Đa dạng hóa các hình thức truyền tải pháp luật đến với người dân

Trong những năm qua, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường đổi mới hình thức, đa dạng hóa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhiều hoạt động được tổ chức rộng rãi, tạo sức lan tỏa trong nhân dân, được bà con đồng tình hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Loi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ ở bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Hải Thượng

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Loi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ ở bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Hải Thượng

Câu lạc bộ phụ nữ - "cầu nối" đưa pháp luật đến với người dân

Tham dự một buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” ở bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, cán bộ Đồn Biên phòng Na Loi đã lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho các thành viên CLB và bà con dân bản.

CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” của bản Huồi Viêng được thành lập được hơn 5 năm nay, do Đồn Biên phòng Na Loi phối hợp với chính quyền xã Đoọc Mạy triển khai. Mục tiêu mà Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Na Loi hướng tới là nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ ở khu vực biên giới. Để thu hút được các hội viên tham gia CLB, trước hết phải gây dựng được niềm tin cho họ. Chính vì vậy, trước khi tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, BĐBP đã giúp đỡ, hỗ trợ chị em cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mô hình trồng rau, trồng dưa để gây quỹ giúp phụ nữ thoát nghèo là một ví dụ điển hình.

Từ việc quan tâm đến đời sống của bà con đã làm cho sự gắn bó quân - dân càng thêm bền chặt. Nhờ đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Nhân dân tham gia cùng bộ đội bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia như là một nhiệm vụ thiêng liêng trong mỗi người. Bộ đội đã làm cho dân tin, bởi thế, dân nghe bộ đội nói, những văn bản pháp luật mà BĐBP tuyên truyền đã được các thành viên CLB lan tỏa đến bà con trong các thôn, bản.

Hiện nay, trên tuyến biên giới của tỉnh Nghệ An đã có 12 CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”. Hiệu quả hoạt động của các CLB đã khẳng định vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng và củng cố thế trận biên phòng toàn dân, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Khu vực biên giới tỉnh Nghệ An có địa hình rộng lớn, đi lại khó khăn nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gặp phải không ít trở ngại. Trong khi đó, trình độ dân trí của bà con còn hạn chế, số người chưa biết tiếng phổ thông vẫn còn nhiều, cơ sở vật chất một số nơi còn thiếu và hoặc đã xuống cấp. Để tuyên truyền pháp luật đến tận người dân, mô hình “Tiếng loa Biên phòng” đã ra đời và hoạt động hiệu quả. Các nội dung, kiến thức pháp luật được truyền tới từng cụm bản, người dân có thể dễ dàng lắng nghe và tiếp nhận.

Tuyên truyền pháp luật thông qua dân ca, ví dặm

Được tham dự giờ học ngoại khóa của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, thoạt nghe những làn điệu dân ca vang lên trong lớp, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một buổi học hát dân ca của các em học sinh, nhưng thực tế đây là giờ học ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật với phương pháp dạy hoàn toàn mới. Những người hướng dẫn cho các em không phải là các thầy, cô giáo trong nhà trường mà là các cán bộ của Đồn Biên phòng Nhôn Mai.

Thiếu tá Nguyễn Thế Tuấn, cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết, để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, đơn vị đã triển khai nhiều cách làm hay, đổi mới công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân, trong đó có nội dung phối hợp với nhà trường tổ chức tập hát dân ca cho giáo viên và học sinh. Cán bộ Biên phòng tự biên, soạn lời cho một số làn điệu dân ca, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nội dung chú trọng vào việc phòng, chống di cư tự do, phòng, chống ma túy và tội phạm, ngăn ngừa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nhôn Mai có 262 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, là con em đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú theo học. Các em học sinh ở lứa tuổi này vẫn chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật, do vậy, việc tiếp cận các nội dung được chuyển thể thành các làn điệu dân ca một cách sinh động giúp các em dễ tiếp thu và dễ hiểu hơn.

Không chỉ tuyên truyền pháp luật thông qua các làn điệu dân ca để nhân dân có thể tiếp cận được các văn bản pháp luật từ các phương tiện khác nhau, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã thành lập Ban biên tập gồm những đồng chí am hiểu phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào để triển khai biên soạn tờ rơi bằng tiếng dân tộc thiểu số và phát đến tận tay cho đồng bào.

Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết, đơn vị đóng quân trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, địa hình, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, một số người dân chưa biết tiếng phổ thông, nhất là người già và phụ nữ. Vì vậy, để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đơn vị đã triển khai in tờ rơi bằng tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để phát cho người dân. Đồng thời, thông qua hệ thống loa phát thanh, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các nội dung tuyên truyền đã được truyền tải tới người dân ngày càng hiệu quả hơn.

Với việc đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức cho bà con, giúp đồng bào hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật. Qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/da-dang-hoa-cac-hinh-thuc-truyen-tai-phap-luat-den-voi-nguoi-dan-post469103.html