Đà Nẵng cần thận trọng khi nâng công suất các mỏ đất, đá

Nhu cầu nguồn cung đất san lấp, đá xây dựng tại Đà Nẵng để phục vụ các công trình dự án đang rất lớn. Việc thiếu nguồn cung vật liệu sẽ ảnh hưởng tiến độ giải ngân đầu tư nhiều công trình, dự án. Tuy nhiên, cũng không vì áp lực này mà TP cho gia hạn, nâng công suất các mỏ khai khoáng.

Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Võ Nguyên Chương cho biết Đà Nẵng đang thiếu hơn 4,2 triệu m3 đất san lấp phục vụ các công trình dự án mỗi năm.

Mỗi năm thiếu hơn 5 triệu khối đất, đá

Ông Võ Nguyên Chương- Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, Đà Nẵng có 10 mỏ khoáng sản đang hoạt động (trong đó 9 mỏ đá), mỗi năm cung cấp 300 ngàn m3 đất san lấp và hơn 870 ngàn m3 đá xây dựng thông thường. So với nhu cầu thực tế hiện nay, mỗi năm TP thiếu hơn 1,4 triệu m3 đá và hơn 4,2 triệu m3 đất. Đơn cử tại dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung cần hơn 1,6 triệu m3 đá, nguồn cung đá của TP không đáp ứng đủ, phải nhập từ các địa phương lân cận. Ông Chương cho biết, giải pháp để đảm bảo nguồn cung khoáng sản cho các công trình, dự án đầu tư công là nâng cấp, gia hạn các mỏ còn trữ lượng, đồng thời đấu giá quyền khai thác các mỏ nằm trong quy hoạch, cấp phép để điều phối khối lượng đất đá dư thừa tại các dự án. Tuy nhiên, đất, đá là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, không thể khai thác tận thu để phải trả giá trong tương lai. Vì thế, khi đề xuất nâng cấp các mỏ đang còn trữ lượng nhưng đã hết thời hạn khai thác phải đánh giá thận trọng những tác động cả hiện tại và tương lai, tính toán, xác định được chính xác nhu cầu trong từng thời điểm. Hiện nay công trình lớn nhất cần đá xây dựng là dự án cảng Liên Chiểu, nhưng đang có nguồn mua tại các tỉnh lân cận. Nếu cố gắng duy trì được nguồn thu mua này, TP sẽ giữ được các mỏ khoáng sản, không phải khai thác theo hướng tận thu.

Ông Tô Văn Hùng- Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến khối lượng đất đá san lấp cho các dự án rất lớn xuất phát từ việc dựa vào quy định của Bộ Xây dựng về xác lập tần suất ngập lũ. Cho dù quy chuẩn đã xác lập nhưng với đặc thù Đà Nẵng không thể áp dụng được, bởi lẽ nếu áp dụng, riêng Hòa Vang đô thị loại 4 mà xác định tần suất ngập lụt 1% thì không lấy đâu ra đất để san lấp. Chưa nói, theo quy hoạch, khi xác lập cao độ nền, gần như cả Đà Nẵng đều phải san lấp cao độ nền, không thể có đất đá làm việc này. Ông Hùng chia sẻ, hiện nay ở Đà Nẵng có nguồn san lấp rất lớn chưa được tận dụng chính là vật liệu xà bần. Qua nghiên cứu bình quân một ngày trên địa bàn phát sinh 900 tấn. Vì vậy, cần có giải pháp nghiên cứu, tận dụng nguồn vật liệu này trong tương lai để giảm bớt đất san lấp.

Đừng chỉ nghĩ lấy đất, đá ở Hòa Vang

Ông Tô Văn Hùng nói, các chủ đầu tư khi lập dự án đề nghị không đưa phương án lấy nguồn đất san lấp tại Đà Nẵng, vì khẳng định TP không còn. Đừng bao giờ nghĩ rằng cứ đất ở Hòa Vang là đủ điều kiện san lấp. Trong các nghị quyết đã xác lập Hòa Vang là đô thị sinh thái thì không thể lấy đất san lấp được.

Hiện trạng khai thác đá để lại những hố sâu khổng lồ, vách dựng đứng trên núi Phước Tường (Đà Nẵng).

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho rằng, việc khai thác khoáng sản không tái tạo chỉ cho phép trên cơ sở cân đối được nhu cầu thực tế. Bài học thực tế, từ năm 2008 TP cho khai thác hàng loạt, đến năm 2013 kiểm tra, phát hiện hàng loạt sai phạm, yêu cầu khắc phục. Nhưng những sai phạm từ năm 2013 đến giờ khắc phục vẫn chưa xong. Một số mỏ khai thác xong chủ mỏ vứt máy móc chạy, không tổ chức hoàn thổ, tạo những lỗ hổng sâu, giao lại cho địa phương không biết sản xuất cái gì. Qua báo cáo 20 mỏ thì 8 đến 9 mỏ bỏ đi không khắc phục môi trường, tạo thành vấn đề nhức nhối. Ông Nam cũng cho biết, các mỏ khoáng sản chỉ tập trung ở Hòa Vang mà TP lại định hướng xây dựng Hòa Vang là đô thị sinh thái, không thể cho khai thác nham nhở được. Ở Hòa Vang chủ yếu rừng, đang tập trung phát triển tín chỉ cacbon thì phải có rừng. Nếu tiếp tục cho khai thác đất đá thì rừng ở đâu, làm sao phát triển đô thị xanh, vùng lõi xanh của thành phố?.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhắc lại, năm 2013 Đà Nẵng mở đường cao tốc, thiếu đất đá vì thế Chính phủ cho phép nâng công suất các mỏ khoáng sản nhưng không quá 50%. Bây giờ, Sở TN&MT trình lên văn bản, trong 7 doanh nghiệp thì doanh nghiệp nâng công suất khai thác ít nhất trên 100%, doanh nghiệp cao nhất nâng tới 400%. Vì sao nâng công suất nhiều thế? Cũng theo ông Nam, trong khi các địa phương khác siết chặt các mỏ, giảm công suất thì Đà Nẵng lại ép nâng công suất mỏ. Phải khẳng định Đà Nẵng không có tham vọng xuất khẩu đá. “Chúng ta cứ hô hào phát triển bền vững, nhưng một trong những nguyên tắc phát triển bền vững là khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản của thế hệ này không ảnh hưởng thế hệ sau. Tôi cam đoan nếu cho khai thác như mong muốn của các chủ mỏ như bây giờ thì 15 năm nữa Hòa Vang không còn núi đồi”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhận định.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/da-nang-can-than-trong-khi-nang-cong-suat-cac-mo-dat-da-post291492.html