Cựu tuyển thủ bóng đá Thúy Nga: 'Nghiệp cầu thủ đâu có bạc bẽo'

“Những ngày còn là cầu thủ, cứ được bao nhiêu tiền lương, thưởng là tôi cố gắng dành dụm, tiết kiệm và dùng số tiền đó đầu tư vào việc học hành. Tôi nghĩ, nghề nào cũng có cái khó nhưng nếu biết sống hết mình cho đam mê, khéo thu vén một chút thì đều có thể thành công” - cựu tuyển thủ bóng đá nữ Nguyễn Thị Thúy Nga mở đầu câu chuyện cùng NTNN…

40 tuổi vẫn “máu” được vào sân

Mừng vì lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành quyền dự vòng chung kết giải vô địch châu Á (ASIAN Cup) 2018 sau chiến thắng thuyết phục trước Myanmar, nhưng trong từng lời tâm sự, có cảm giác cựu tuyển thủ nữ Thúy Nga ở tuổi 40 vẫn còn nhiều trăn trở lắm. Chị bảo: “Hiệp 2 mình chơi hay nhỉ (đã có 2 bàn thắng của Tuyết Dung, Huỳnh Như – PV). Tuy nhiên, phải nhìn nhận là Myanmar họ khỏe nhưng không “tinh” thôi. Cá nhân tôi vẫn tin các em, các cháu có thể chơi tốt hơn nữa, tự tin, bản lĩnh hơn nữa. Nói thật, mình ngồi bên ngoài xem nhiều khi cứ muốn trẻ lại, được vào sân thi đấu, thèm cảm giác đó lắm!”.

Cựu tuyển thủ Nguyễn Thị Thúy Nga (hàng ngồi, ngoài cùng bên phải) cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa giành vé dự vòng chung kết ASIAN Cup 2018. Ảnh: VFF

Theo dòng tâm sự, Thúy Nga nhớ lại những ngày đầu xa gia đình từ năm 15 tuổi để ăn ở, tập luyện cùng những Minh Nguyệt, Hồng Phúc ở sân 10.10, sau đó là Cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội). “Có những hôm trời lạnh lắm, tập xong chúng tôi vào phòng tắm chung với đội điền kinh có mỗi bể nước lạnh, giội ào ào cho xong, vừa tắm vừa run... Khó là thế nhưng mỗi khi ra sân tập, thi đấu đều rất nhiệt. Chị em yêu thương nhau và cùng đá vì mục tiêu chung. Chúng tôi nhiệt huyết lắm lắm, đá là quyết thắng chứ không bị tâm lý dù đối thủ có là ai” - Thúy Nga chia sẻ.

Một kỷ niệm đáng nhớ đã trôi qua khoảng 20 năm trước, trong một trận giao hữu gặp CHDCND Triều Tiên, các cô gái Việt Nam đã khiến đối thủ phải tức giận. “Hồi đó, khi gặp chúng tôi, họ tỏ ra coi thường! Nhưng họ càng kiêu bao nhiêu thì chị em tôi càng bảo nhau quyết tâm bấy nhiêu và chính Minh Nguyệt là người “chọc” cho người ta 1 bàn thua trước đấy. Sau bàn thua đó, họ mới bung hết sức đá. Trận đó mình thua 1-11 nhưng học hỏi được nhiều, trưởng thành nhiều trong chuyên môn” - Thúy Nga nhớ lại.

Thời chúng tôi, nếu nói đến việc có vé dự vòng chung kết ASIAN Cup thì đúng là một giấc mơ đấy, rất khó! Tấm vé đến Jordan mà các em vừa giành được khiến chúng tôi cũng rất mừng và hy vọng trong tương lai, các em còn làm được nhiều hơn những gì chúng tôi đã làm trong quá khứ”.

Cựu tuyển thủ
Nguyễn Thị Thúy Nga

Không ngừng cố gắng!

