Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

Tối 28/3, tại Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng), UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ qua Chương trình biểu diễn dân gian Holi.

Chương trình góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, vun đắp tình hữu nghị, kết nối và hợp tác phát triển giữa các địa phương của Ấn Độ và tỉnh Hà Nam trong thời gian tới cũng như giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Hà Nam đến với bạn bè quốc tế.

Đại diện Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao quà lưu niệm tại chương trình. Ảnh: Báo HN

Lễ hội Holi là một trong những lễ hội cổ xưa của những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ, Nepal; thường được tổ chức vào ngày trăng tròn cuối cùng của tháng Phalguna theo lịch Hindu (khoảng cuối tháng Hai hoặc tháng Ba dương lịch).

Lễ hội Holi là thời điểm đánh dấu sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, kết thúc mùa Đông và khởi đầu một mùa Xuân mới. Sau nghi lễ thắp đèn truyền thống, những người tham dự sẽ cùng nhau thưởng thức đồ ăn, ném bột màu và hòa mình vào những điệu nhảy truyền thống.

Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hà Nam Ngô Thanh Tuân cho biết: Lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được các nhà lãnh đạo hai nước gây dựng và vun đắp.

Hơn 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.

Những năm qua, cùng với việc tập trung mọi nguồn lực cho phát kinh tế - xã hội, xúc tiến đầu tư nước ngoài, tỉnh Hà Nam cũng rất quan tâm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về văn hóa đa dạng về nội dung, hình thức.

Tỉnh đã phối hợp với Đại sứ quán và nhiều địa phương nước ngoài (trong đó có Ấn Độ) tổ chức thành công các sự kiện giao lưu văn hóa, thể thao quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Chương trình giao lưu biểu diễn múa Holi là một chương trình biểu diễn độc đáo - một sự kiện văn hóa rất có ý nghĩa, qua đó giới thiệu, quảng bá văn hóa Ấn Độ tới đông đảo người dân Hà Nam.

Một trong những tiết mục của các nghệ sỹ Ấn Độ tại chương trình. Ảnh: Báo HN

Tại chương trình, các nghệ sĩ đoàn múa dân gian Pratibha Kala Kendra mang đến cho khán giả Hà Nam 5 tiết mục múa, với các câu chuyện khác nhau xoay quanh cuộc đời và tình yêu của thần Krishna và Radha và lễ hội mùa xuân. Các câu chuyện được thể hiện bằng âm nhạc và các động tác dân gian, trang phục độc đáo đậm bản sắc văn hóa Ấn Độ.

Tiết mục đầu tiên, "Brajvandna", tái hiện nghi lễ cầu nguyện tưởng nhớ đến thần Krishna và Radha, thường mở đầu các sự kiện để cầu chúc thành công. Tiết mục thứ hai, "MayurRaas", kể về tình yêu của nàng Radha dành cho thần Krishna, với điểm đặc biệt là các nghệ sĩ hóa thân vào hình dáng những con công, tượng trưng cho thiên nhiên, thể hiện thông điệp về lan tỏa tình yêu đến thế giới, nhân loại.

Tiết mục thứ ba là một phân đoạn của vở múa "Raasleela", tái hiện lại mối gắn kết giữa thần Krishna và những người tôn sùng. Tiết mục thứ tư là "Barsaneki Lathamar Holi", điệu múa truyền thống được trình diễn trong dịp Lễ hội Holi (Sắc màu), mùa xuân ở miền Bắc Ấn Độ. Tiết mục cuối cùng là Phoolonki Holi (Holi và hoa), điệu múa ăn mừng với hoa trong lễ hội Holi.

Về phía Hà Nam đã lựa chọn một số tiết mục như dân ca: “Mời trầu”, “ba quan”; hát chèo “cảm xúc mùa xuân; “diễn xướng chầu văn – cô bé thượng ngàn” để biểu diễn trong chương trình với mong muốn giao lưu, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của tỉnh tới những người bạn Ấn Độ.

Một trong những tiết mục trình diễn nghệ thuật dân gian của Việt Nam. Ảnh: hntv

Chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Ấn Độ là sự kiện rất có ý nghĩa, qua đó giới thiệu, quảng bá văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Ấn Độ tới đông đảo người dân Hà Nam ngay tại quê nhà.

Đồng thời, cũng là dịp để tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, vun đắp tình hữu nghị, kết nối và hợp tác phát triển giữa các địa phương của Ấn Độ và tỉnh Hà Nam trong thời gian tới cũng như giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Hà Nam đến với bạn bè quốc tế.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dac-sac-chuong-trinh-bieu-dien-dan-gian-holi-cua-nguoi-an-do-tai-ha-nam-post289622.html