Đà Nẵng: Hiện thực hóa Thành phố thông minh

Đà Nẵng nhiều năm liền đứng đầu cả nước về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Đà Nẵng cũng là thành phố tiên phong cả nước xây dựng Thành phố thông minh. Bộ TT&TT cam kết hỗ trợ để Đà Nẵng sớm hiện thực hóa xây dựng TP thông minh.

Sáng ngày 6/10/2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Ủy viên Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin và đoàn công tác đã làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về tình hình ứng dụng CNTT tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng làm việc với Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của thành phố Đà Nẵng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế do cơ chế, chính sách, Cụ thể là đến nay, Chính phủ chưa ban hành mục lục ngân sách riêng cho CNTT theo Luật Công nghệ thông tin và Nghị quyết 36a/NQ-CP, gây khó khăn cho các địa phương trong việc bố trí đủ nguồn kinh phí đủ để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử; Chưa có quy định hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản điện tử có chữ ký số, quy trình thực hiện lưu trữ văn bản điện tử… để các địa phương có cơ sở thực hiện.

Về ứng dụng CNTT, các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền quốc gia để làm nền tảng cho các hệ thống thông tin của các Bộ ngành và địa phương phát triển như CSDL về Dân cư, Doanh nghiệp, Đất đai… vẫn chưa được xây dựng xong hoặc chưa được chia sẻ rộng rãi cho các bộ ngành, địa phương khai thác, gây trở ngại cho công tác ứng dụng CNTT.

Nhiều hệ thống thông tin của các Bộ, ngành được triển khai nhưng không khảo sát thực trạng của địa phương; không qua ý kiến kiến thẩm định về mặt chuyên môn của Bộ TT&TT, dẫn đến chồng chéo, trùng lặp, không có khả năng tích hợp. Một số ứng dụng được các Bộ, ngành triển khai sau nhưng lại phủ nhận, không có tính kế thừa với các ứng dụng tương tự đã triển khai trước và hiệu quả tại địa phương gây ra sự chồng chéo, lãng phí.

Một số ứng dụng được các Bộ, ngành triển khai từ Trung ương đến địa phương (ứng dụng ngành dọc) nhưng không liên thông chia sẻ dữ liệu, không tương thích với các ứng dụng đang triển khai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, dẫn đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc ứng dụng CNTT đã được thành phố xây dựng trong nhiều năm qua. Hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các quy định pháp lý thay đổi thường xuyên; quy trình thủ tục hành chính vẫn còn quá rườm rà, các hồ sơ đầu vào yêu cầu công dân phải nộp vẫn còn rất phức tạp, không thuận lợi cho việc trực tuyến hóa các thủ tục hành chính.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng xác định ngành CNTT là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thành phố. Vì vậy, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đổi mới để không tụt hậu. Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cấp chính quyền điện tử, cải cách các thủ tục hành chính tốt nhất, nâng cao chất lượng các dịch vụ công hướng đến phục vụ người dân.

Về đề án xây dựng Thành phố thông minh, ông Đặng Việt Dũng cho rằng tuy Đà Nẵng là thành phố tiên phong xây dựng thành phố thông minh nhưng chỉ mới có một số ứng dụng được triển khai như ứng dụng quản lý xe buýt công cộng, quản lý chất lượng nguồn nước…Vì vậy, ông Dũng mong muốn Bộ TT&TT tiếp tục quan tâm giúp đỡ Đà Nẵng về chuyên môn, kinh phí, tháo gỡ cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho ngành CNTT của Đà Nẵng phát triển và sớm hiện thực hóa ước mơ đưa Đà Nẵng trở thành Thành phố thông minh.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao Đà Nẵng nhiều năm liền đứng đầu cả nước về chỉ số ứng dụng CNTT. Thứ trưởng cho biết trong đợt công tác này của đoàn không chỉ kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT của địa phương mà còn xem xét kinh nghiệm của Đà Nẵng trong việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử để làm cơ sở đề nghị một số địa phương khác áp dụng theo mô hình của Đà Nẵng.