Có lẽ chính những phẩm chất học hỏi, chịu khó và không ngừng vươn lên ấy đã giúp các nữ tuyển thủ thế hệ 7x thống trị bóng đá khu vực, liên tiếp giành 3 danh hiệu vô địch SEA Games 2001, 2003, 2005. Thúy Nga tâm sự: “Khi trọng tài chưa thổi còi kết thúc trận đấu là lúc toàn đội vẫn cố gắng tới những giọt mồ hôi cuối cùng. Nhưng giành được những tấm HCV chưa phải là kết thúc cho một câu chuyện. Cá nhân tôi cho rằng một cầu thủ còn phải cố gắng nhiều hơn thế sau khi giã từ sự nghiệp”.

Chính những nỗ lực vượt lên chính mình mới là nơi tạo ra sự khác biệt giữa các cầu thủ với nhau chứ không phải thu nhập, những chế độ mà họ được hưởng trong một thời điểm cụ thể: “Những ngày đầu theo nghiệp “quần đùi áo số” chúng tôi nào có suy nghĩ gì về vật chất, đến người yêu còn chả màng nữa là (cười). Nhớ thời điểm năm 1997, khi 20 tuổi được đi nước ngoài tập huấn ở Trung Quốc rồi Malaysia, Đài Loan là phấn khởi lắm rồi. Những ngày mới tập trung ở đội tuyển, chúng tôi thậm chí còn không có đủ đồng phục để mặc cơ, nhưng có hề gì đâu. Thi đấu thắng, có được thưởng đồng nào là tiết kiệm đầu tư cho việc học”.

Chuyện mà cho đến lúc này Thúy Nga cùng một số đồng đội có thể tự hào mang kể với cả… những đồng nghiệp châu lục, thế giới chính là liên quan tới việc học văn hóa của mình. “Ngày vô địch SEA Games lần đầu tiên năm 2001 cũng là ngày tôi cùng một số đồng nghiệp tốt nghiệp hệ chính quy khoa giáo dục thể chất Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Ngày ấy, có thời điểm chiều hôm trước còn đá ở Quảng Ninh thì sáng hôm sau đã lên lớp thi môn hoặc ngược lại, vừa thi xong đã ra sân thi đấu và ghi bàn. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ với các em, các cháu cầu thủ hiện nay, song song với việc đá bóng, họ nên thu xếp thời gian cho việc học tập văn hóa dù biết là rất mệt. Có vậy, sau khi “treo giày”, họ vẫn sẽ có một công việc, một cuộc sống ổn định, giúp đỡ được gia đình” - Thúy Nga bộc bạch.

Với cá nhân mình, ngay lúc này, ngoài công việc tại VFF, cựu tuyển thủ năm nay đã 40 tuổi vẫn có thêm 1 cửa hàng thể thao nhỏ ở quận Hà Đông: “Cần thêm thu nhập để nuôi con nhỏ là một chuyện. Nhưng tính tôi là thế, mình phải không ngừng làm việc, cố gắng vươn lên” - Thúy Nga chia sẻ.

Bóng đá Việt cần có những thần tượng

Như một gạch nối giữa những thế hệ bóng đá nữ Việt Nam suốt 20 năm qua, Thúy Nga bày tỏ: “Mỗi thời mỗi khác nhưng bóng đá ở thời điểm nào cũng cần có những thần tượng để thế hệ sau cố gắng noi theo. Thế hệ cầu thủ hiện tại cũng phải xác định đó là nhiệm vụ của mình đối với thế hệ sau. Như Công Vinh, tôi nghĩ cậu ta đã thành công và nhiều các em trẻ ở SLNA nói riêng và Việt Nam nói chung muốn được như cậu ta”.

Trước câu hỏi của NTNN: Suốt 25 năm đã qua, tính từ ngày mới chập chững theo đuổi niềm đam mê, có bao giờ chị cảm thấy hối hận khi đã theo nghiệp cầu thủ bóng đá hay không? Thúy Nga cười đáp: “Không, nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ đi đá bóng. Bóng đá mang lại cho tôi nhiều hơn là mất và lúc này tôi vẫn đang hạnh phúc với công việc của mình. Ai bảo nghề cầu thủ bạc là việc của họ, tôi không thấy vậy!”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-thao/cuu-tuyen-thu-bong-da-thuy-nga-nghiep-cau-thu-dau-co-bac-beo-765385.html