Đà Nẵng: Cần có kế hoạch giám sát tiến độ và chất lượng các đồ án quy hoạch phân khu của thành phố

Sau Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đã tiến hành thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án phân khu của thành phố. Tuy nhiên, công tác thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Ông Lê Tùng Lâm, Bí thư quận Thanh Khê kiến nghị thành phố chỉ đạo, xây dựng quy chế, quy trình kiểm soát thật tốt chất lượng các đồ án, vừa căn cứ theo pháp luật hiện hành, các tiêu chuẩn xây dựng, quy hoạch và xuất phát từ tình hình thực tiễn.

Liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố, tại Kỳ họp cuối năm 2023 (Kỳ họp thứ 15), HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Lê Tùng Lâm, Bí thư quận Thanh Khê đã có tham luận về vấn đề trên.

Theo ông Lê Tùng Lâm: Đánh giá tình hình, kết quả triển khai, tiến độ lập 19 đồ án quy hoạch phân khu của thành phố, đến nay thành phố đã xây dựng kế hoạch, và tập trung triển khai công tác lập, thẩm định 19 đồ án, trong đó có 9 đồ án quy hoạch phân khu đô thị; 10 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng chức năng. Hiện nay, thành phố đã phê duyệt được 03/19 đồ án quy hoạch phân khu, trong đó có 02 đồ án phân khu đô thị: Phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, phân khu huyện lỵ Hòa Vang và 01 phân khu xây dựng chức năng: Phân khu khu liên hiệp thể dục thể thao Hòa Xuân.

Mặc dù thành phố đã tập trung, nỗ lực triển khai, nhưng tiến độ lập thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu vẫn còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định và phát triển của thành phố, ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch chi tiết và xúc tiến các dự án đầu tư. Về nguyên nhân, UBND thành phố và Sở Xây dựng đã giải trình, gồm nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Đặc biệt, năm 2022, thành phố đã tập trung chỉ đạo và Sở Xây dựng cũng đã phối hợp các đơn vị liên quan để tích cực khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong quá trình lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu nêu trên. Thời gian tới, hy vọng với sự tập trung, quyết tâm, tích cực, nỗ lực cao nhất thì 16 đồ án còn lại sẽ được lập, góp ý thẩm định, phê duyệt đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong năm 2024.

Đối với các vấn đề liên quan đến ban hành quy trình đảm bảo và cơ chế kiểm soát chất lượng các đồ án quy hoạch phân khu, ông Lê Tùng Lâm cho rằng: Trong quá trình làm việc và góp ý các đồ án, đề nghị UBND thành phố quan tâm, xem xét chỉ đạo Sở Xây dựng và các Ban quản lý dự án và các đơn vị tư vấn lưu ý một số nội dung cụ thể như: Đề nghị chỉ đạo Sở Xây dựng, các Ban quản lý dự án và các đơn vị tư vấn sau khi tiếp thu ý kiến của địa phương, cần phản hồi và điều chỉnh bổ sung thuyết minh vào bản vẽ của các đồ án quy hoạch phân khu liên quan đến địa phương, nhất là các ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của địa phương có căn cứ, cơ sở và khả thi. Thực tế, các quy hoạch sử dụng đất và các dự án trọng điểm liên quan địa phương cũng được địa phương phối hợp với các đơn vị tư vấn và các Sở, ngành đề xuất, cụ thể hóa thành nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong nhiệm kỳ này và thời gian đến. Vấn đề là Sở Xây dựng, các ban quản lý và các đơn vị tư vấn có thực sự xem xét, cập nhật, tiếp thu đầy đủ, kịp thời, chính xác các đề xuất, kiến nghị hết sức cụ thể của địa phương hay không.

Đề xuất cho phép UBND quận phối hợp xem xét lần cuối các đồ án toàn phân khu liên quan đến địa phương để kiểm soát chất lượng các đồ án được tốt hơn.

Dưới góc độ địa phương, địa phương kỳ vọng rất lớn vào việc lập, phê duyệt các đồ án phân khu lần này sẽ là công cụ góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và các tiện ích công cộng tại địa phương nhằm đảm bảo trật tự, an toàn, mỹ quan đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Kỳ vọng quy hoạch phân khu là cơ sở để lập quy hoạch chi tiết và triển khai thành công các nhiệm vụ, các dự án đã được cụ thể hóa từ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên quan. Địa phương rất quan tâm vấn đề nghiên cứu, đề xuất quy hoạch sử dụng đất, do vậy, đề nghị các ban quản lý và các đơn vị tư vấn cần quan tâm xác định đúng vị trí, ranh giới chức năng, mục đích sử dụng đất đối với các lô đất, dự kiến sử dụng để triển khai các dự án trọng điểm, các dự án phục vụ công cộng tại địa phương.

Đồng thời kiến nghị thành phố chỉ đạo, xây dựng quy chế, quy trình kiểm soát thật tốt chất lượng các đồ án, vừa căn cứ theo pháp luật hiện hành, các tiêu chuẩn xây dựng, quy hoạch và xuất phát từ tình hình thực tiễn. Kiến nghị Sở Xây dựng cần phản hồi thông tin đầy đủ, thuyết phục các nội dung kiến nghị, thống nhất, không thống nhất và nêu rõ lý do làm cơ sở thông tin đến cử tri. Và cho phép UBND quận phối hợp xem xét lần cuối bằng cách kiểm tra và ký vào bản vẽ đồ án toàn phân khu liên quan đến địa phương mình. Ví dụ, quận Thanh Khê liên quan đến 03 đồ án quy hoạch phân khu thì cho phép Chủ tịch UBND quận có ý kiến và ký vào bản vẽ đồ án. Đó cũng là hình thức góp phần kiểm soát chất lượng các đồ án tốt hơn.

Nguyễn Nam (thực hiện)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/da-nang-can-co-ke-hoach-giam-sat-tien-do-va-chat-luong-cac-do-an-quy-hoach-phan-khu-cua-thanh-pho-366441.html