Đà Lạt - thông, sương và nhạc Trịnh

Giờ đây, Đà Lạt hiện đại hơn với nhiều ngôi biệt thự được nâng cấp, xây mới, tạo một diện mạo sang trọng cho thành phố ngàn hoa. Nhưng, nơi này lại thiếu vắng đi nhịp xe ngựa gõ lóc cóc quanh hồ Xuân Hương, thiếu vắng dáng thiếu nữ cầm ô chầm chậm đếm bước trên con đường vắng. Thông Đà Lạt cũng ít hơn và sương cũng không nhiều như trước. Song Đà Lạt lại có thêm nhiều quán cà phê để chiều lòng du khách.

Đà Lạt bây giờ hiện đại hơn, nhiều ô tô, biệt thự và khách sạn sang trọng. Một thời, người ta có xu hướng "hoang phế hóa biệt thự" thay vào đó là "bê tông hóa” trong kiến trúc, thì giờ đây nhiều ngôi biệt thự được cải tạo nâng cấp, xây mới, tạo một diện mạo an lành và sang trọng cho thành phố ngàn hoa. Người Đà Lạt cũng đông đúc và ồn ã nhiều lần. Khu dân cư tiếp nối nhau, nhà nối nhà người nối người. Và, Đà Lạt vẫn xứng đáng với danh xưng “thành phố ngàn hoa”. Có cảm giác thành phố cao nguyên này bốn mùa “kỳ hoa dị thảo”, trăm hương ngàn sắc muôn phương đều tụ về đây.

Nhưng hơn chục năm mới trở lại, tôi thấy Đà Lạt thiếu vắng nhịp xe ngựa gõ lóc cóc quanh hồ Xuân Hương, thiếu vắng dáng thiếu nữ cầm ô chầm chậm đếm bước trên con đường vắng thoáng mưa thoáng nắng. Chợt thấy thiếu dáng phụ nữ sắc phục K’ho Lạch, Mạ gùi nặng quà rừng xuống phố ra chợ. Thấy thiêu thiếu cả cái mùi của ngo thông đốt lò than bên đường nướng khoai nướng bắp, níu kéo bước chân du khách.

Thông Đà Lạt cũng ít đi. Xa xa, nhiều sườn đồi trơ màu đất đỏ, lấp loáng nhà kính, thiếu vắng dáng thông. Thông Đà Lạt như lạnh hơn, cao vút và dáng thẳng hơn bất kỳ thông xứ nào mà tôi được biết. Trời sinh ra Đà lạt phải gắn với thông. Những biệt thự sang trọng kia, nếu tách khỏi không gian tầng tầng lớp lớp dáng thông cổ thụ cao và lạnh, liệu có còn sang trọng và hấp dẫn nữa không. Tôi chợt nghĩ, một ngày nào đó, Đà Lạt không còn thông chắc chắn là khi ấy, Đà Lạt không còn là Đà Lạt nữa.

Đà Lạt bây giờ rất ít sương. Sáng sớm chỉ còn thấy chút sương la đà trên ngọn thông ở thung lũng dưới xa. Nắng lên, bước ra khỏi phòng vẫn thấy se se lạnh, nhưng không thấy sương đâu nữa. Hơn mười năm trước, Đà Lạt vấn vít sương. Đèo Ngoạn Mục, đỉnh Lang Biang buổi sáng và buổi tối tràn sương. Sương sà mặt hồ Xuân Hương. Sương lãng đãng lũng cao lũng thấp. Sương e ấp ruộng rau vườn hoa. Sương bay cả vào phòng ngủ mỗi khi ta mở cửa phòng. Người đi trên đường buổi sáng, buổi tối, có cảm giác trôi trong đường sương.

Đà Lạt có nhiều quán cà phê. Hình như người Đà Lạt muốn du khách đến xứ này dừng chân để ngắm nghía, thưởng ngoạn, suy ngẫm, nên mới dựng nhiều quán cà phê để chiều lòng du khách. Diễm Xưa là quán cà phê nằm cuối con đường mang tên Khe Sanh, nép bên sườn đồi, lẩn khuất dưới tán thông, cách khá xa trung tâm thành phố. Ánh sáng từ những ngọn nến bé tẹo, lay lay theo hơi thở của khách và chấn âm của giọng hát, thêm mờ ảo, lung linh. Ca sỹ hát nhạc Trịnh không phải bằng kỹ thuật mà bằng tình yêu và sự ngưỡng mộ. Chất thô mộc, với chút rạn chút vỡ trong nốt nhạc như làm cho nhạc Trịnh hoàn hảo hơn.

Trong quán Diễm Xưa, ở phía trước bên phải sân khấu nhỏ là bức ký họa Trịnh Công Sơn khổ lớn, hai màu đen trắng. Ông ngồi đó lặng lẽ, như đang nhìn, lắng nghe người ta hát, người ta thưởng thức âm nhạc của ông. Bức ký họa hình ông với điếu thuốc lá trên môi, mắt mơ màng lãng đãng, đang rời cõi tạm, nhìn về đâu đó xa xôi./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/da-lat-thong-suong-va-nhac-trinh-204958.htm