truyền thống quan trọng bậc nhất của người Mông, để cầu mong Thần rừng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản. Đây cũng là dịp để nhân dân trong bản lên kế hoạch cho việc bảo vệ rừng cho cả năm.

Sau lễ hội Tết rừng, theo tập tục của người Mông, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần Rừng. Cũng trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục, đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo…

Những nghi lễ truyền thống linh thiêng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, cùng với tình yêu rừng, trách nhiệm giữ rừng của người Mông xã Nà Hẩu được truyền từ đời này cho đời khác.

Người Mông Nà Hẩu quản lý rừng bằng luật tục và Tết rừng đã trở thành một tập quán lâu đời để người Mông nơi đây nhớ về cội nguồn, nhắc nhau cùng chung tay xây dựng một cuộc sống ấm no, an toàn giữa đại ngàn xanh thẳm.

Tết rừng cũng là dịp để mỗi nhân dân, du khách thêm trân trọng từng cây xanh, từng cánh rừng và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

* Một số hình ảnh Lễ cúng rừng tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên:

Lễ cúng rừng diễn ra dưới gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành văn hóa- thể thao và du lịch, huyện Văn Yên trong trang phục truyền thống của người Mông chứng kiến nghi lễ cúng rừng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chia vui cùng bà con người Mông tại lễ cúng rừng.

Bà con tổ chức ăn Tết và Hội thề giữ rừng.

Một số hoạt động thi đấu thể thao tại lễ hội.

Đức Toàn – Nhóm PV Trung tâm TT – VH huyện Văn Yên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/319488/dac-sac-tet-rung-na-hau.aspx