Đã có nhiều điểm công cộng nói “không” với thuốc lá

Sau một thời gian thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình “không khói thuốc” tại các điểm công cộng như: Nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, khách sạn/nhà hàng… Nhờ vậy đã giảm đáng kể số người bị hút thuốc lá thụ động, giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong lứa tuổi thanh thiếu niên từ đó giảm những THTL gây nên đối với sức khỏe cộng đồng.

Chia sẻ về việc xây dựng các điểm công cộng “không khói thuốc”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, GĐ Quỹ PCTHTL chia sẻ: Với sự hỗ trợ của Quỹ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ký bản cam kết thực hiện các quy định của Luật PCTHTL và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá. Đến nay, đã có 62% số công đoàn cơ sở trên cả nước triển khai môi trường làm việc không khói thuốc lá; ít nhất 100 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc. Tại các tỉnh, TP hơn 1.500 cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động PCTHTL được tập huấn về THTL, thực hiện môi trường không khói thuốc.

Đối với việc triển khai xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc, tại các cơ sở y tế Trung ương 100% các BV thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL. Tính đến tháng 12-2015 đã có gần 2.000 Sở Y tế, Công đoàn ngành Y tế và Công đoàn cơ sở trực thuộc ký cam kết thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc với công đoàn y tế Việt Nam. Việc xây dựng TP du lịch không khói thuốc cũng được triển khai đẩy mạnh tại Hội An, Hạ Long, Nha Trang, Hải Phòng, Huế, TP HCM với các nhà hàng, khách sạn “không khói thuốc”.

Nhờ triển khai các mô hình này nên đã giảm được tỉ lệ hút thuốc lá thụ động. Theo kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Tổng cục thống kê và ĐH Y Hà Nội thực hiện năm 2015 cho thấy so với năm 2010, tỉ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 59,9%; hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6%; hút thuốc thụ động tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,1%; hút thuốc thụ động trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% còn 19,4%, TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi năm 2014 do CDC và Tổ chức Y tế thế giới thực hiện cho thấy: Tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh niên Việt Nam giảm từ 3,5% năm 2007 xuống còn 2,5% năm 2014; 90% học sinh đang hút thuốc có ý định bỏ thuốc. Tỉ lệ này cho thấy hiện nay việc sử dụng thuốc lá đang được ngăn chặn và có xu hướng giảm ở lứa tuổi học sinh của Việt Nam.

Yếu tố dẫn đến giảm tỉ lệ này cũng liên quan đến việc thực hiện mô hình trường học không khói thuốc. Thời gian qua, trên toàn quốc đã cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá trong nhà và trong phạm vi khuôn viên các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, các trường trung cấp chuyên nghiệp…. Cùng đó, đưa nội dung PCTHTL vào tiêu chuẩn xét thi đua khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đến hết năm 2015 đã có hơn 400 trường THPT, 457 trường THCS thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học.

Để đảm bảo việc thực hiện các điểm cộng cộng nói “không” với thuốc lá có hiệu quả cao, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người hút thuốc lá và chủ các cơ sở thì công tác thanh kiểm tra cũng đóng vai trò quan trọng. TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, công tác thanh kiểm tra việc thực thi Luật PCTHTL được tiến hành thường xuyên. Gần 6.000 cán bộ thanh tra, CA tại các Bộ, ngành và các tỉnh, TP được tập huấn về thực hiện môi trường không khói thuốc. Năm 2015, Thanh tra Bộ Y tế phối hợp Quỹ PCTHTL kiểm tra 100 khách sạn nhà hàng tại Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa. Bước đầu lập biên bản và xử lý 15 đơn vị với tổng số tiền phạt là 91 triệu đồng; Bộ Công an đã tiến hành thanh kiểm tra tại Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM… Trong đó nhắc nhở 169 trường hợp, cảnh cáo 35 trường hợp, phạt tiền 39 trường hợp với số tiền 23,5 triệu đồng; Các tỉnh, TP tổ chức thanh tra liên ngành, xử lý 241 đơn vị và 32 cá nhân vi phạm, tổng số tiền thu được là 77,7 triệu đồng…

Với những biện pháp trên đã góp phần giảm thiểu số người hút thuốc lá cũng như những tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, để việc thực hiện Luật PCTHTL có hiệu quả hơn nữa, TS. Lương Ngọc Khuê cho rằng: Trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá và hút thuốc thụ động đối với cộng đồng; tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc như các địa điểm cấm hút thuốc hoàn toàn trong nhà và phạm vi khuôn viên. Tăng cường nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong PCTHTL; quyền nghĩa vụ của công dân trong PCTHTL…

Khuyến cáo chỉ in bao bì trơn theo quy định chung

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Trong ngày thế giới không thuốc lá 2016, WHO đã khuyến cáo các Cty thuốc lá in trơn bao bì theo chuẩn mực chung: Tên sản phẩm, thương hiệu thuốc lá trên bao bì chỉ được phép in một màu sắc và kiểu phông chữ chuẩn theo quy định nhằm giảm sự hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá; hạn chế việc quảng cáo thuốc lá thông qua bao bì; hạn chế việc in trên vỏ bao các thông tin làm cho người tiêu dùng hiểu sản phẩm thuốc lá này ít có ảnh hưởng tởi sức khỏe hơn sản phẩm thuốc lá khác; hoặc hiểu sai về tính chất, tác động của thuốc lá đối với sức khỏe.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/da-co-nhieu-diem-cong-cong-noi-khong-voi-thuoc-la-113029