Đặc sắc lễ mừng lúa mới ngày cuối năm của người Ba Na ở Bình Định

Những ngày cuối năm, đồng bào dân tộc Ba Na tại Buôn làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh, Bình Định) lại rộn ràng niềm vui trong Lễ hội mừng lúa mới.

Lễ hội lúa mới người Ba Na tại Bình Định.

Sinh sống từ lâu đời trên vùng đất huyện Vân Canh (Bình Định), cộng đồng người Ba Na hình thành ở phía Tây tỉnh Bình Định. Sau này, họ dần di chuyển xuống vùng thấp hơn.

Cộng đồng người Ba Na ở đây lưu giữ một nền văn hóa phong phú đặc sắc, trong đó Lễ hội mừng lúa mới - một nghi lễ nông nghiệp phản ánh sinh động bản sắc văn hóa ấy.

Với người Ba Na tại buôn Hà Văn Trên hay người Ba Na ở các vùng khác, Lễ mừng lúa mới là lễ hội chung của cộng đồng, được tiến hành ở nhà rông chung, còn Lễ cúng cơm thì làm tại từng gia đình.

Người Ba Na sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là canh tác nương rẫy và thường nuôi gia cầm, gia súc như trâu, bò, dê, lợn, gà.

Lễ mừng lúa mới là dịp để toàn thể dân làng tạ ơn với thần lúa (Yang Sri). Theo quan niệm của họ, thần lúa đã giúp dân làng có được một vụ mùa bội thu, no đủ. Đây cũng là một lễ hội lớn có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Ba Na.

Những ngày này, buôn Hà Văn Trên vang vọng tiếng cồng chiêng xen lẫn tiếng cười vui của các cụ già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú... người Ba Na. Điều này chứng tỏ năm vừa qua, buôn đã có được một mùa bội thu.

Lễ vật trong Lễ mừng lúa mới gồm 1 con heo, 2 con gà và 5kg cốm được giã ra từ lúa mới, nồi cơm mới, bột gạo, măng... cùng 3 ghè rượu lớn.

Già làng phân công nhiệm vụ mỗi người một việc để Lễ hội diễn ra chu đáo. Phụ nữ thì cột ghè rượu, khiêng nước, nấu ăn...

Đàn ông trung niên sắp xếp các dàn cúng (Chơ Đang) để chuẩn bị cho lễ mừng ăn cơm mới của làng mình.

Các hoạt động văn nghệ dân gian diễn ra sôi nổi trong Lễ hội lúa mới, in đậm bản sắc văn hóa của người Ba Na trên vùng đất phía tây Bình Định.

Thiếu nữ múa vũ điệu Xoang là một nét đặc trưng văn hóa của người Ba Na.

Hòa mình vào đội cồng chiêng đầy sống động của Lễ hội lúa mới, dân làng vừa uống rượu vừa hát dân ca, rồi vào từng nhà thăm, chúc sức khỏe để năm sau tiếp tục có một mùa bội thu.

Người Ba Na sinh sống lâu đời nhất vẫn là ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Ba Na có những phong tục tập quán, văn hóa phong phú và giàu bản sắc.

Người Ba Na có bản tính mộc mạc, chất phác, hiền lành và hiếu khách.

Hiện có gần 300 nghìn người Ba Na, sinh sống trải rộng trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, miền Tây của tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Đồng bào Ba Na có nhiều tên gọi khác nhau theo địa bàn cư trú hay phong tục tập quán mỗi vùng như Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông... Các nhóm địa phương: Rơ Ngao, Rơ Lơng (hay Y Lăng), Tơ Lô, Gơ Lar Krem. Tiếng Ba Na thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer (thuộc Ngữ hệ Nam Á).

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dac-sac-le-mung-lua-moi-ngay-cuoi-nam-cua-nguoi-ba-na-o-binh-dinh-ar844589.html