Đa dạng và phong phú các loại hình du lịch

Về Bình Thuận, chúng ta mới thấy hết tiềm năng du lịch của tỉnh cả về tự nhiên và văn hóa. Một tỉnh nằm ven biển cực Nam Trung bộ, Bình Thuận là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam bộ, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Bình Thuận cũng là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam như Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Bình Thuận 192 km bờ biển cùng nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành cùng với đó là các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây là tiềm năng to lớn để Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng. Bên cạnh đó, Bình Thuận đã và đang triển khai hàng loạt cơ sở hạ tầng về giao thông, khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô để tạo đà cho kinh tế và du lịch của tỉnh cất cánh.

Bình Thuận hiện nay đang mở ra các loại hình du lịch rất đa dạng và phong phú. Du lịch biển, thể thao giải trí mà trọng tâm lấy khu du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân, lan tỏa thúc đẩy phát triển du lịch ra các khu vực khác. Bình Thuận là địa phương có lợi thế lớn về du lịch biển như bờ biển dài, đẹp, nước trong xanh, không khí trong lành; nhiều loại hình hoạt động thể thao giải trí nổi bật như lướt ván buồm, lướt ván diều, chạy xe vượt đồi cát, chạy việt dã... tập trung chủ yếu ở Mũi Né (TP. Phan Thiết), hòn Hồng (huyện Bắc Bình) chính loại hình này tỉnh cũng đã mở thêm ra loại hình du lịch mạo hiểm, trải nghiệm… Du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe phát triển ở các khu vực có nguồn suối nước nóng, suối nước khoáng, các cơ sở hưu dưỡng, lưu trú cao cấp ở TP. Phan Thiết, huyện đảo Phú Quý, huyện Hàm Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Bắc.

Du lịch văn hóa: Bình Thuận có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, làng nghề, trải nghiệm ẩm thực... Các điểm du lịch nổi bật như khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh, tháp Po Sa Inư (Phan Thiết), dinh Thầy Thím (thị xã La Gi), chùa núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam), chùa Hang (huyện Tuy Phong)... Du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng – biển – đồi cát, loại hình du lịch có sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát triển các danh lam thắng cảnh, đặc sản địa phương. Du lịch cộng đồng phát triển dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa của địa phương nhằm khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị truyền thống, làng nghề, cảnh quan tự nhiên; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương về các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống. Loại hình này tập trung chủ yếu các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong...

Riêng du lịch về nguồn một loại hình mang nhiều giá trị giáo dục, cung cấp thông tin thực tế, sống động về lịch sử, văn hóa, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Loại hình này phát triển các di tích lịch sử được xếp hạng ở các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh mà điển hình là di tích lịch sử khu Căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc.

Du khách hãy đến với Bình Thuận để cùng trải nghiệm, rất thú vị và độc đáo...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/da-dang-va-phong-phu-cac-loai-hinh-du-lich-117629.html