Cứu sống cụ bà mắc COVID-19 có nhiều bệnh lý nền nguy kịch

Nữ bệnh nhân mắc COVID-19 kèm nhiều bệnh lý nền suy tim, tăng huyết áp đã được các bác sĩ BVĐK tỉnh Sơn La cấp cứu thành công.

Người bệnh H.T.S, 69 tuổi, thường trú tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên châu, tỉnh Sơn La.

Theo người nhà bệnh nhân kể lại, cách vào viện 4 ngày bệnh nhân xuất hiện ho nhiều tại nhà kèm theo mệt mỏi, phù nhẹ 2 chi dưới, người bệnh có tiền sử suy tim, tăng huyết áp.

Đến ngày 15/3 bệnh nhân xuất hiện khó thở tím tái toàn thân, gia đình đưa vào cấp cứu tại BVĐK huyện Yên Châu trong tình trạng hôn mê sâu, da niêm mạc nhợt nhạt, đồng tử 2 bên co nhỏ, mất phản xạ ánh sáng, phù 2 chi dưới, phổi thông khí kém, huyết áp 150/90mmHg, SpO2 55%, test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Người bệnh ngay lập tức được xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy, điều trị kháng sinh, chống viêm và chuyển BVĐK tỉnh tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân trên xe cấp cứu đang được chuyển từ Bệnh viện huyện Yên Châu tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La

Khu điều trị COVID của BVĐK tỉnh Sơn La, tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng phổi bị tổn thương nặng rales ẩm nổ 2 bên phổi, thở theo bóp bóng SpO2 92%.

Sau khi hội chẩn bệnh nhân được ban chỉ đạo điều trị COVID-19 của bệnh viện thống nhất với chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2, suy hô hấp, viêm phổi nặng, tăng huyết áp, suy tim và được chỉ định duy trì thở máy xâm nhập, kháng sinh, chống viêm, chống đông, long đờm, SpO2 duy trì trong giới hạn 90-93%.

Sau 5 ngày điều trị tích cực và chăm sóc toàn diện khả năng hô hấp của bệnh nhân dần hồi phục, người bệnh được rút ống nội khí quản, chuyển thở máy không xâm nhập, SpO2 80%, cai thở hỗ trợ oxy.

Đến ngày 4/4/2022 bệnh nhân tự thở tốt SpO2 92-95% không còn ho, sốt, đau tức ngực, huyết động ổn định và được cho ra viện.

Bệnh nhân xuất viện trong niềm vui của gia đình và các y bác sĩ.

Là một trong những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS. Ngô Thế Nguyên cho biết: "Khó khăn lớn nhất khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là người bệnh không có người thân chăm sóc, do vậy bên cạnh việc theo dõi điều trị tỉ mỉ, sát sao, hỗ trợ người bệnh thực hiện các sinh hoạt cá nhân, các nhân viên y tế cũng phải luôn động viên tinh thần để người bệnh có thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật. Rất may nhờ những nỗ lực trong điều trị, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo, chức năng hô hấp được cải thiện".

BS. Nguyên cũng chia sẻ thêm, ở bệnh nhân COVID-19, việc thở máy xâm nhập, kèm SpO2 100% kéo dài sẽ làm phổi nặng hơn do xẹp phổi, giảm thông khí, ngộ độc oxy, giảm hoạt động của các nhung mao ở đường dẫn khí, giảm chức nặng bạch cầu… Do vậy, phương châm điều trị là cần hạn chế tối đa đặt ống nội khí quản, giảm dần SpO2… Với phương châm trên, BVĐK tỉnh Sơn La đã nỗ lực giành giật sự sống cho rất nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, bệnh nhân S. là một trong số đó.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguyễn Hiền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//cuu-song-cu-ba-mac-covid-19-co-nhieu-benh-ly-nen-nguy-kich-169220405174318526.htm