Giải đáp kiến nghị của Đà Nẵng về tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế, chính sách như Nghị định 102/2009/NĐ-CP quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, Quyết định 80/2014/QĐ-TTG quy định thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước,... Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết Bộ TT&TT đã ghi nhận những bất cập trong các văn bản này, tuy nhiên các văn bản pháp lý về lĩnh vực CNTT liên quan đến nhiều Bộ, ngành nên Bộ TT&TT sẽ cố gắng tháo gỡ dần dần nhằm tạo hành lang pháp lý cho các địa phương triển khai.

Về kết nối liên thông CSDL, Thứ trưởng cho rằng mặc dù đã có Thông tư hướng dẫn việc kết nối dữ liệu giữa Trung ương và địa phương nhưng trong quá trình thực hiện một số cơ quan vẫn chưa tuân thủ. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu Cục Tin học hóa tập hợp những vướng mắc, báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về ứng dụng CNTT để tháo gỡ.

Về triển khai các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Thứ trưởng lưu ý Đà Nẵng nên xác định dịch vụ nào cần thiết phục vụ người dân và doanh nghiệp thì triển khai, tránh tình trạng xây dựng dịch vụ vì thành tích, xây dựng dịch vụ nhưng không tạo điều kiện cho người dân sử dụng… Bộ TT&TT đang xây dựng một công cụ để đo lường, kiểm tra, đánh giá từ xa mức độ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ ngành, địa phương.

Thứ trưởng cũng đề nghị Đà Nẵng sau khi hoàn thiện Khung kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh gửi Bộ TT&TT thẩm định để có thể góp ý, điều chỉnh, hỗ trợ Đà Nẵng sớm xây dựng mô hình Thành phố, thông minh.

Theo báo cáo về tình hình ứng dụng CNTT tại TP Đà Nẵng, TP Đà Nẵng đã ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý về CNTT, tăng cường công tác ứng dụng và phát triển CNTT, công nghiệp CNTT của Đà Nẵng. Hạ tầng CNTT được đầu tư hiện đại, đồng bộ, hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng tốt các hoạt động của chính quyền thành phố như: Mạng đô thị thành phố (mạng MAN) để tạo hạ tầng kết nối riêng cho ứng dụng chính quyền điện tử, với trên 300km cáp quang đi ngầm, kết nối tất cả sở ban ngành, UBND quận huyện và xã phường, với băng thông kết nối nội mạng (Intranet) từ 1Gbps đến 20Gbps và kết nối tập trung ra Internet với băng thông lên đến 4,5 Gbps… Trung tâm dữ liệu chuyên dụng có dung lượng lưu trữ đến 100TB, sử dụng công nghệ ảo hóa; đáp ứng nhu cầu lưu trữ các cơ sở dữ liệu, các phần mềm/ứng dụng dùng chung, là nơi lưu ký các trang/cổng thông tin của cơ quan đảng và nhà nước bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Hệ thống kết nối không dây công cộng có 430 trạm thu phát sóng (AP); phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường; các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng; Trung tâm Thông tin dịch vụ công có quy mô 100 bàn tiếp nhận và giải đáp thông tin thủ tục hành chính, đóng vai trò đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, góp ý của người dân/doanh nghiệp chuyển cơ quan chức năng xử lý.

Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp: Cổng thông tin điện tử của thành phố (danang.gov.vn) và các trang thông tin điện tử chuyên ngành của các sở ban ngành, quận huyện đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện, cung cấp đầy đủ thông tin là kênh chính thức cung cấp thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tổng đài Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng đóng vai trò là đầu mối tiếp nhận thông tin của người dân, doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2016, Tổng đài đã tiếp nhận và chuyển xử lý 3.100 lượt.

Hệ thống đào tạo trực tuyến (daotao.danang.gov.vn) cung cấp cho CBCCVC, doanh nghiệp và người dân các khóa đào tạo chuyên đề về CNTT từ cơ bản đến nâng cao, hướng đến xây dựng một thế hệ “Cán bộ điện tử”, “Doanh nghiệp điện tử’ và “Công dân điện tử”, góp phần sử dụng, khai thác có hiệu quả các chức năng của Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng.

1.155 thủ tục hành chính đã được tin học hóa thông qua Hệ thống Một cửa dùng chung, 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 toàn thành phố đạt 520 dịch vụ, trong đó có trên 300 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4.

Đoàn Hạnh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-nang-hien-thuc-hoa-thanh-pho-thong-minh-post210837.info