Đa dạng hình thức tuyên truyền phòng dịch

Để giúp người dân hiểu rõ diễn biến cũng như cách phòng tránh dịch bệnh Covid-19, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan truyền thông thì những cán bộ xã, thôn, bản cũng có những cách làm hay, phù hợp với từng địa phương. Từ việc kết nối loa vào xe máy, xe ô tô con đi vào các thôn, bản; phát tờ rơi đến đọc văn bản tiếng dân tộc Tày, Dao, Mông…

Thời gian qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Hang đã phối hợp dịch các văn bản phòng, tránh dịch Covid-19 ra 3 thứ tiếng: Tày, Mông, Dao. Đây là các văn bản hướng dẫn cách phòng tránh dịch của Bộ Y tế. Các văn bản sau khi dịch đã được thu âm và phát sóng trên loa truyền thanh 12 xã, thị trấn. Tại xã Đà Vị nơi có đông đồng bào dân tộc Tày, Dao…, thời gian này, xã thường xuyên phát sóng thông tin về dịch bệnh trên hệ thống loa phát thanh xã bằng các thứ tiếng Tày, Dao, Mông. Anh Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị cho biết, bên cạnh tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, tài liệu tuyên truyền đã được dịch ra tiếng dân tộc để bà con nắm bắt và ghi nhớ cụ thể hơn.

Xe tuyên truyền lưu động tự chế của UBND Tứ Quận (Yên Sơn) đến tận từng thôn, bảnđể tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19.

Ông Triệu Văn Liều, Trưởng thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) chia sẻ, thôn có 87 hộ, chủ yếu đồng bào Mông, Dao. Những ngày qua, cán bộ xã, đoàn thanh niên đến từng nhà đọc tờ rơi cho bà con. Ngoài ra còn có loa tuyên truyền bằng tiếng Mông, Dao. Nhờ vậy, người dân đã hiểu để phòng, chống dịch bệnh cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa thông thoáng, rửa tay sạch sẽ, ăn chín, uống sôi. Đặc biệt đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.

Bên cạnh đó, các xã còn thành lập tổ công tác tuyên truyền về dịch bệnh. Mỗi tổ gồm 5 thành viên là cán bộ xã, cán bộ thôn, bản. Tổ công tác có nhiệm vụ hàng ngày tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh không dây, gắn loa trên xe máy đi tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa nơi mà ô tô tuyên truyền lưu động của huyện không vào được. Cách làm này giúp người dân vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp xúc với phương tiện truyền thông nắm bắt được kịp thời tình hình dịch bệnh.

Những ngày này, cán bộ xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã đến tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa như Cây Nhãn, Khe Đảng… để tuyên truyền thông qua xe lưu động tự chế. Đó là chiếc ô tô con hiệu Kia Morning và hệ thống ghi âm và loa phát thanh. Còn tại xã Yên Lâm (Hàm Yên), hàng ngày, tổ tuyên truyền đã phân công thành viên gắn loa vào xe máy để đi tuyên truyền đến các thôn Thài Khao, Cọ Cỏm, Nắc Con… Trong đó, thôn Thài Khao là thôn chưa có điện lưới, đường sá đi lại khó khăn nên người dân ít được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông. Để giúp người dân hiểu rõ dịch bệnh Covid-19, cán bộ xã đã gắn loa trên xe máy để tuyên truyền. Ông Lý Văn Sơn, người dân thôn Thài Khao bày tỏ: “Bằng hình thức tuyên truyền gần gũi này người dân chúng tôi đã hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch Covid-19 cũng như các cách phòng dịch. Bà con đã hạn chế đi đám cưới, lễ cúng, không tụ tập đông người”.

Việc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền về dịch bệnh được chính quyền các xã quan tâm, chú trọng. Ông Hoàng Văn Thứ, dân tộc Sán Chay, người có uy tín trong đồng bào thôn Gò Chè, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) chia sẻ: “Những ngày qua, chúng tôi cùng cán bộ thôn tích cực tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, để mỗi người dân nâng cao nhận thức, tự bảo vệ mình và người thân. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động người dân chủ động khai báo với địa phương khi đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 để cách ly, theo dõi kịp thời”.

Với những cách tuyên truyền hiệu quả, linh động, sáng tạo đã giúp người dân nâng cao nhận thức, có biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Đồng thời, tạo tâm lý yên tâm, tránh tình trạng hoang mang, lo lắng trong cộng đồng, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Bài, ảnh: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/da-dang-hinh-thuc-tuyen-truyen-phong-dich-130605.html