Cứu sống thanh niên bị đâm xuyên tim

Bác sĩ Khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực BVĐK Trung ương Quảng Nam vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân bị dao đâm thấu tim, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Lúc 22h35 ngày 25/9, bệnh nhân B.T.H (30 tuổi, trú huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) vào BVĐK Trung ương Quảng Nam trong tình trạng khó thở với vết thương 2 cm ở vùng ngực phải, gần tim. Toàn thân bệnh nhân bất động, tay chân lạnh, tri giác lơ mơ, mạch và huyết áp không đo được, SpO2 thấp.

Kết quả siêu âm cấp cứu tại giường phát hiện có máu màng phổi, màng tim. Sau khi đặt dẫn lưu tạm thời khoang màng phổi, thấy máu ra nhiều.

Kíp phẫu thuật của BVĐK Trung ương Quảng Nam đã cứu sống bệnh nhân bị đâm xuyên tim. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ nhận định đây là vết thương thấu ngực phức tạp, nghi ngờ xuyên vào tim, tình trạng bệnh nhân rất nguy hiểm, diễn tiến rất khó lường, nguy cơ tử vong rất cao, thời gian rất khẩn cấp.

Ê kíp trực lập tức báo động đỏ, huy động toàn bộ nhân lực tham gia, vừa hồi sức tích cực vừa chuyển bệnh nhân đến phòng mổ sau 15 phút tiếp nhận.

Ca phẫu thuật gồm các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Ngoại lồng ngực - Tim mạch, Ngoại tổng hợp, Hồi sức tích cực - Chống độc. Các bác sĩ khẩn cấp mở ngực, kiểm tra khoang màng phổi thấy máu chảy nhiều, rách màng tim phải, vết thương rộng 2cm xuyên vào trong tâm nhĩ phải.

Các bác sĩ tiến hành khâu vết thương tim, lấy hết máu cũ, đồng thời với hồi sức tích cực, kiểm soát các dấu hiệu sinh tồn. Sau phẫu thuật, hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt các dấu hiệu sinh tồn ổn định, tình trạng bệnh nhân đang diễn biến tốt dần lên... Bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục theo dõi thêm.

TS.BS. Nguyễn Lương Tấn - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Tim mạch (BVĐK Trung ương Quảng Nam) chia sẻ: Vết thương xuyên ngực là thương tổn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch... Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng choáng không hồi phục, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng cho bệnh nhân. Do đó, ca phẫu thuật vết thương tim phổi rất phức tạp, đòi hỏi phải có ê kíp phẫu thuật - gây mê hồi sức có trình độ chuyên môn cao.

Theo ThS.BS. Dương Chí Lực - Khoa Ngoại lồng ngực - Tim mạch (BVĐK Trung ương Quảng Nam), để phòng tránh các tai nạn ở tim cần tránh các động tác có nguy cơ tổn thương đến vùng ngực.

Nếu có vết thương ở ngực dù nặng hay nhẹ cũng phải đến ngay cơ sở y tế có khoa Ngoại lồng ngực. Khi bị ngã hoặc bị tai nạn bất ngờ nên rèn luyện phải xạ thu tay che bảo vệ vùng ngực và vùng cổ.

Thu Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuu-song-thanh-nien-bi-dam-xuyen-tim-169230926165355851.htm