Đà Nẵng: Nguy cơ xuất khẩu không hoàn thành chỉ tiêu

Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, trong tháng 10-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của TP đạt khoảng 155 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất của TP đạt khoảng 1,54 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu ở Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (TP Đà Nẵng).

Đáng lưu ý hơn, so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng mũi nhọn của TP trong 10 tháng năm 2023 đều giảm, như: kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt khoảng 415 triệu USD, giảm 10,2%; tương tự, thủy sản đạt khoảng 182 triệu USD, giảm 11,7%; đồ chơi trẻ em đạt khoảng 82,2 triệu USD, giảm 8%; động cơ và thiết bị điện tử đạt khoảng 529 triệu USD, giảm 9,9%... Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023, nhưng bối cảnh tình hình địa chính trị, kinh tế trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, xem ra, kim ngạch xuất khẩu của TP đứng trước nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu đề ra là tăng từ 6 - 7% so với năm 2022, tương đương, mức kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 phải phấn đấu đạt được khoảng hơn 2,1 tỷ USD.

Chia sẻ về các nguyên nhân khiến cho kim ngạch xuất khẩu của TP bị sụt giảm trong 10 tháng qua, bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, trước hết là do nguyên nhân khách quan từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian qua, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng trên toàn thế giới đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng. Tiếp đến là tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài và chưa có hồi kết, gần đây lại bùng nổ chiến sự ở khu vực Trung Đông đã gây trở ngại cho hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu của TP ra thế giới, đặc biệt là vào các thị trường trọng điểm như Châu Âu, Trung Đông.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan từ bên ngoài, theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của TP, còn có nguyên nhân đến từ tình hình trong nước như: chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, v.v… đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng, cộng thêm các chi phí khác như: nhân công, vận chuyển, logistics… cũng tăng cao đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu cũng như làm giảm hiệu quả xuất, dẫn đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không dám nhận nhiều đơn hàng mà chỉ sản xuất, xuất khẩu cầm chừng nhằm phòng tránh rủi ro. Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu Hương Quế (Q.Liên Chiểu) chia sẻ thêm: Việc thiếu mặt bằng cho sản xuất, lãi suất cho vay hiện đã giảm so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao, khó tiếp cận nguồn vốn… cũng gây nhiều áp lực, trở ngại cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp TP.

Ngoài ra, theo ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng, kim ngạch xuất khẩu của TP sụt giảm thời gian qua có nguyên nhân từ những tồn tại, nội tại của các doanh nghiệp xuất khẩu của TP. Cụ thể là giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp, chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và lao động giá rẻ; chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý, v.v… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao; phần lớn nguyên liệu làm hàng xuất khẩu của doanh nghiệp TP phải nhập từ nước ngoài nên khi thế giới có biến động sẽ ảnh hưởng ngay đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp…

Thời gian của năm 2023 còn lại không nhiều, trong khi đó, mức kim ngạch xuất khẩu còn lại để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cả năm là rất lớn đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng cao độ không chỉ đến từ cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu của TP mà còn cả các cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng đề nghị UBND TP, Sở Công Thương TP và các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm xử lý, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nói chung, đẩy mạnh xuất khẩu nói riêng. Bà Mai Thị ý Nhi - Giám đốc Công ty Mỹ Phương Food (H.Hòa Vang) mong muốn Sở Công Thương TP tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến xuất khẩu; đặc biệt là tham gia các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu giữa doanh nghiệp TP với doanh nghiệp nước ngoài đạt hiệu quả, chất lượng.

Đại diện lãnh đạo một công ty xuất khẩu hàng dệt may trên địa bàn TP chia sẻ thêm: Để hỗ trợ doanh nghiệp TP đẩy mạnh xuất khẩu, Sở Công Thương TP cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cơ quan đầu mối triển khai các hiệp định thương mại liên quan đến xuất khẩu như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP, v.v...; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và tham mưu UBND TP phê duyệt và ban hành các chính sách khuyến công, khuyến khích phát triển sản phẩm xuất khẩu, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ logistics, v.v... để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất nói chung, xuất khẩu nói riêng của doanh nghiệp trên địa bàn TP.

PHÚ NAM

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/da-nang-nguy-co-xuat-khau-khong-hoan-thanh-chi-tieu-post285849.html